Kể từ ngày 3/2/1930, cách mạng Việt Nam đã có Ðảng Cộng sản lãnh đạo, một đảng Mác - Lênin chân chính luôn đặt lợi ích Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Ðó là động lực to lớn để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta giữ vững niềm tin vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tranh: MINH TẤN
Trải qua các cao trào cách mạng từ năm 1930-1945, Ðảng đã lãnh đạo Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công - nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng viết: “Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Ðảng ta nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, thấu suốt lập trường của giai cấp công nhân, quyết tâm dựa vào quần chúng, phát động tư tưởng của họ, phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vô cùng vô tận của họ thì nhất định sẽ đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi vẻ vang”. Ðó là lịch sử tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ Nhân dân, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong 2 cuộc chiến tranh này, những đảng viên cộng sản kiên trung và cả những người dân yêu nước luôn tin tưởng, đi theo Ðảng, mặc dù luôn đứng trước nguy cơ bị bắn giết, thủ tiêu, tù đày với những cực hình tra tấn dã man. Hệ thống nhà tù ở Sơn La, Hoả Lò, Côn Ðảo, Chí Hoà, Phú Quốc... với đủ mọi loại cực hình tra tấn là minh chứng về tội ác chiến tranh của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng bằng ý chí kiên cường và niềm tin được tôi luyện qua thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, kẻ thù không thể khuất phục được họ - những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Ðó là niềm tin và chỉ có niềm tin vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo họ mới vượt qua mọi thách thức để giành được thắng lợi cuối cùng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang cho lịch sử nhân loại.
Nhìn lại chặng đường hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 32 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Ðất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Ðời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(*). Ðó là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ðể tiếp tục giữ vững niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng và con đường đã lựa chọn, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải kiên quyết, kiên trì hơn nữa sự lãnh đạo của Ðảng, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới một cách phù hợp, bảo vệ Ðảng, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc của Ðảng trong sinh hoạt Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, theo nguyên tắc “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”. Quán triệt quan điểm “dân là gốc, là chủ thể của sự phát triển xã hội”. Thực hiện nghiêm túc phương châm chỉ đạo của Ðảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Xây dựng mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để không ngừng củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết không đa nguyên, đa đảng đối lập. Ðó không chỉ là bài học kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là điều kiện cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
(*) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
ThS Châu Hồng Nhiên