ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 11-11-24 03:45:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức những mùa dâu

Báo Cà Mau (CMO) Cứ độ cuối tháng 3 âm lịch, nhiều hộ dân Ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình lại tất bật thu hoạch dâu. Hàng ngàn gốc dâu trái chín vàng rực, nhà nào cũng “trúng mánh” mỗi khi mùa dâu chín. Đó là chuyện của 8 năm về trước, bây giờ số gốc dâu còn lại thưa thớt, bởi số thì chết, số thì chủ vườn đốn bỏ.

Ít ai biết rằng, ở Cà Mau, ngoài dâu Cái Tàu nức tiếng thì cách UBND xã Biển Bạch tầm 1 km, tại Ấp 18, là nơi nhiều gia đình gắn bó lâu đời với vườn dâu. Chắc bởi “ông trời ưu đãi” nên vùng đất này luôn màu mỡ, nguồn nước dồi dào, vậy là cây dâu sống tốt, cho trái sai và ngọt.

Chỉ còn là hồi ức...

Ông Hà Hoàng Hải, làm chủ vườn dâu ngót 60 năm, gắn bó với cây dâu từ lúc lên 4 lên 5 tuổi, kể: “Mảnh vườn này tôi cũng không biết nó có từ khi nào, từ đời ông nội, rồi cha tôi truyền lại cho tôi. Khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy cây dâu. Dù thời chiến hay thời bình, cây dâu vẫn không tách rời gia đình tôi”.

Anh Hà Hảo Hiếu lùng sục rất lâu trong vườn dâu chỉ tìm được 1 chùm trái thế này.

Vì “cha truyền con nối” nên nơi đây vườn dâu nào cũng có tuổi ít nhất 40 năm. Theo thời gian cùng nhiều thay đổi, những gốc dâu cằn cỗi hơn. Cả xóm đều là họ hàng và nhà nào cũng trồng dâu, chính vì vậy mà cây dâu càng trở nên gắn bó. Dâu được trồng theo liếp và nhà nào cũng có tài sản hơn 500 gốc.

Khi trời bắt đầu rải rác vài cơn mưa đầu mùa cũng là mùa dâu chín. Khi trái còn nhỏ thì màu xanh, rất chua nhưng khi tới lứa thu hoạch thì trái chuyển sang màu vàng rượm và ngọt. Cây nào cây nấy oằn trái chín, trái nhiều hơn lá. Từng chùm dâu cứ thả dài từ cành cho tới thân cây, mỗi cây cho thu hoạch hàng trăm ký.

Mùa dâu chín, cả xóm nhộn nhịp cùng thu hoạch, năm nào cũng trúng lớn. Ông Hải nhớ lại: “Nhưng thời ấy qua lâu rồi! Hồi đó dâu nhiều vô số kể, giá bán chỉ có 5.000 đồng/kg thôi. Người ta thu hoạch dâu không ai đếm ký, chỉ riêng nhà tôi thôi mỗi năm thu hoạch cả trăm tấn. Thu hoạch độ 2 tháng, nhưng tiền xài cả năm, khỏe re”.
Dâu cho trái sai, nông dân có lời, vậy là gắn bó khăng khít hàng chục năm qua, từ đời này sang đời khác. Sống cùng dâu, vui buồn cùng dâu, cuộc sống của nông dân tại đây cũng dần khấm khá.

Vậy mà giờ đây, mỗi khi nhắc lại những mùa dâu chín, ai nấy điều thở dài ngao ngán. “Giờ còn gốc không chớ có trái nào đâu. Khoảng 4 năm trở lại đây, cây dâu tự dưng thất mùa, không còn trái như trước. Tới mùa, cả xóm thu hoạch chưa được 20 kg dâu”, ông Hải ngậm ngùi.

Gian nan khôi phục...

Khó khăn lắm mới gầy dựng nên mảnh vườn dâu hàng ngàn mét vuông, nói bỏ thì làm sao bỏ được. Ruộng lúa thì lời lãi chẳng bao nhiêu, nhờ có vườn dâu mà nông dân nơi đây làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Vậy mà bây giờ đành ngậm ngùi nhìn từng gốc dâu trơ trơ qua những mùa trái.

