(CMO) “Túi nghèo”, “vùng trũng” hay như “rừng sâu nước độc”… là những từ mà mọi người từng nói về rừng U Minh Hạ. Xứ rừng U Minh Hạ trước đây là nơi mà hàng ngàn hộ dân nghèo, không đất, không tư liệu sản xuất từ nhiều nơi khác chọn làm chốn nương náu tìm kế mưu sinh. Chính lẽ đó, không quá khó để lý giải vì sao nơi đây từng được biết đến là vùng đất của sự nghèo khó. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn ấy giờ chỉ còn là ký ức, những quyết sách mới của Nhà nước đã "cởi trói" cho người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ, giúp những hộ dân nơi đây đẩy lùi cái nghèo, vươn lên khá giàu.
Trong những tháng mùa khô vừa qua, tôi có dịp cùng nhiều anh em đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng len lỏi trên khắp các nẻo đường trong các vạt rừng U Minh Hạ. Tại những điểm đến, bên cạnh những câu chuyện liên quan đến công tác phòng chống cháy rừng, kinh tế rừng, sự đổi thay của diện mạo nông thôn dưới tán rừng… thì ký ức về một thời khó khăn cũng là chủ đề không kém phần sôi nổi.
Họ tự hào vì đã chinh phục được vùng đất khó, vui mừng khi những khó khăn gặp phải luôn nhận được sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ chính quyền địa phương trong hành trình bám đất, bám rừng để mưu sinh trong mấy mươi năm qua.
Một thời gian khó
Ở cái tuổi gần 60 nhưng ông Sáu Thắng (Trần Quang Thắng), Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh vẫn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh như thời mười tám, đôi mươi. Do đã chảy qua quá nhiều khó khăn trong hành trình mưu sinh dưới tán rừng đã hun đúc ông trở nên rắn rỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hơn 30 năm gắn bó với 7 ha đất rừng nhận giao khoán tại Tuyến 93, ông Sáu Thắng là một trong những người đã chứng kiến tất cả những thăng trầm của mảnh đất này. “Vào những năm 1990 và kể cả về sau, những ai vào đây nhận khoán đất rừng thì 10 người có đến 9 người thuộc diện nghèo, còn lại 1 thì thuộc diện khó. Ðã nghèo vào đây nhận đất, nhận rừng với hy vọng đổi đời nhưng lại gặp đất phèn trũng nên sau đó khăn gói ra đi cũng không ít”. Dù không được tận mắt chứng kiến nhưng qua lời kể ấy của ông Sáu Thắng, phần nào có thể thấy được hành trình chinh phục vùng đất khó này lắm đỗi gian truân nhưng cũng không kém phần tự hào.
Xã Nguyễn Phích là một trong những địa phương có diện tích rừng tương đối lớn của huyện U Minh, với hơn 3.788 ha trải dài trên 6 ấp. Ðó là diện tích do UBND xã quản lý, còn nếu tính luôn cả lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ thì có đến 11 ấp trong số 20 ấp của xã có rừng.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi giống rừng trồng để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ. |
Trong dòng hồi ức của những năm đầu khi mới vào đây nhận đất, nhận rừng, nơi mà mọi người thường ví von, so sánh “rừng vàng” là cả quá trình chinh phục thiên nhiên. “Rừng đúng là vàng thiệt, đi đến đâu cũng thấy vàng: nước phèn vàng óng, năn sậy vàng, quần áo vàng, cả móng tay, móng chân cũng vàng khè..., nhưng không phải là vàng ròng mà là vàng của màu nước phèn”, ông Sáu Thắng kể về quá khứ khó khăn nhưng không phải với tâm trạng buồn rầu mà có phần rất tự hào. Bởi lẽ, sau 30 năm, màu vàng của nước phèn vùng đất này được ông biến thành... vàng thật.
Cũng như Nguyễn Phích, xã Khánh Thuận là địa phương có đến 10 ấp trong tổng số 15 ấp có người dân sinh sống dưới tán rừng tràm. Hiển nhiên, cũng như tất cả những hộ dân trong lâm phần, hành trình mưu sinh của họ trong hơn 10 năm đầu khi mới vào nhận đất, nhận rừng cũng vô cùng khó khăn. Là một trong những hộ giờ đây thuộc diện khá giả của Ấp 1, xây được nhà khang trang, nhưng việc chi tiêu trong gia đình ông Phan Văn Toại lại vô cùng tiết kiệm. Sự cần, kiệm trong gia đình thể hiện rõ qua cách bố trí các thiết bị điện, nước phục vụ sinh hoạt, cách tận dụng từ góc đất để trồng rau, nuôi cá, nuôi gà, vịt phục vụ bữa ăn hàng ngày và rõ nhất là qua cách ông chia sẻ: “Chính nhờ cần cù và chi tiêu tiết kiệm mà gia đình mới bám trụ và vượt qua khó khăn trong những năm đầu khi mới về đây, và cũng chính nhờ nó mới có được như hôm nay”.
Cây tràm thời ấy mang về cho người dân thu nhập chẳng đáng là bao, bởi không chỉ do cách thức canh tác theo kiểu truyền thống năng suất thấp, chu kỳ dài (hơn 10 năm) mà còn do chính cơ chế, quy định về tỷ lệ ăn chia giữa đơn vị quản lý rừng và người dân. Khi đó, cây tràm sau khi khai thác, đơn vị quản lý rừng hưởng 7 phần, còn nông dân chỉ được 3 phần. Tỷ lệ ăn chia đã thấp mà họ còn chịu cảnh bị trừ chi phí, nào là thuế khai thác lâm sản, phí thiết kế trồng rừng, chi phí nghiệm thu, tiền tận thu khoáng sản...
Tất cả, từ điều kiện đất đai đến cơ chế, quy định bất hợp lý là sợi dây trói buộc người dân dưới lâm phần trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó. Chính điều này khiến U Minh nổi tiếng là “túi nghèo” của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 21%. Cá biệt, thời điểm đó (năm 2009) có xã tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến khoảng 49%. Nói về những khó khăn của người dân trong lâm phần giai đoạn này, Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản cho biết, trong những năm 1990-2000, việc trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ trồng và khai thác rừng kéo dài 10-12 năm. Mặt khác, giá cây rừng đã thấp lại không ổn định, từ đó đời sống người dân trong lâm phần gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn cao.
Những quyết sách đột phá
Thấy được sự khó khăn, khổ cực của người dân trong lâm phần, nhiều quyết sách mới đã được các cấp chính quyền đưa ra dần dần "cởi trói" cho lâm phần rừng U Minh Hạ. Theo ông Toản, hành trình ấy bắt đầu từ khoảng năm 2003, khi giá cây gỗ từ rừng tăng dần qua hàng năm, người dân quan tâm hơn đến việc trồng rừng kinh tế, trong đó việc kê liếp trồng rừng thâm canh rút ngắn chu kỳ sản xuất là bước đi đột phá mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm thay đổi tập quán trồng rừng của người dân. Từ khi có phong trào kê liếp trồng rừng, không chỉ chu kỳ trồng rừng được rút ngắn xuống còn một nửa mà nguồn thu tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước.
Những đổi thay của vùng rừng U Minh Hạ hiện nay phải kể đến nền tảng từ việc Bộ NN&PTNT cho phép tỉnh Cà Mau được bổ sung thêm cây keo lai trồng ở khu vực đất sản xuất của rừng tràm vào năm 2009, sau khi khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với cây tràm bản địa. Ngay sau khi "danh chính ngôn thuận", phong trào kê liếp trồng keo lai phát triển mạnh trên lầm phần U Minh, không chỉ ở các hộ dân nhận đất, nhận rừng mà một số doanh nghiệp đã thuê đất rừng trồng cây keo lai. Từ đó, một câu chuyện hy hữu lại diễn ra trong lâm phần rừng U Minh, nếu trong thời gian dài trước đó, người dân tìm mọi cách phá rừng để mở rộng đất nông nghiệp thì bắt đầu từ những năm 2015-2016, nhiều hộ lại trồng rừng trên cả 30% đất nông nghiệp kết hợp trong lâm phần. Và đến nay, hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp này được phủ xanh bằng cây keo lai, cây tràm Úc.
Thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm, ngư trường quốc doanh theo Nghị định 200/2004, toàn tỉnh đã thu hồi hơn 12.600 ha đất lâm nghiệp của một số nông, lâm, ngư trường trên địa bàn các huyện U Minh và Trần Văn Thời để giao cho dân. Theo đó, hàng ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được trao cho người dân trong lâm phần. Lúc này, người dân có được mô hình trồng rừng mới, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, lại được chính thức làm chủ nên việc đầu tư cải tạo đất rừng diễn ra rầm rộ hơn. Ngoài ra, phải kể đến tỷ lệ ăn chia được đảo chiều, hiện nay người dân được hưởng từ 70-80%, thậm chí có nơi lên đến 95% giá trị. Từ đó, diện tích trồng rừng theo hình thức kê liếp thâm canh ngày một mở rộng, đến nay đã đạt gần 20.000 ha.
Nói về những chủ trương, chính sách nào là quan trọng nhất tạo bước đột phá trên lâm phần rừng U Minh, ông Toản cho biết, đó là thực hiện Quyết định số 1565/QÐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”; Quyết định số 774/QÐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ NN&PTNT về kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 1364/QÐ-UBND ngày 7/8/2017 của tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt điều chỉnh Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020...; cũng như từ chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc thống kê, quy hoạch, phân loại rừng, trong đó chú trọng việc mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh nhằm rút ngắn chu kỳ khai thác phát triển nhanh kinh tế từ rừng. Tất cả tạo bước đột phá không chỉ về thu nhập mà cả về diện tích, độ che phủ rừng trong lâm phần./.
Theo số liệu điều tra, thống kê mới nhất, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 164.638 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 24.406 ha, đất rừng phòng hộ 36.528 ha, đất rừng sản xuất 103.794 ha. Bên cạnh đó, tổng diện tích giao khoán là 77.578 ha, với 17.218 hộ. |
Nguyễn Phú
Bài 2: HIỆN THỰC HOÁ GIẤC MỘNG “RỪNG VÀNG”