(CMO) Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động tham gia BHXH, BHTN khi nghỉ việc. Tuy nhiên, kể từ khi công đoàn cơ sở được kiện doanh nghiệp ra toà theo Luật BHXH 2014, chưa có vụ kiện nào được toà giải quyết. Nguyên nhân là do các quy định chồng chéo nhau và quy trình, thủ tục rườm rà khiến việc khởi kiện doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Đậm chia sẻ: Đã qua chế tài xử phạt nợ BHXH chưa đủ mạnh, việc đóng phạt còn quá nhẹ, chỉ cần DN chiếm dụng tiền nợ BHXH để đóng lãi ngân hàng tính ra vẫn còn lời hơn tiền đóng phạt nợ BHXH nên chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 14, Luật BHXH thì công đoàn được quyền khởi kiện những doanh nghiệp (DN) có hành vi vi phạm gây thiệt hại quyền lợi cho người lao động, đặc biệt trong đó có hành vi chậm, trốn, nợ đóng BHXH... Trước đây, việc khởi kiện do hệ thống BHXH Việt Nam khởi kiện, nhưng từ năm 2014 BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra, xử phạt và quyền khởi kiện được trao cho công đoàn. Tuy vậy, khi các tổ chức công đoàn khởi kiện ra toà thì gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Huỳnh Văn Đậm, hiện còn vướng ở khâu tố tụng dân sự. Về thủ tục tố tụng phải có sự uỷ quyền từ người lao động. Người lao động phải chứng minh được thời gian và số tiền DN nợ BHXH của mình và phải được xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú, nhưng chính quyền địa phương không dám xác nhận vì không biết được công ty đó có thực sự nợ BHXH của công nhân, lao động hay không. Như vậy, với những DN có hàng trăm người bị vi phạm quyền lợi BHXH thì phải cần tới hàng trăm lao động uỷ quyền với công đoàn sẽ phức tạp.
"Hơn nữa, “Luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự uỷ quyền của tất cả người lao động nhưng vì công đoàn cơ sở lại là người làm công hưởng lương của DN nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện chính giám đốc DN. Bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện chủ DN vì không nắm rõ luật, ông Đậm băn khoăn.
Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thì chỉ một vài cán bộ am hiểu về pháp luật, nên khi khởi kiện phải nhờ toà án hướng dẫn, tư vấn. Trong khi toà án là nơi thụ lý vụ án mà còn tư vấn sẽ không đúng quy định. Nhưng thực tế đã qua, vì người lao động, vì một xã hội công bằng thì toà án cũng hướng dẫn về thủ tục, cách làm. Mặt khác, kỹ năng tranh luận cũng là một vấn đề, cán bộ phải có kỹ năng mới có thể tranh luận được toà.
Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Cái Nước Trần Văn Khang cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 2 công ty nợ BHXH hơn 8 tỷ đồng. Được NLĐ uỷ quyền, LĐLĐ huyện Cái Nước đang hoàn tất thủ tục để khởi tố Công ty Cổ phần Thực phẩm Thuỷ sản Xuất khẩu Cà Mau (FFC). Tuy nhiên, việc này gặp quá nhiều khó khăn khi LĐLĐ huyện không có cán bộ chuyên tư vấn pháp luật nên vừa làm vừa nhờ Toà án huyện cũng như Văn phòng Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ.
Ông Huỳnh Văn Đậm thông tin, hiện nay đã có quy chế phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Toà án tối cao, Tổng LĐLĐ cũng đã có hướng dẫn trình tự, thủ tục cho các cấp công đoàn trên toàn quốc, nhưng Toà án tối cao chưa có hướng dẫn đối với toà án cấp địa phương. Việc phối hợp chưa đồng bộ cũng gây nhiều khó khăn cho người lao động.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Huỳnh Văn Đậm, BHXH Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra thu và tiếp tục khởi kiện DN nợ BHXH. Điều này nếu áp dụng thì phải sửa nhiều luật liên quan: Luật BHXH hoặc Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hoặc Quốc hội có thêm nghị quyết riêng về vấn đề này. Hoặc là tổ chức công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện DN nợ BHXH của NLĐ ở công đoàn cơ sở cấp dưới trực tiếp. Với phương án này, sẽ tránh được cái khó của công đoàn cơ sở trực tiếp khi phải khởi kiện DN vì cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ DN và người lao động sẽ không phải thực hiện những thủ tục uỷ quyền khởi kiện rất rườm rà./.
Hồng Phượng