Dù đã mấy mùa dâu không cho trái nhưng người dân Biển Bạch vẫn ấp ủ hy vọng giữ được vườn dâu.

Ông Nguyễn Văn Coi, 72 tuổi, Bí thư Chi bộ Ấp 18, xã Biển Bạch, “lão làng” ở đây, ngậm ngùi: “Hồi trước, cả xóm ai cũng trồng vài trăm gốc, nhưng giờ thì thưa thớt lắm. Số gốc thì chết, số gốc thì chủ vườn đốn bỏ để trồng loại cây khác. Tiếc nhưng cũng đành chịu thôi”.

Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài nên thiếu nước, vả lại đất đai bị nhiễm phèn nên mấy mùa dâu đều không thu hoạch được gì. Mùa dâu này, trên những gốc dâu già cằn cỗi, cố gắng tìm lắm mới tìm được vài chùm dâu nhưng trái nhỏ và rất chua. Nhiều nhà còn lưu luyến muốn để lại cây dâu như cố gắng gìn giữ những gì ông cha đã dày công tạo lập.

Theo như lời ông Coi, nhiều gia đình vì thấy dâu không có trái nên đốn bỏ hết để trồng loại cây khác. Còn số ít hộ thì chừa lại vài trăm cây, hy vọng một ngày nào đó cây sẽ có trái trở lại. Nhiều chủ vườn vẫn khăng khăng bám giữ nhưng càng giữ thì càng buồn hơn.

“Diện tích dâu giờ đã giảm hơn phân nửa, ai cũng tiếc nhưng vì dâu không ra trái nữa. Nhiều lúc nghĩ muốn giữ lại nhưng lấy gì mà sống, vậy là đành buông tay. Giờ muốn khôi phục lại cũng rất khó”, ông Coi trải lòng.

Không chỉ riêng ông Hải, ông Coi nặng lòng với vườn dâu mà hầu hết những ai gắn bó với cây dâu đều ngậm ngùi khi nhìn nó cứ tàn lụi qua từng mùa. Anh Hà Hảo Hiếu bày tỏ: “Gia đình tôi muốn khôi phục lại vườn dâu, nơi đây sẽ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách. Chắc đó chỉ là ước mơ thôi vì nhiều năm qua dâu không ra trái nữa...”.

Trăn trở với đời, nhọc nhằn với nghề là chuyện mà người nông từng trải. Có sống cùng với cây dâu mới thấu hiểu hết nỗi niềm của những hộ dân nơi đây. Nhiều năm trước, cả xóm cùng nhau bàn bạc tìm cách khôi phục vườn dâu, nào là cải tạo, bón vôi, rửa phèn, sên đất… nhưng đều thất bại. Ngày qua ngày, vườn dâu vẫn không ra trái.

Giờ thì mùa dâu chín đã trở thành ký ức của người dân vùng Biển Bạch. Đối với họ, vị ngọt của dâu vẫn tồn tại, bởi nó rất riêng, cái ngọt đậm đà, không chỉ là dư vị mà là sự gắn bó của vùng đất còn lắm khó khăn này.

Hằng My

"Vườn dâu là tâm huyết của nhiều gia đình tại Ấp 18, nhưng cách đây vài năm thì dâu không ra trái nữa. Đây là những vườn dâu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhiều gia đình trở nên khá giả, thoát nghèo cũng nhờ vào cây dâu. Hiện tại thì xã vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng dâu thất trắng nhưng những năm qua mùa khô kéo dài gây thiếu nước, đất nhiễm phèn nặng", chị Đoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, thông tin.

 

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn - Bài cuối: Loay hoay tìm giải pháp

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) mở ra nhiều cơ hội mới, nâng cao chất lượng dạy và học, kéo gần khoảng cách giáo dục nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, khi áp dụng Chương trình và thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDÐT (Thông tư 20) của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), nhiều trường vẫn còn loay hoay tìm giải pháp thực hiện.

Thông tư 20 - Từ quy định đến thực tiễn

Thông tư 20/2023/TT-BGDÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) có hiệu lực thi hành vào ngày 16/12/2023. Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, nhằm chuẩn hoá các điều kiện từ cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, nhân viên cho công cuộc đổi mới toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.