ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 23:51:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khúc anh hùng ca vang mãi

Báo Cà Mau (CMO) Sắc màu tươi thắm của bình minh hôm nay là hiện thân quá khứ oanh liệt của lớp lớp cha ông trong các cuộc chiến tranh vệ quốc từ hơn nửa thế kỷ trước - và nó vẫn cứ bừng sôi trong tim biết bao thế hệ người dân Đầm Dơi.

Không ai quên được chiến tích phi thường của hàng vạn con người một thời hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, đặc biệt là khi nhắc đến những liệt nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân như: Tô Thị Tẻ, Phan Thị Đẹt, Dương Thị Cẩm Vân. Dù đã 60 năm trôi qua nhưng khí phách hiên ngang của những con người chỉ có tay không mà chiến thắng kẻ thù luôn là niềm tự hào của Đảng bộ và quân, dân Đầm Dơi.

Sau Đồng Khởi 1960, Mỹ - nguỵ tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt" với “quốc sách ấp chiến lược”, nhằm tách dân ra khỏi Đảng. Nhà cửa, ruộng vườn tan nát vì đạn bom, hàng trăm người vô tội bị bắn giết dã man. Bằng 3 mũi giáp công chống địch, trong đó mũi chính trị trực diện, phần lớn là đội quân tóc dài, đã làm quân thù khiếp sợ.

Nhìn bức phù điêu trước Nhà Truyền thống huyện Đầm Dơi khắc hoạ đậm nét cuộc đấu tranh trực diện vào 7 giờ sáng ngày 23/10/1961, mặc dù 2 ngày trước đó trên 20 người đã bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm. Nhiều thế hệ đương đại vẫn không thể phai mờ trong nhận thức của mình hình ảnh cuộc đấu tranh oanh liệt đó.

Gần 5.000 lực lượng đấu tranh trực diện với khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ... kéo ra bao vây dinh quận Đầm Dơi từ các hướng: Bàu Sen, Lung Lắm, Xóm Lớn và Lô 17, Lô 18. Quân địch hoảng hốt, lúng túng, run sợ. Lực lượng đấu tranh tràn lên bờ, tên quận trưởng  Đầm Dơi Nguyễn Ngọc Thắng ra lệnh cho lính nổ súng đàn áp và đánh đập dã man, làm 47 người chết, 150 người bị thương, trong đó có Tô Thị Tẻ, nguyên Phân đoàn trưởng ấp Tân Đức, cùng mẹ ruột của chị là bà Trần Thị Ký. Địch biết chị Tẻ có anh ruột là Tô Văn Lợi, Tỉnh uỷ viên nên càng tra tấn vô cùng tàn nhẫn. Sự hy sinh oanh liệt của mẹ con chị Tẻ cùng hàng chục người khác, càng nung sôi ý chí căm thù quân tàn bạo. Ban đấu tranh chính trị huyện Đầm Dơi ngay tối hôm đó phát động phong trào học tập tinh thần bất khuất của Tô Thị Tẻ và các chiến sĩ đấu tranh trực diện. Một người ngã, ngàn người xốc tới, hàng vạn người tiếp tục nhập thị tại Cà Mau, lên án bọn giết người tàn bạo ở quận Đầm Dơi.

Quyết trả thù cho đồng bào bị địch sát hại, Huyện uỷ và Huyện đội Đầm Dơi chỉ đạo toàn bộ lực lượng địa phương quân, du kích xã, cùng hàng ngàn lượt dân công, ngày đêm xây dựng hệ thống chiến hào bao vây, tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi.

Tháng 12/1964, cô giáo Dương Thị Cẩm Vân mới 17 tuổi, được bổ sung vào du kích xã Quách Văn Phẩm, cô được trang bị khẩu súng trường Đức. Mơ ước đã thành hiện thực, Dương Thị Cẩm Vân hăm hở ra chiến hào, từ ngã ba Cây Dương đến tiền đồn số 3, tại Chi khu Đầm Dơi. Cô nêu sáng kiến phát động Nhân dân quấn hàng ngàn mét con cúi bằng rơm, chằm hàng trăm cà vung chứa phân chuồng và lá cây giá, để un khói cho gió bay vào căn cứ địch. Bị khói độc, quân địch rất hoảng sợ. Con cúi là loại công sự di động, là thứ lá chắn vô cùng hiệu quả khi các mũi chiến hào của ta tiến sát vào chi khu địch.

Tượng đài nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Dương Thị Cẩm Vân tại thị trấn Đầm Dơi. Ảnh: NSNA Nam Sơn

Khi phát hiện chiến hào và bãi chông, bãi mìn của ta, địch phản kích dữ dội. Hết pháo binh, không quân đến bộ binh. Cả ngày lẫn đêm không bao giờ ngớt tiếng bom đạn. Địch và ta giành nhau từng tấc đất. Lúc nào ta cũng quyết giữ vững trận địa, bám chặt chiến hào, bắn gục từng tên địch.

