Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2022” đã khép lại từ lâu nhưng dư âm về lần đầu tham gia cuộc thi vẫn còn đọng lại trong lòng cô, trò Trường THPT Tắc Vân (xã Tắc Vân, TP Cà Mau). Dù chỉ nhận được giải tiềm năng vì tuổi đời các em còn trẻ và sản phẩm chưa tạo được lợi nhuận, nhưng đây cũng là niềm tự hào cho tập thể nhà trường, góp phần khơi dậy trong học sinh toàn trường niềm đam mê với môn học, tinh thần khởi nghiệp, tư duy năng động, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống.
Cô, trò nhà trường đã tham gia cuộc thi với ý tưởng “Mô hình cấu tạo tế bào - Thiết bị dạy học trực quan 3D”. Ý tưởng này do em Phan Trần Trung Tín, lớp 12C3 (thời điểm đó lớp 11C3) và em Lý Lê Xuyên, lớp 12C2 (thời điểm đó là lớp 11C2), đều thuộc đội tuyển học sinh giỏi chuyên Sinh của trường, đề xuất và thực hiện.
Phan Trần Trung Tín và Lý Lê Xuyên với mô hình cấu tạo tế bào - Thiết bị dạy học trực quan 3D.
Em Lý Lê Xuyên chia sẻ: “Vào năm học lớp 10, chúng em được học về tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ. Trong các tiết học, giáo viên chỉ dạy thông qua tranh ảnh, video, đa phần các bạn chưa tiếp thu được vì trừu tượng, rất khó hiểu. Bản thân em và bạn Tín đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, đã học nhuần nhuyễn rồi nên thấy rất dễ hiểu. Từ đó, em bàn với Tín có cách nào để giúp các bạn dễ hiểu hơn. Vô tình chúng em phát hiện ra công nghệ in 3D nên xây dựng ý tưởng làm mô hình bằng công nghệ in 3D trực quan sinh động. Với mô hình này, các bạn có thể sờ vào hiện vật, được nhìn rõ hơn nên sẽ dễ phân biệt hơn”.
Bắt tay thực hiện, 2 em Lý Lê Xuyên và Phan Trần Trung Tín đã cùng nhau nghiên cứu cẩn thận, sau đó gặp cô Dương Thị Ngân, giáo viên bộ môn Sinh học, để trình bày về ý tưởng và được cô động viên làm thử. Ý tưởng đã được Ban Giám hiệu nhà trường ủng hộ, thuê thiết kế vẽ mô hình. Cô Ngân cho biết: “Thiết bị dạy học trực quan 3D sẽ kích thích tư duy, sáng tạo. Chủ yếu là khơi dậy tinh thần tự học ở các em, các em tiếp thu bài nhanh hơn, kết hợp với hướng dẫn của giáo viên bộ môn sẽ giúp các em nhớ lâu hơn”.
Tuy nhiên, sau khi bản vẽ hoàn chỉnh thì nhà trường không có kinh phí in ấn. Ban Giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên bộ môn, cùng 2 em thực hiện ý tưởng, chuyển sang hình thức thể hiện mô hình cấu tạo tế bào bằng đất sét. Qua thời gian tập luyện và thực hiện mô hình, nhóm mạnh dạn tham gia cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau năm 2022”.
Mô hình cấu tạo tế bào thực vật.
Cô Ngân nhớ lại: “Cứ tưởng sẽ có nhiều trường tham gia nhưng khi vào dự lễ mới phát hiện chỉ có mỗi trường mình là tham gia vào sân chơi lớn này. Các đơn vị tham gia toàn là doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, các trường đại học, có cả các công ty đến từ TP Hồ Chí Minh. Về tuổi đời thì 2 em còn quá nhỏ. Lúc đó, cô trò động viên nhau, được giải thì vui, nếu không thì xem đây là sự trải nghiệm”.
Ngoài mục tiêu tạo ra sản phẩm để phục vụ giáo dục, việc tham gia sân chơi lớn này còn tạo cho các em sự tự tin. "Thông qua cuộc thi giúp em học hỏi được rất nhiều điều. Em nhận ra rằng, chỉ học trong sách vở là chưa đủ, còn phải học hỏi nhiều ngoài xã hội. Tham gia cuộc thi giúp em tự tin thuyết trình trước đám đông. Em rất muốn được trải nghiệm, thử sức nhiều hơn nữa”, Phan Trần Trung Tín chia sẻ.
“Sáng kiến của các em chưa thể khởi nghiệp, hình thành lợi nhuận như doanh nghiệp, nhưng thời gian tới Ban Giám hiệu nhà trường sẽ khuyến khích các em mạnh dạn tham gia các cuộc thi như thế để các em định hướng được nghề nghiệp một cách chính xác nhất, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình định hướng nghề nghiệp sau này”, cô Ngân chia sẻ.
Tiết học hào hứng, sôi nổi hơn khi các em được xem và chạm vào các thiết bị trực quan.
Hiện tại, mô hình trên đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh khối lớp 10 tại trường. Em Nguyễn Thuỳ Lâm, lớp 10C1, cho biết: “Ðây là lần đầu tiên em được học môn Sinh học qua quan sát bằng mô hình, được chạm, ghi nhớ lâu hơn. Không chỉ riêng em, các bạn cũng rất hứng thú”.
Trong những năm học tới, Trường THPT Tắc Vân sẽ dạy theo mô hình STEM, là phát triển kỹ năng cần có cho học sinh có thể làm việc và phát triển trong thế giới công nghiệp hiện đại 4.0. Ðồng thời, mô hình STEM còn tích hợp hài hoà 4 nhóm kỹ năng: kỹ năng khoa học, kỹ năng công nghệ, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng toán học trong tương lai.
Bằng hình thức thực tế hoá những kiến thức khô khan, hướng đến thực hành và giải quyết vấn đề thông qua áp dụng kiến thức đã học, nhà trường đã và đang tạo ra môi trường giáo dục gần gũi để các môn học đều có tính ứng dụng cao. Thầy Dương Hồng Xuân, Hiệu trưởng trường, nhìn nhận: “Mô hình của cô Ngân và các em học sinh thực hiện được đưa vào giảng dạy, đạt hiệu quả rất cao. Lý thuyết và thực hành song song góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Qua cuộc thi đã tạo được không khí hào hứng, phấn khởi, lan toả tính tích cực về sự nghiên cứu khoa học”./.
Kim Cương