ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 00:09:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Báo Cà Mau (CMO) Tìm về ký ức một thời oai hùng của chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là qua lời kể của các cựu chiến binh mới cảm hết những gian khổ nhưng chan chứa tình yêu quê hương, đất nước của những người lính.

Chúng tôi ngồi trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Tấn Lực (ấp Tân Thành, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi) mà lòng rộn ràng khi nghe ông kể về những ngày nơi chiến trường. Ông hào sảng: “Tôi nhớ như in ngày mình tham gia cách mạng là ngày 19/5/1960. Cũng ngày này, hai năm sau tôi tham gia Tiểu đoàn 306. Ðến ngày 9/10/1963, tôi tham gia cuộc chiến Ðầm Dơi - Cái Nước. Ðến ngày 9/11/1963, tôi lại cùng anh em đánh Chà Là. Khi đó tôi mới 20 tuổi, "sung" lắm, cứ thấy địch là muốn tiêu diệt vì nó làm khổ dân mình. Tôi đánh 58 trận mà trận nào cũng xung phong. Anh em trong trận đánh cùng tôi dũng cảm lắm, súng đạn ầm trời mà có đứa nào sợ đâu, cứ đánh, cứ tiến lên. Tụi nó cũng dữ dội, lại đông, rồi trang bị đủ súng ống hiện đại, có trực thăng yểm trợ. Tôi chỉ nghe tiếng đạn, tiếng bom... nổ rầm rầm, trước mắt là màu khói lửa cháy sáng ngùn ngụt. Anh em bị thương là kéo vào, rồi lớp khác ra tiếp. Cứ vậy mà nối đuôi nhau đánh đến hết trận mới thôi!".

Ông Nguyễn Tấn Lực mỗi ngày đều lau các bức ảnh xưa và giữ gìn cẩn thận. Ảnh: NHẬT MINH

Vừa nói ông vừa hướng mắt về xa xăm như nhớ lại những đồng đội đã nằm xuống. Những trận đánh đã qua cũng để lại trong người chiến sĩ năm nào những thương tích hằn sâu. 16 vết thương với 3 mảnh bom (trong đó có 1 mảnh ghim ở đầu) mà mãi 30 năm sau mới mổ lấy ra được 2 mảnh. Mảnh bom còn lại không lấy ra được nên mỗi lúc trái gió trở trời là thần kinh ông giật tê liệt, đau đến cứng người. “Tôi vẫn sống, được nhìn đất nước, quê hương hoà bình là mừng rồi. Anh em đồng đội hy sinh có chứng kiến được ngày vui này đâu!? Trong lúc ngủ mớ, tôi cứ đập tay, đập chân rầm rầm rồi hô xung phong. Bà xã tôi nói: “Ông lại nhớ thời đánh giặc hả?”. Nhớ chứ! Làm sao mà quên, trong mơ vẫn thấy mình cầm súng, thấy mình giết kẻ thù, thấy đồng đội mình thương tích nhưng vẫn cố giữ tay súng đến lúc kiệt sức mới thôi”, ông Lực bùi ngùi hồi nhớ.

 Ông Lực thắp hương Bác Hồ và những chiến sĩ đã hy sinh. Ảnh: NHẬT MINH

Ở tuổi 80, ông Nguyễn Tấn Lực vẫn minh mẫn nhưng thính giác kém hơn xưa, phải nói rất to và gần thì mới có thể nghe rõ. Ông bảo: “Ngày xưa bom đạn nổ ầm ầm mà nghe rõ, giờ yên bình vậy mà cái tai không nghe lời, nhiều khi con cái nói to rát họng tôi mới nghe tiếng được, tiếng không. Nhưng văng vẳng trong tôi vẫn là giọng hô: “Tiến lên” của đồng đội, của anh em. Khó mà phai được!”.

Rời nhà ông Nguyễn Tấn Lực, chúng tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Thanh Tòng, cũng là cựu chiến binh của trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Người chiến sĩ năm nào tay bắt mặt mừng đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu. Chúng tôi chưa kịp hỏi han câu chuyện, ông Tòng đã nói rôm rả: “Mấy cháu thu thập tư liệu viết hồi ký à?”. Chúng tôi hỏi ông còn nhớ gì để kể lại làm tư liệu không? Ông Tòng bảo: “Tôi đánh trận Cái Nước - Ðầm Dơi. Phía mình đưa quân vào, tụi nó phản kích khá ác liệt. Buổi sáng tụi nó điều 10 chiếc trực thăng... Anh Ba Trung (chỉ huy của tôi khi đó) nói là giờ đã tối quá, để sáng đánh tiếp đi. Chúng tôi cứ chiến đấu hết sức nhưng địch khá mạnh nên số chết và bị thương cả trăm. Năm đó tôi 16 tuổi, đã được học lớp đặc công 6 tháng nên không sợ gì cả. Ông già tôi cản, nếu không tôi đã đi đánh trận từ năm 14 tuổi.

Ông Tòng nói mình khoái súng và muốn diệt giặc trả thù cho người dân bị ức hiếp nên không sợ gì, cứ vào trận là xung phong: “Thấy anh em mình chết, bị thương là tôi nóng, xung phong lên để tiêu diệt hết lũ chúng nó. Súng đạn rải như rải trấu, tránh cũng chết. Lúc hoà bình, tôi nằm chiêm bao và giật mình một đêm mấy lần, tay chân quơ loạng xạ. Hồi đó kỷ vật còn nhiều nhưng 60 năm rồi, tôi cũng chia sẻ cho người này, người kia”.

 Ông Huỳnh Thanh Tòng là cựu chiến binh của trận Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, nay sống giản dị với công việc trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: NHẬT MINH

Trải qua những tháng ngày lăn lộn ở chiến trường, trên người ông Tòng đầy thương tích. 2 viên đạn M2 trúng phổi, 3 vết thương lớn do nổ lựu đạn, miểng bom… ghim người. Nhưng mỗi lần nhìn lại những vết thương lớn, ông Tòng chỉ thấy niềm tự hào, cười trong sung sướng, bởi mình đã góp một phần cho ngày giải phóng quê hương và thay đồng đội sống để nhìn ngày độc lập.

Những người chiến sĩ của trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là nay đều đã lớn tuổi. Họ sống cùng những vết thương giày vò theo năm tháng nhưng ký ức oai hùng năm xưa mãi là của quý để dành cho thế hệ sau. Niềm hy vọng của các chú, các ông là hồi ký về một thời hào hùng được chép lại sống động để lớp trẻ hiểu được tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của cha ông oanh liệt thế nào, biết trân quý nền độc lập, tự do của dân tộc ở hiện tại, từ đó sống có trách nhiệm, cùng góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương./.

 

Lam Khánh

 

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.