(CMO) Cà Mau là tỉnh có ngư trường rộng lớn, đội tàu hùng hậu, khai thác thuỷ hải sản hàng năm không chỉ đóng góp hơn 200 ngàn tấn thuỷ hải sản các loại mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, việc đầu tư quản lý hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các cảng cá, khu neo đậu thời gian qua cho thấy còn nhiều hạn chế, yếu kém. Từ thực trạng này khiến một số cảng cá, khu neo đậu bị doanh nghiệp và người dân "xâu xé" kéo dài.
Đất cảng, khu neo đậu bị lấn chiếm kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này cho thấy công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Thực tế, khu neo đậu tránh trú bão ở Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là một trong những điểm nổi cộm nhất.
Dự án khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc (KNĐTTB) nằm trên địa bàn thị trấn Sông Đốc và xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, với tổng chiều dài 2.300 m chạy dọc theo bờ sông Ông Đốc (bờ Bắc) kết nối với tuyến lộ Cà Mau - Sông Đốc.
Hoàn thành 10 năm chưa có quyết định giao đất
KNĐTTB Sông Đốc được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-CTUB ngày 26/7/2002, trên cơ sở thu hồi một phần diện tích 53.500,4 m2 đất của Nông trường Quốc doanh Sông Đốc và thoả thuận với Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam sử dụng 16.202,45 m2 mặt nước để làm nơi neo đậu tàu thuyền. Dự án nghiệm thu hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2009.
Theo đó, khu neo đậu có 93 trụ neo được bố trí trên 3 cầu dẫn và dọc theo chiều dài bờ kè 2.300 m. Chiều dài tuyến bờ kè phân làm 3 đoạn được kết nối với lộ xe (Cà Mau - Sông Đốc) qua 3 đường dẫn, mỗi đường có chiều rộng 10 m (mặt đường 6 m, lề mỗi bên 2 m) chiều dài 100 m kết nối đến lộ xe tuyến Cà Mau - Sông Đốc. Bờ kè được xây dựng cơ bản có chiều ngang 6 m và phía trên còn 10 m đất trống (hành lang an toàn) bảo vệ bờ kè, khoảng cách từ 16 m trở ra là Khu Công nghiệp Sông Đốc có các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến thuỷ sản đang hoạt động.
Với hạ tầng được đầu tư cơ bản đảm bảo cho hơn 1 ngàn phương tiện khai thác công suất lớn neo đậu, KNĐTTB Sông Đốc là khu vực trú bão cấp vùng dành cho tàu thuyền có nơi tránh trú khi có thời tiết xấu cũng như neo đậu trong khi không ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ đây là khu neo đậu cấp vùng và hoàn thành khoảng 10 năm nay nhưng chưa có quyết định giao đất.
Ngược thời gian trở lại giai đoạn năm 2004, vào ngày 31/12/2004, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-UB về việc thu hồi đất của Nông trường Quốc doanh Sông Đốc tại thị trấn Sông Đốc và 9 hộ dân tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Theo đó, tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 2 của quyết định này nêu rõ: “UBND huyện Trần Văn Thời quyết định thu hồi đất và chỉ đạo Phòng Kinh tế thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân....; Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với Nông trường Quốc doanh Sông Đốc; Quản lý chặt chẽ diện tích đất đã thu hồi, trình UBND tỉnh giao đất cho Ban Quản lý dự án ngành thuỷ sản theo quy định…”.
Đầu tư nâng cấp cảng cá là dự án nhằm giúp hoạt động hậu cần nghề cá được thuận tiện hơn cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Phú |
Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo nhưng đến nay KNĐTTB Sông Đốc vẫn chưa có quyết định giao đất, tức UBND huyện Trần Văn Thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với Ban Quản lý dự án 3 không làm hồ sơ xin giao đất là không đúng quy định theo Điều 125, Nghị định số 181/2004/ND-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và Điều 28, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 1/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
Chưa có quyết định giao đất cùng với việc quản lý, sử dụng còn nhiều hạn chế nên KNĐTTB Sông Đốc đã bị nhiều doanh nghiệp, người dân lấn chiếm kéo dài trong nhiều năm.
