(CMO) Đất Mới có 9 ấp, mỗi ấp có đặc thù và những khó khăn riêng nhưng cơ bản kinh tế chính đều là nuôi trồng thuỷ sản. Từ phong trào thi đua sản xuất giỏi, xuất hiện nhiều mô hình hay, vực dậy kinh tế địa phương, thu hút nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi. Tiêu biểu tại ấp Bùi Mắc, khi nhắc đến một trong những hộ ăn nên làm ra trên mảnh đất quê hương thì cái tên Ðoàn Thành Công luôn được mọi người ưu ái.
Những năm 90, sau khi giải ngũ trở về quê hương, với xuất phát điểm chỉ 3 ha đất tự khai phá, bằng bản lĩnh và nhạy bén của người lính, ông Thành Công mở rộng đất lên 10 ha, chỉ bằng duy nhất một nghề đó là nuôi tôm, cua kết hợp với trồng rừng.
Toàn bộ diện tích đất bên trên trồng rừng đước, bên dưới thả tôm, cua. Ông Công suy ngẫm: “Ngày nay, với nhiều lý do mà môi trường nước đang dần bị ô nhiễm, chính vì vậy tôm, cua tôi nuôi đều theo hướng sinh thái, không can thiệp vào nguồn thức ăn, nói không với các chất hoá học để con tôm sinh trưởng tự nhiên nhất, thức ăn của chúng là rong rêu, sản vật rụng từ rừng xuống phân huỷ tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, nhờ đó mà chất lượng vật nuôi luôn đảm bảo”.
Nhiều năm canh tác theo hướng trên, môi trường nuôi vẫn được đảm bảo. Ðể vật nuôi phát triển trong điều kiện sinh thái tự nhiên thì khâu quản lý nước rất quan trọng. Tuỳ vào thời tiết mà nạp hoặc xả nước. Cứ mùa mưa đến thì hứng nước mưa trữ lại trong các thùng cỡ lớn, đồng thời xả nước trong khu vực nuôi. Riêng mùa hạn thì bù nước mưa đã trữ vào. Việc kết hợp rừng - tôm còn là nơi lý tưởng để vật nuôi sinh trưởng tốt, giảm độ nóng khi mùa hạn, trừ dịch bệnh, tránh rủi ro trong sản xuất.
Theo đó, mỗi lần thả tôm hay xổ, bước vào giai đoạn nào đều đặn ông đều ghi lại nhật ký canh tác, ngoài việc tính được năng suất của từng năm, đây còn là thói quen, bí kíp mà ông để lại cho con cháu.
Năm Căn ngoài là vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn, còn là vùng có hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá. Không theo trào lưu phá rừng để nuôi tôm công nghiệp, điều ông Công cũng như chính quyền muốn là làm sao để cả hai cùng dung hoà, cùng phát triển, chứ không có chuyện tận diệt, chọn rừng bỏ tôm hay ngược lại.
Ðối với người trồng rừng, việc lo ngại nhất vẫn là thời gian chờ thu hoạch. Khoảng thời gian dài cùng với việc khá kén chọn vật nuôi kết hợp đã khiến nhiều hộ loay hoay tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, đó là tư tưởng ngày trước, người nông dân thời nay không chỉ chờ thời mà còn năng động sản xuất, luôn biết kết hợp lấy ngắn dưỡng dài.
Ông Công nhẩm tính: “Với 10 ha, nếu chỉ tính khoản trồng rừng từ 10-15 năm thu về cũng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tuỳ theo biến động giá thị trường. Nhưng nếu biết tận dụng thì không dừng ở con số đó. Ðây là nguồn thu khá, nên duy trì”. Chỉ tính riêng con tôm, cua, mỗi năm gia đình ông tích góp trên dưới 400 triệu đồng.
Ngày nay, đặt chân đến thăm mô hình của ông Công, nhiều người ngỡ ngàng vì hệ sinh thái tại đây khá đa dạng. Từ khuôn viên quanh nhà cho đến liếp rừng, bờ vuông đều được ông tận dụng tối đa để canh tác, làm phong phú bữa ăn cho gia đình.
Như một hướng dẫn viên “đi tour cây nhà lá vườn”, ông Công tâm đắc giới thiệu những mô hình ông đã thử và thành công. Chỉ tay vào những cây mít đang trổ quả nặng trĩu, ông Công tự hào: “Này là gốc mít thái, mỗi năm cho biết bao nhiêu là trái, múi mít ngọt, dầy cơm, thơm lắm. Ngoài ra còn có thêm thanh long, dừa, mía, khóm…, cây nào cũng phát triển tốt. Ðất này mà trồng được cây ăn trái phải đổ nhiều mồ hôi, công sức”.
Mô hình trồng cây ăn trái trên đất mặn được ông Ðoàn Thành Công (bên trái) thử nghiệm và thành công. |
Chưa dừng lại ở đó, ông nuôi thêm cá sặt bổi, cùng một số loại cá đồng khác. Ðây là việc không hiếm, nhưng không nhiều tại vùng đất Năm Căn.
Trong năm 2020, một số công ty lữ hành, du lịch cộng đồng, khách sạn kết nối với ông Công để mở dịch vụ tham quan trải nghiệm sinh thái miệt vườn. Ðây cũng là đích đến mà ông đang hướng trong thời gian tới.
Là người kỳ cựu sống gắn bó với quê hương, giờ đây chứng kiến mảnh đất thân yêu đang dần thay da đổi thịt, ông cùng bà con mở lòng vun đắp.
“Tiêu chí tôi quan tâm nhất là môi trường, mỗi nhà đều cố gắng xây một hố rác gia đình. Có lộ làng thì trồng thêm bông cho sạch đường, đẹp ngõ. Ðường có hư hỏng nhẹ thì mọi người cùng hùn vào lấp vá. Ðêm xuống, tuyến đường được thắp sáng bởi hộ nào cũng tự trang bị từ 1-2 bóng đèn, nhờ vậy mà an ninh trật tự được đảm bảo hơn”, ông Công phấn khởi.
Ông Trịnh Thanh Thoảng, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mới, cho biết: “Dù tuổi cao nhưng ông Công vẫn năng nổ tham gia vào nhiều việc chung của địa phương, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới. Vốn là người nhiệt tình, ông sẵn sàng tiên phong thử nghiệm các mô hình mới, đem lại thành công nhất định, mở ra nhiều triển vọng cho địa phương. Ông Công là một trong những thế hệ nông dân tiêu biểu dám nghĩ dám làm. Luôn là điểm đến khi giới thiệu những mô hình kinh tế hay”./.
Nhi Ngô