Suốt thời gian vào cao điểm bao vây, Dương Thị Cẩm Vân cùng đồng đội không lúc nào rời trận địa. Dù gió mưa, dù thiếu ăn, thiếu nước, thiếu ngủ, dù quân thù liên tục phản kích. Có ngày ta phải đánh bật đến 7 lần địch mò ra, diệt hàng chục tên. Tất nhiên, thương vong của ta cũng không phải ít. Cẩm Vân luôn động viên anh em tranh thủ nghỉ ngơi, để mình ra chốt chiến đấu. Có những lần Cẩm Vân bị lên cơn sốt, chỉ huy đề nghị lui về tuyến sau, nhưng cô vẫn bám trụ dưới chiến hào suốt 200 ngày đêm, tiếp tục đánh địch cho đến khi giành thắng lợi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, ngay trên nền Chi khu Đầm Dơi, Tượng đài Dương Thị Cẩm Vân sừng sững, uy nghi, cùng những bức phù điêu hoành tráng khắc ghi khí phách hiêng ngang của nữ kiện tướng chiến hào cùng những nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Đầm Dơi. Sông nước Đầm Dơi mãi mãi không quên nữ anh hùng Phan Thị Đẹt, quê quán xã Tân Thuận. Những kỷ vật của người mẹ có đến 6 con thơ còn lưu lại đến nay, giúp chúng ta hiểu rõ một phụ nữ nông thôn, chịu thương, chịu khó. Cứ mỗi lần đi công tác xa, chị phải thức khuya, dậy sớm, may vá, giặt giũ quần áo, nấu cơm nước, lau chùi hầm hố tránh phi pháo thật khô để sẵn cho các con. Chị được Huyện đội Châu Thành giao nhiệm vụ giao thông liên lạc, công việc vô cùng nguy hiểm, phải trực tiếp đối mặt với địch từng ngày; từ Cà Mau Bắc đến Cà Mau Nam và ngược lại.

Nhiều thế hệ tương lai mãi mãi ghi nhớ chiến công của các bậc tiền nhân. Dù chỉ có tay không hoặc vũ khí thô sơ, tự tạo, bằng ý chí và nghị lực, tất cả sẵn sàng hy sinh, góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đầm Dơi là xứ sở xuất hiện nhiều anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng đất kiên trung đã sản sinh những người con hiên ngang, oanh liệt, làm rạng rỡ truyền thống bất khuất của cha ông. Biết bao con người làm nên lịch sử đã dâng hiến máu xương mình cho đại cuộc. Các thế hệ hiện tại luôn luôn bày tỏ lòng tri ân sâu nặng đối với quá khứ kiêu hùng. Những nữ anh hùng của quê hương Đầm Dơi xứng đáng vạn lần với biết bao lời thơ ca ngợi:

“Hỡi các mẹ, các chị, những trái tim gang thép

Xứng đáng ngàn xưa và rạng rỡ mai sau!”

Những tên đất, tên làng, tên công trình ở Đầm Dơi từ lâu ghi đậm danh tính những anh hùng thời chống Mỹ cứu nước. Mỗi chặng đường, mỗi bước tiến - hướng về phía trước - quá khứ và hiện tại như mãi mãi hoà quyện, như luôn luôn song hành, như hối hả, rộn ràng cùng nhịp thở… trước những sắc màu tươi thắm của quê hương.

Nét đẹp dịu hiền làm say đắm lòng người của bức tranh quê hương chan chứa nắng gió thanh bình, đậm tình xứ sở, từng được nung nấu bởi một thời lửa khói ngút trời. Ngày xưa hừng hực khí thế ra trận để đổi lấy hoà bình, độc lập, tự do bao nhiêu, thì ngày nay cũng có bấy nhiêu sự êm ả, bình lặng nhưng không kém hiệu quả trong công cuộc vươn lên tìm kiếm hạnh phúc và khát vọng… Sau hơn 45 năm kết thúc chiến tranh, trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình xây dựng và đổi đời, đến hôm nay kết quả mang lại không phải chỉ có những gì chúng ta nhìn thấy trước mắt. Đằng sau sự bình lặng tưởng như chân chất, giản đơn là sự chuyển mình. Phát triển kinh tế để xây dựng văn hoá, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Sông Đầm Dơi một thời cuộn sóng căm hờn, đã ghi bao chiến công ngời sáng của những anh thư, liệt nữ. Những con người kiên trung, quả cảm đã vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, xứng đáng con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu tự ngàn xưa. Cuộc đời họ là những khúc anh hùng ca vang vọng đến muôn đời, là ánh đuốc của niềm tin, hôm nay và mãi mãi!./.

Vũ - Trọng - Sơn

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.