Bị lấn chiếm kéo dài
KNĐTTB Sông Đốc được nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 17/11/2009. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đã xảy ra khi công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cụ thể, trước thời gian nghiệm thu đưa vào sử dụng, ngày 23/2/2009, Sở NN&PTNT có Công văn số 157/SNN gửi đến UBND huyện Trần Văn Thời đề nghị hỗ trợ xử lý các phương tiện xuống hàng hoá tại đường dẫn D1, D2, D3 và cầu C1, C2, C3 công trình KNĐTTB Sông Đốc. Đến ngày 14/10/2009, Sở NN&PTNT tiếp tục có Công văn số 1255/SNN, về việc đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời xử lý việc lấn chiếm hành lang KNĐTTB Sông Đốc.
Trước thực trạng lấn chiếm của người dân chỉ sau ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng, tức ngày 18/11/2009, Phòng Công thương huyện có Báo cáo số 136/BC-PCT đề xuất hướng xử lý cho UBND huyện. Trong đó, báo cáo có đề xuất như: “Thành lập tổ công tác, tổ chức thực hiện việc lập biên bản, buộc các đối tượng xây cất lấn chiếm khu dự án phải tự tháo dỡ trả lại hiện trạng cho dự án. Những trường hợp không tự thực hiện phải bị cưỡng chế tháo dỡ”.
Đến giai đoạn từ 2009-2013, khi Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh quản lý, sử dụng thì tình trạng lấn chiếm KNĐTTB Sông Đốc vẫn tiếp diễn. Theo đó, đơn vị đã lập 11 biên bản về việc lấn chiếm hành lang bảo vệ KNĐTTB Sông Đốc của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, đơn vị kiến nghị các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm trên. Tuy nhiên, thực trạng lấn chiếm tại khu vực này chẳng những không được giải quyết mà số lượng và diện tích bị lấn chiếm còn tăng thêm theo thời gian.
KNĐTTB Sông Đốc là nơi neo đậu cấp vùng cho các tàu khi có mưa bão. |
Ngày 17/1/2013, KNĐTTB Sông Đốc được bàn giao cho Ban Quản lý các cảng cá quản lý và khai thác. Trong quá trình nhận bàn giao, Ban Quản lý các cảng cá kết hợp Thanh tra Sở thống kê diện tích, vị trí các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm hành lang khu neo đậu. Từ con số 11 trường hợp lấn chiếm trái phép của năm 2013, đến đầu năm 2016 tăng lên gấp đôi với 22 trường hợp, đến ngày 10/1/2018 lại tăng thêm 2 hộ và doanh nghiệp vi phạm cũ tiếp tục xây dựng lấn chiếm thêm. Đồng thời, theo kết quả đo đạc mới nhất vào tháng 10/2018 có đến 32 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sai phạm. Không chỉ tăng về số hộ mà diện tích bị lấn chiếm cũng tăng theo thời gian, đến nay tổng diện tích bị lấn chiếm 19.988,37 m2.
Ngoài ra, thực trạng hiện nay tại KNĐTTB Sông Đốc một số doanh nghiệp tự tháo dỡ trụ đèn, phá bỏ các trụ neo tàu trên bờ kè; Khoan xuyên bờ kè để dẫn nước thải ra sông, hoặc tạo đường cống ngầm đưa sản phẩm vào nhà máy chế biến, hiện trạng mặt kè san lấp trái phép, các phương tiện giao thông có tải trọng lớn thường xuyên lưu thông trên bờ kè...
Dẫu biết rằng tình trạng các doanh nghiệp lấn chiếm tại KNĐTTB Sông Đốc xuất phát từ nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì đây vẫn là hoạt động vi phạm pháp luật. Mặt khác, để một KNĐTTB cấp vùng như Sông Đốc bị lấn chiếm trong thời gian dài và ngày một nghiêm trọng là sự thiếu trách nhiệm, yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan chức năng./.
Ngày 24/5/2007, UBND huyện Trần Văn Thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số ĐK 079506 đối với ông Đặng Lợi và bà Huỳnh Bé Lành có một phần diện tích nằm trong KNĐTTB Sông Đốc. |
Điều tra của Nguyễn Phú
BÀI 2: ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU?