Qua 5 năm (giai đoạn 2010-2014), Cà Mau đào tạo, dạy nghề cho 138.000 lao động, trong đó: trung cấp và cao đẳng nghề là 5.800 lao động, dạy nghề theo Quyết định 1956 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn) là 44.830 lao động và dạy nghề dưới 3 tháng là 87.370 lao động. Phần đông lao động sau học nghề đều tìm được việc làm ổn định.
Qua 5 năm (giai đoạn 2010-2014), Cà Mau đào tạo, dạy nghề cho 138.000 lao động, trong đó: trung cấp và cao đẳng nghề là 5.800 lao động, dạy nghề theo Quyết định 1956 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn) là 44.830 lao động và dạy nghề dưới 3 tháng là 87.370 lao động. Phần đông lao động sau học nghề đều tìm được việc làm ổn định.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Hữu Phước khẳng định, qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cơ sở dạy nghề đã chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua thương phẩm, cá nước ngọt, nghề đan đát, may, trồng rau màu… nhằm đảm bảo khả năng giải quyết việc làm.
Đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động
Bám sát chương trình khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để vận dụng vào điều kiện của địa phương, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Trần Văn Thời đã đào tạo nghề cho lao động theo tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.
Các phiên giao dịch việc làm là cơ hội cho người lao động lựa chọn việc làm phù hợp. |
Trần Văn Thời là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trung tâm luôn chú trọng đào tạo nghề ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản… phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của lao động. Được học nghề tại địa phương lại có sẵn ruộng, vườn… nên sau khi được đào tạo nghề, hầu hết các học viên đã áp dụng ngay kiến thức vào lao động sản xuất, tự tạo việc làm để tăng thu nhập gia đình.
Nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. |
Thời gian qua, trung tâm đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình đào tạo nghề, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn cũng như giảm tỷ lệ lao động nông thôn bỏ quê đi lao động ngoài tỉnh. Điển hình như: nuôi gà (thị trấn Trần Văn Thời, xã Khánh Bình Đông, Trần Hợi), nuôi cá trê vàng (xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông, Khánh Hưng), nuôi lươn thương phẩm (xã Khánh Hưng)…
Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trần Văn Thời Phạm Phương Liên cho biết, phát huy hiệu quả đạt được trong dạy nghề theo nhu cầu lao động nông thôn, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng đào tạo thêm nhiều ngành, nghề phù hợp, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất ổn định…, trung tâm liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, lựa chọn những đơn vị có uy tín và sẽ tiến hành thương lượng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất cho các mô hình nuôi cá trê vàng, lươn thương phẩm… cũng như việc bao tiêu sản phẩm.
Lớp dạy may dân dụng ở xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi. |
Cũng như huyện Trần Văn Thời, tiếp tục nâng cao chất lượng trong lĩnh vực dạy nghề (cấp độ 3), những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Đầm Dơi (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp) không ngừng mở rộng đào tạo đến tận các vùng nông thôn sâu. Ngoài các nhóm nghề được duy trì đào tạo thường xuyên như: may dân dụng, may công nghiệp, điện dân dụng, nữ công gia chánh, sửa xe gắn máy…, Đầm Dơi còn mở thêm nhiều lớp kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, nuôi thuỷ sản nước ngọt, sơ cấp thú y và trồng rau an toàn.
Những hiệu quả thiết thực
Sau 3 tháng tham gia lớp học nuôi cua thương phẩm do Trung tâm Dạy nghề huyện Ngọc Hiển hướng dẫn và sử dụng ngay vuông nhà mình để làm mô hình trình diễn, với 9.000 con cua giống được thả nuôi trong diện tích 2.000 m2, tháng 11/2015, gia đình anh Trương Văn Ly (ấp Kinh Ranh, xã Viên An Đông) thu được 810 kg cua thương phẩm. Với giá bán 110.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, anh Ly còn lời trên 46 triệu đồng.
“Nghề nuôi cua ở Ngọc Hiển không phải là mới, nhưng sau khi tham gia lớp dạy nghề, tôi thực hiện thiết kế và chuẩn bị ao nuôi, phương pháp chọn, thả giống, quản lý sức khoẻ cua nuôi… theo hướng dẫn và đạt hiệu quả cao hơn so với cách làm trước đây”, anh Ly phấn khởi.
Sản xuất cây lau nhà ở Hợp tác xã Anh Đào, huyện U Minh giúp lao động địa phương tận dụng thời gian nhàn rỗi, thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. |
Còn ông Lê Văn Bảy (ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, trước đây, ở xóm này đất vườn xung quanh nhà thường bỏ trống, có chăng thì trồng khoai mì, khoai lang. Tháng 9/2013, Trung tâm Dạy nghề huyện đến xã chiêu sinh lớp học kỹ thuật trồng rau màu và mượn 70 m2 đất vườn nhà ông để làm mô hình trình diễn. Sau 45 ngày học, 25 học viên bắt đầu thực hành ngay trên đất nhà mình. Vụ mùa đầu tiên trồng dưa hấu, bí rợ…, ngoài việc phục vụ cho bữa ăn gia đình, mỗi hộ thu được vài triệu đồng từ việc bán lẻ ở chợ xã.
Ông Bảy ước tính: “Trồng rau màu đầu tư ít mà nguồn thu nhập cũng ổn định. Năm nay, tôi san lấp cái ao cạnh nhà khoảng 1 công đất và lên liếp trồng dưa hấu, rau xanh, đậu bắp… Nếu thời tiết thuận lợi thì gia đình tôi sẽ kiếm thêm được vài chục triệu đồng ăn Tết”.
Năm 2015, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 38.000 lao động (chỉ tiêu là 35.000 lao động). Qua các lớp dạy nghề nông nghiệp, các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm từ người thân…, gần 38.000 lao động được giải quyết việc làm, góp phần cùng với địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất.
![]() |
Dạy sửa xe gắn máy ở Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau. |
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Hữu Phước nhận xét, học viên sau khi học nghề có ngay khoản thu nhập trên mô hình được học. Tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật vào quá trình sản xuất mang lại hiệu quả cao càng giúp lao động nông thôn tự tin hơn, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Chỉ khi người dân hiểu rõ học nghề là nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia.
Thực hiện Đề án 1956 (giai đoạn 2016-2020), Cà Mau xây dựng kế hoạch đào tạo 175.000 lao động, trong đó dạy nghề theo Quyết định 1956 là 57.500 lao động. “Ngoài đẩy mạnh dạy nghề để lao động nông thôn có thể tăng gia sản xuất, tăng thu nhập ngay trên vuông tôm, ruộng vườn của mình, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm mở rộng thông tin thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động”, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết thêm./.
Bài và ảnh: Mã Phi