(CMO) Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh, nằm trong tốp dẫn đầu của ÐBSCL, góp phần quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.
Toàn tỉnh hiện có 249 HTX hoạt động trên 7 lĩnh vực (nông nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng - thương mại; vận tải - môi trường; quỹ tín dụng Nhân dân..., với tổng số trên 3.738 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên khu vực HTX là 3.626 lao động. Doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/HTX/năm, lãi bình quân 300 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX 50 triệu đồng/người/năm.
Cứng cáp từ ngày đầu thành lập
Ðể giúp người dân nâng cao trình độ và chủ động tham gia vào HTX, thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh đã tổ chức được 42 lớp với hơn 1.700 lượt người tham dự tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ðồng thời, triển khai các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, cung cấp các loại phân bón, con giống, cây giống mới có năng suất, chất lượng cao. Trong 5 năm qua, đã có 25 HTX được tiếp nhận 49 máy công cụ chuyên dùng để sản xuất (trị giá trên 1,5 tỷ đồng), đã hỗ trợ công nhận nhãn hiệu tập thể cho 4 HTX, hỗ trợ 9 máy suốt lúa cho 3 HTX và 6 tổ hợp tác (THT), hỗ trợ 6 máy gặt liên hợp cho 1 HTX và 5 THT (với tổng kinh phí trên 646,6 triệu đồng).
Song song đó, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 2 HTX xây dựng chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, có nhiều HTX trở thành tổ chức kinh tế, là chỗ dựa đáng tin cậy của thành viên và nông dân. Ðây là kết quả của việc phát triển KTTT giai đoạn 2016-2020. Có thể nhận định, KTTT của tỉnh có bước khởi sắc và hướng tới phát triển bền vững.
Ông Lương Minh Ngoan, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp 8/3, ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “HTX được sự quan tâm của các cấp, Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên. Ðồng thời, giúp HTX kết nối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cung ứng đầu vào như phân thuốc và hỗ trợ kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm của HTX bằng với giá thị trường. Ðây là bước đột phá mà từ trước đến nay nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện được, các thành viên cũng yên tâm hơn về giá khi bán sản phẩm, không bị ép giá khi dội hàng”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp 8/3, ấp Tham Trơi B đã đi vào ổn định và mở rộng thu hút thêm thành viên mới. |
“Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ phát triển các mô hình HTX liên kết kinh tế với hộ, với HTX, doanh nghiệp nhằm thực hiện dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Một số HTX góp phần tích cực vào việc giúp đỡ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hoá. Nhận thức của người dân về KTTT có nhiều đổi mới thông qua việc HTX cung cấp vật tư đầu vào chất lượng tốt, giá cả và phương thức thanh toán phù hợp, ổn định được giá đầu ra cho thành viên. Giải quyết việc làm thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thuần nhận định.
Thay đổi để thích ứng
Ghi nhận kết quả tích cực là thế, tuy nhiên, sự phát triển KTTT nói chung, HTX nói riêng vẫn còn những khó khăn nhất định. Ðến thăm HTX Thuỷ sản Cái Bát, ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, mới thấy hết những khó khăn hiện hữu tại các HTX. Ðây là HTX đầu tiên của tỉnh hoàn tất việc ký kết đầu ra theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu (ASC) - chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. HTX Cái Bát rất nỗ lực trong việc tạo dựng thương hiệu và xây dựng môi trường nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Xuất phát điểm chỉ là một THT với 12 thành viên cùng hỗ trợ vốn xoay vòng để phát triển sản xuất, nhưng nhờ chủ động trong liên kết sản xuất theo mô hình tập thể, đến nay, tổng số thành viên trong HTX đã tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm đầu.
HTX Cái Bát đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ. |
Năm 2017, tổng diện tích nuôi thuỷ sản của HTX 430 ha, với 127 thành viên. Trong đó, có 30 ha của 35 thành viên đạt tiêu chuẩn ASC Hội đồng quản lý nuôi trồng thuỷ sản. Có 348 ha của 54 thành viên đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất tôm nuôi đạt hiệu quả cao và ổn định, hạn chế được dịch bệnh, trung bình tổng sản lượng thu hoạch hàng năm của HTX đạt 700 tấn, sản lượng tôm thâm canh 4-8 tấn/ha, tôm quảng canh cải tiến 400 kg/ha. Việc được công nhận đạt chuẩn ASC sẽ giúp tôm của HTX xuất khẩu sang nhiều thị trường có giá trị lớn trên thế giới, như các nước châu Âu và Mỹ, đầu ra cho con tôm sẽ được thu mua với mức giá cao hơn 15-20% mức giá thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay HTX Cái Bát chỉ còn 72 thành viên với 150 ha. Ðặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng bị tồn nhiều, hàng xuất khẩu được nhưng giá giảm dẫn đến HTX bị lỗ vốn, sản phẩm làm ra trong năm 2020 giảm 40% so với năm 2019. Ngoài ra, do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thu nhập của các hộ nuôi càng thêm giảm.
Giám đốc HTX Cái Bát Nguyễn Hoàng Ân cho biết: “Năm 2020 hộ nuôi tôm quảng canh chỉ đạt 300 kg/ha/năm (giảm 20% so với các năm trước), còn tôm thâm canh đạt từ 5-8 tấn/ha/năm (giảm 20%). Thu nhập của các hộ nuôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ đó kéo theo rất nhiều khó khăn cho HTX”.
Ðây là khó khăn chung của nhiều HTX hiện nay.
Trước những thách thức, khó khăn đó, hơn ai hết, các HTX phải tự thay đổi hướng hoạt động để thích nghi. Như HTX Cái Bát hiện sản xuất thêm những sản phẩm khô như tôm khô, tôm xẻ, tôm chà bông và chả cá phi. Những sản phẩm này HTX thu mua lại của các thành viên, làm thành sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rồi cung ứng ra thị trường, tìm hướng đi mới cho con tôm”.
Thiết nghĩ, để một tập thể phát triển bền vững cần phải thay đổi tư duy và cách hoạt động, không theo lối mòn. Thay đổi để thích nghi hơn với thời buổi kinh tế phát triển nhanh như hiện nay.
Ðịnh hướng phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định: “Phát triển KTTT, HTX theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu câu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất, tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt. Ðồng thời, không buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, nắm bắt kịp thời và đáp ứng nhu cầu về phát triển KTTT, HTX của Nhân dân. Không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ðặc biệt, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý HTX nhằm nâng cao chất lượng điều hành của các HTX trong quá trình sản xuất, kinh doanh”. |
Kim Cương