(CMO) Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, trở về cuộc sống bình thường mới, nghề làm khô cá bổi ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời bắt đầu nhộn nhịp trở lại, chuẩn bị cho mùa vụ Tết.
Ghé thăm cơ sở sản xuất khô cá bổi Tư Hùng (Từ Thanh Hùng, Ấp 3, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) thời điểm này, những giàn phơi cá khô đã đầy ắp khắp sân.
Hơn 31 năm làm nghề khô cá bổi, cơ sở của ông Tư Hùng hiện là một trong những cơ sở làm khô cá bổi truyền thống lâu năm và lớn nhất của huyện Trần Văn Thời. Hiện việc tiêu thụ cá khô cũng thuận lợi hơn.
Cơ sở Tư Hùng tập trung sản xuất để cung ứng cá khô phục vụ thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. |
Không giấu được niềm vui và sự phấn khởi khi có thể vận chuyển những đơn hàng số lượng lớn sau thời gian dài giãn cách, ông Tư Hùng chia sẻ: “Khi nới lỏng giãn cách, chúng tôi rất mừng và bắt tay vào làm khô ngay; thuê nhân công làm cá, phơi cá để xuất đi các tỉnh: Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Việc vận chuyển thuận tiện hơn và không mất nhiều thời gian như lúc trước. Mặc dù được nới lỏng giãn cách, nhưng nhân công làm ở đây vẫn phải thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, ưu tiên bảo đảm an toàn phòng dịch là trên hết”.
Khô cá bổi là một trong những mặt hàng đặc sản của huyện Trần Văn Thời, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Cá tươi được thu mua từ các hộ nuôi cá bổi ở địa phương. Gia đình ông Tư Hùng có 2,2 ha nuôi cá bổi, để đủ nguồn nguyên liệu sản xuất cá khô phục vụ thị trường, ông còn thu mua thêm cá của bà con trên địa bàn.
Giá cá khô bổi hiện có phần sụt giảm. Nếu trước đây khô cá bổi loại từ 14-16 con/kg có giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg, thì hiện giảm còn 110.000-130.000 đồng (do giá cá tươi sụt giảm).
Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của ông Tư Hùng làm ra khoảng 1 tấn cá khô bổi để cung cấp ra thị trường. Sau khi thu mua về, cá bổi tươi được ướp nước đá rồi mới bắt đầu công đoạn sơ chế, làm sạch cá. Sau đó muối đá thêm lần nữa rồi mới ướp muối theo phân loại kích cỡ (để cá không quá lạt hay quá mặn). Tiếp đến, cá được rửa lại với nước sạch rồi mới đem lên giàn phơi. Cá phơi khoảng 2 nắng và sấy khoảng 8 tiếng là đạt độ khô theo yêu cầu. Cuối cùng là công đoạn đóng gói để bán cho khách hàng. Năm 2016, cơ sở được Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương tỉnh) hỗ trợ lò sấy với công suất sấy hơn 1 tấn/lần và kho đông, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm.
Ðến năm 2020, sản phẩm khô cá bổi Tư Hùng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hàng năm, cơ sở sản xuất Tư Hùng cung ứng hàng trăm tấn cá khô bổi, nhất là từ tháng 8-12 âm lịch, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 20 lao động ở địa phương.
Mặc dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn, nhưng ông Tư Hùng vẫn mạnh dạn tập trung vận động thành lập HTX nông nghiệp cá khô bổi Tư Hùng với 9 thành viên tham gia (vào đầu tháng 4/2021). Qua đó, đảm bảo chất lượng và sản lượng cá khô bổi phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu, nâng cao lợi nhuận, quyền lợi của bà con xã viên, đảm bảo nguồn nguyên liệu và phấn đấu nâng hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao trong thời gian tới.
Ông Tư Hùng mong muốn: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dự đoán sức mua cá khô vụ Tết sẽ không bằng năm trước. Hiện tại, giá cá bổi tươi và khô đều sụt giảm, trong khi chi phí thức ăn thì tăng cao nên bà con nuôi cá bổi sẽ giảm lợi nhuận. Chỉ hy vọng dịch bệnh mau qua để cuộc sống của người dân trở lại bình thường, giá cả ổn định để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.
Khô cá bổi được biết đến là đặc sản trứ danh của vùng đất U Minh Hạ. Mặc dù giá có thấp hơn thời điểm trước và còn gặp khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động sản xuất khô cá bổi Tư Hùng cho thấy dấu hiệu phục hồi khi thị trường đã khởi động trở lại. Sức mua khô cá bổi đang dần được cải thiện trong những ngày qua chính là những tín hiệu lạc quan trong giai đoạn bình thường mới. Ðây sẽ là động lực để bà con nông dân từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương thời gian tới./.
Thảo Mơ