Vùng Tràm Thẻ được chia làm 2 ấp: Tràm Thẻ và Tràm Thẻ Đông, thuộc xã Tân Phú, huyện Thới Bình, cách nhau con kinh xáng. Những vuông tôm rộng mênh mông dọc hai bờ kinh là nét đặc trưng của vùng đất này, chúng được chăm chút kỹ lưỡng và hơn 500 hộ dân nơi đây đều có cơ hội đổi đời từ đó.
Vùng Tràm Thẻ được chia làm 2 ấp: Tràm Thẻ và Tràm Thẻ Đông, thuộc xã Tân Phú, huyện Thới Bình, cách nhau con kinh xáng. Những vuông tôm rộng mênh mông dọc hai bờ kinh là nét đặc trưng của vùng đất này, chúng được chăm chút kỹ lưỡng và hơn 500 hộ dân nơi đây đều có cơ hội đổi đời từ đó.
Đây là vùng đất mới. Năm 1977 là năm con kinh nhỏ chia đôi vùng đất này được mở rộng và khơi sâu. Trước đó, hai bờ kinh là đồng năn bạt ngàn hoang vắng, là nơi cầm trâu khi chúng đã hết việc cày bừa ở những vùng đất màu mỡ xung quanh. Nay thì nguồn nước từ kinh xáng Tràm Thẻ đã làm nên sức sống mãnh liệt cho gần 2.000 ha đất dọc hai bên bờ của nó.
Tràm Thẻ chuyển mình sau khi con kinh lạn băng ngang “đồng chó ngáp” được khơi dòng. |
Theo lời Trưởng ấp Tràm Thẻ Đông Bùi Văn Ly: “Hơn 500 hộ dân nơi đây không có hộ nghèo, những ngôi nhà cất bạc trăm triệu đồng như của ông Trần Văn Năm, ông Bảy Bốp, Sáu Cơ, Năm Phú… ở đoạn kinh nào cũng có. Họ trước đây đều nghèo và đông con. Nay họ đã an nhàn, con cái họ đều giàu hết, người thì học hành thành đạt, người mở dịch vụ con giống, kỹ thuật, thu mua và làm giàu ngay chính nơi ở của mình”.
Ông Năm năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuy cuộc sống gia đình đã an nhàn nhưng ông vẫn tự đặt cho mình những công việc phải làm, như phải luôn vận động và phải luôn quan tâm đến những người xung quanh.
Ông tìm được cách có thể thực hiện cả hai thứ. Buổi sáng ông thức dậy sớm đi bộ một vòng quanh vuông, chu vi gần 5 cây số. Rồi thì thường tay xách 1 quyển sổ nhỏ, ông đến nơi hẹn để gặp các thành viên của Ban Vận động xây dựng đời sống văn hoá ấp. Ông thường được mời đi với Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong ấp để vận động bà con tích cực lao động sản xuất, tự lực vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của chính mình và hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mỗi khi trong ấp có xảy ra mâu thuẫn, xích mích giữa gia đình này với gia đình khác hoặc giữa những người trong cùng một gia đình, thì ông không nề hà sớm, tối đi đến từng nhà để hoà giải, phân tích chuyện đúng, sai. Không còn phải lo miếng cơm ăn hằng ngày, đồng cảm với những người từ nơi khác đến tạm cư thuê đất có hoàn cảnh nghèo khó giống mình ngày xưa, ông đã nhiệt tình giúp đỡ họ. Ngoài việc giúp họ kinh nghiệm sản xuất, ông còn giúp bà con vốn sản xuất. Theo gương cha, những người con của ông đều là những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng NTM, họ là trụ cột của những gia đình văn hoá tiêu biểu.
Ở vùng đất này, người dân không bỏ quê để tìm kiếm cơ hội làm giàu ở nơi khác. Sự hấp dẫn của vùng đất giàu tiềm năng đổi thay từng ngày từ sự chung tay góp sức của bà con. Trước đây cả vùng Tràm Thẻ có 52 hộ dân sinh sống thì có đến 40 là hộ nghèo. Nay số hộ tăng lên 10 lần và không còn hộ nào nghèo nữa. Đời sống nâng cao nên bà con quan tâm đến cộng đồng và các hoạt động xã hội nhiều hơn. Ở đây người như ông Năm không hiếm. Họ là những nhân tố tích cực góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng NTM của xã Tân Phú hiện nay.
Tâm điểm của hoạt động xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở chính là xây dựng gia đình văn hoá. Tại xã Tân Phú, từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM, bằng sự nỗ lực quyết tâm của Đảng uỷ, chính quyền và Nhân dân, kinh tế đã phát triển bền vững trong một cơ cấu được chuyển dịch đúng hướng. Đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết kịp thời và thoả đáng. Đời sống văn hoá phát triển rõ nét, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, hệ thống chính trị từ xã đến ấp được tăng cường.
Cái gốc cho mọi sự phát triển ở đây đều bắt nguồn từ sự ổn định đời sống kinh tế. Theo đó thì đời sống văn hoá tinh thần, tình làng nghĩa xóm được phát huy, chuyện cần mẫn làm giàu, chuyên lo cho con cháu ăn học được nhà nhà chú tâm hơn./.
Bài và ảnh: Hữu Duyên