(CMO) Đã gần 60 năm kể từ khi ngôi trường sư phạm duy nhất ở Tây Nam Bộ hoạt động nhưng ký ức trong khoảng thời gian gắn bó với ngôi trường luôn thường trực, sống mãi trong tâm khảm của thầy và trò. Và mỗi khi nhắc lại, trong lòng mỗi người lại dâng trào những cảm xúc khó diễn tả bằng lời.
Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ được thành lập trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Trường mở lớp đầu tiên vào năm 1961 tại huyện Ngọc Hiển, với 50 học viên đến từ 6 tỉnh (Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long) và khoá sư phạm cuối cùng kết thúc vào tháng 8/1975.
Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ là ngôi trường sư phạm duy nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Tây Nam Bộ trong thời điểm cách mạng miền Nam vừa qua các bước ngoặt lớn: Đồng khởi thành công, nhiều vùng đất tận cùng phía Nam đã hình thành các vùng giải phóng. Lo cho đời sống vật chất và tinh thần của dân, lo xây dựng đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng trở thành mối quan tâm hàng đầu của Khu uỷ Tây Nam Bộ.
Với tất cả sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể thầy cô, cán bộ, nhân viên, học viên, Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có rất nhiều cán bộ, thầy cô giáo, học viên anh dũng hy sinh.
Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Cà Mau Nguyễn Hữu Thành, học viên Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ (khoá 69-70), chia sẻ: "Trong thời điểm chiến tranh ác liệt ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Thời đó, chúng tôi xem cái chết hết sức bình thường. Chiến tranh mà, mỗi ngày đều có người vĩnh viễn ra đi. Chỉ đến khi chứng kiến đồng đội, người thân quen mình nằm xuống mới thấm thía nỗi đau này. Nhưng cũng phải ngậm ngùi nén đau thương để tiếp tục học tập và chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cứ chiều chiều khi trời lặng gió, tiếng tàu sắt hoạt động nghe rõ mồn một. Thông tin đội săn tàu Kinh 17 hạ tàu sắt rất giòn giã. Đội càng chiến đấu, lực lượng càng đông, sức đánh càng hăng say. Tôi còn nhớ có đợt Mỹ mở chiến dịch “Hạm đội nhỏ trên sông” nhằm tách dân, đánh vào khu chiến đấu của ta nhưng chúng càng ngông cuồng càn quét, chúng ta càng nung nấu ý chí căm thù".
Thầy trò trường khu Tây Nam Bộ dâng trào cảm xúc sau bao nhiêu năm gặp lại nhau. |
Nói về ký ức khoảng thời gian còn là học viên của Trường Sư phạm Tây Nam Bộ, ông nguyễn Hữu Thành mắt sáng lên và hồ hởi kể cho chúng tôi nghe. Ông bảo, thời điểm đó, gian khổ mà ý chí chiến đấu hừng hực. Khó khăn nhất là nước sinh hoạt. Trong cái khó ló cái khôn, anh em nảy sinh ra ý tưởng sản xuất nước ngọt từ biển. Khu nhà giám hiệu là trung tâm sản xuất nước ngọt. Mỗi ngày, học viên thay nhau cất nước mặn lấy nước ngọt để uống và sinh hoạt. Mọi người hay đùa rằng được uống rượu hàng ngày hoặc được truyền nước biển nên khi bị thương sẽ không cần truyền dịch nữa.
Tuy thời gian học tập không quá lâu nhưng ký ức về Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ khắc sâu trong tâm khảm của mỗi học viên. Bà Huỳnh Thị Mỹ Huê, học viên Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ, bộc bạch: "Lớp học giản dị, đơn sơ, lợp bằng cây, lá giữa rừng ngập mặn mênh mông, bạt ngàn. Tuy thiếu thốn mọi thứ nhưng thầy trò luôn nghiêm túc dạy và học. Chúng tôi vừa lao động cực nhọc vừa học tập. Việc ăn uống phải tực túc hoàn toàn. Lúc ở đồng bằng, chúng tôi phải đi bắt cá, hái rau đồng, đến khi xuống rừng đước, rừng tràm thì mò cá nâu, cá ngát… Tuy vất vả nhưng mọi người đều nhiệt huyết, hăng say tinh thần của người lính Cụ Hồ. Cũng có những ngày giặc đánh liên miên, chất độc hoá học rải như thảm luồn sâu vào rừng đước… chúng tôi đau lòng khi tận mắt chứng kiến đồng đội, thầy cô, bạn học của mình hy sinh".
Nhiệm vụ chính của trường thời bấy giờ là đào tạo giáo viên để phát triển mạng lưới nhà trường trong chiến khu. Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ đã xây dựng được lực lượng giáo viên nòng cốt, làm cơ sở cho các tỉnh, thành Tây Nam Bộ tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục sau này. Nhà giáo Nhân dân Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Liên lạc Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ, chia sẻ: "Tại trường chúng tôi không phải học để nâng cao kiến thức. Điều quan trọng là các chú (thầy) yêu cầu chúng tôi phải hiểu được bản chất của vấn đề để có phương pháp dạy học cho phù hợp. Hay nói cách khác, chúng tôi được dạy cách làm thầy giáo, cô giáo một cách thực thụ. Phương pháp dạy học môn nào thì do thầy môn đó giảng dạy. Có thể nói, kết quả hoạt động của Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ là nền móng cho sự phát triển của ngành giáo dục các tỉnh Tây Nam Bộ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của ngành giáo dục nói riêng, nguồn nhân lực cho đất nước nói chung trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Để có được nền móng cho sự nghiệp giáo dục ngày nay, nhiều thầy, cô giáo, cán bộ, học viên của Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Số còn lại hầu hết thành nguồn nhân lực đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương. Giờ đây, một số người đã nằm xuống nhưng vẫn được nhắc đến với lòng trân quý. Những người còn ở lại hầu hết đã về hưu nhưng luôn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ tương lai.
Tri ân vùng đất Cà Mau, các cựu học viên của trường đã đóng góp xây dựng “Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ” tại xã Tam Giang (huyện Năm Căn), nơi trường có nhiều khoá học nhất và thời gian đóng quân lâu nhất, với tổng kinh phí 775 triệu đồng./.
Trầm Ngọc