ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:45:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ký ức vùng len trâu

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày cuối năm, tiết trời bắt đầu se lạnh và những cơn mưa bất chợt mang cho chúng ta một chút nhớ nhung về những kỷ niệm đã qua. Trên "con ngựa sắt”, tôi rong ruổi về vùng lúa - tôm của huyện Thới Bình để thực hiện đề tài báo xuân mà Ban Biên tập phân công.

Cánh đồng lúa sóng sánh rập rờn khi làn gió khẽ lướt qua mang theo hương thơm thoang thoảng của những bông lúa đang ngậm đòng đòng… Cúi xuống, nhẹ nhàng hái một bông lúa đang ngậm sữa cho vào miệng và từ từ cảm nhận vị ngọt, thơm của sữa lúa, hương vị vấn vương trong ký ức tuổi thơ tôi suốt hơn 25 năm qua.

Quê tôi ngày xưa là vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng. Dù đất có chủ nhưng không ai sản xuất, trồng lúa thì thất mùa nên gần như bỏ hoang. Những bông lúa còn sót lại, nở đòng đòng lưa thưa theo từng ngọn gió trở thành món ăn lót dạ cho bọn chăn trâu chúng tôi. Thuở ấy, cũng trên cánh đồng này, tôi và anh Chín đã "tung hoành", "ngang dọc" và nổi tiếng cả vùng. Nhắc lại thành tích này đúng là không có gì để tự hào, bởi đó không phải là tiếng thơm, nhưng dẫu sao cũng là kỷ niệm một thời tuổi thơ của chúng tôi.

Anh Chín tên thật là Nguyễn Việt Khái, kêu là anh bởi có quan hệ bà con. Anh nhỏ hơn tôi 1 tuổi và mọi người hay gọi anh với cái tên gắn liền với nghề là Khái trâu. Tuy thằng mới 12 tuổi, thằng thì 11, thân hình gầy còm, đen nhẻm bởi những ngày đội nắng, dầm mưa chăn trâu ngoài ruộng, nhưng độ chơi liều và phá phách của anh em tôi thì khỏi phải bàn. Câu chuyện mà đến nay đã qua hơn 25 năm tôi còn nhớ như in, đó là việc chặn đường không cho những đứa bạn cùng trang lứa đi chợ tết.

Thuở ấy, những đứa trẻ chăn trâu như chúng tôi mùi của trâu lúc nào cũng vương lên quần áo học trò nên làm gì có tết. Ngoài buổi học, tôi, anh Chín và những đứa bạn trong xóm phải ra đồng chăn trâu đến tối mịt mới về nhà, ngày thường cũng như những ngày lễ, tết. Nên nhìn những đứa con trai nhà giàu diện quần áo bảnh bao đi chơi tết, tôi và anh Chín tức lắm, bọn tôi bày trò để không cho ai qua địa bàn của mình.

Khi ấy “đại bản doanh” vùng chăn trâu của bọn tôi có một con đường đất đen mà mọi người gọi là lộ xe, dù không có chiếc xe nào đi được (nay chính là tuyến lộ Xuyên Á). Đây là một trong những trục đường chính ra trung tâm huyện và những điểm vui chơi tết. Biết được điều này, trong mấy ngày tết bọn tôi lập “trạm kiểm soát” bằng cây tràm, bẹ dừa, không cho ai đi ngang. Thế là, để qua trạm của bọn tôi chỉ còn cách lội xuống ruộng nước. Khi ấy, mỗi lần thấy tụi nó lấm lem bùn là chúng tôi vô cùng hả hê. Giờ nghĩ lại tự cười thầm, đúng là trò nghịch ngợm trẻ con.

​Sau khi thoả thích với những trò nghịch ngợm trên bờ, cả bọn chúng tôi nhảy ùm xuống sông chơi trò rượt đuổi. Ảnh minh hoạ: Thanh Chi

Cứ mãi nhớ về kỷ niệm tuổi thơ, tuyến đường từ trung tâm xã Trí Lực ra lộ Xuyên Á như gần hơn, chẳng mấy chốc đã đến. Tuyến lộ Xuyên Á hiện nay gần như trùng với tuyến lộ xe xưa kia mà chúng tôi thường dùng để chăn dắt trâu. Di chuyển trên tuyến đường phẳng phiu, xe cộ tấp nập này tôi lại thốt lên hai tiếng: “Không ngờ”. Đúng là không thể ngờ tuyến đường đầy lau sậy, chi chít vũng trâu năm nào giờ đã trở thành quốc lộ xuyên quốc gia. Càng không thể ngờ hơn khu vực ngày nào chỉ toàn năn là năn, xa xa mới có một mái nhà lá giờ đã trở thành những xóm làng san sát với những căn nhà tường khang trang, lộ làng thẳng tắp đến từng ngõ.

Di chuyển được một đoạn trên tuyến đường Xuyên Á tôi đến cầu Cái Sắn. Dẫu biết hiện nay mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi nhưng tôi vẫn dừng xe, lội xuống thăm lại khu vực mà trước đây là điểm tụ tập vui chơi của cả bọn. Đó là một mô đất cao ngay ngã tư giữa kênh Cái Sắn và kênh Lộ Xe. Mô đất này ngày xưa bọn tôi làm thành con dốc, sau đó trét sình thành đường trượt dài tận mé nước. Xong rồi khoát nước lên cho ướt bóng, từ trên mô đất cao chúng tôi trượt dài, v..è..o... một phát nhào xuống mặt sông, nước bắn lên trắng xoá. Chúng tôi vừa reo hò, vừa rượt đuổi nhau dưới nước đến khi mắt đỏ chạch, miệng đóng rong, các ngón tay móp lại vì lạnh.

Cũng chính trên mô đất này chúng tôi làm tiệc ăn tết. Hồi đó tuy thiếu thốn tiền bạc nhưng có một thứ không bao giờ thiếu, đó là cá đồng. Tháng Chạp cũng là mùa cá cạn, cá nhiều vô số kể, đủ các loại, nào là cá lóc, cá trê, cá rô..., chỉ cần tìm thấy dấu chân trâu gần các mé kênh là 4-5 người ăn không hết. Món khoái khẩu nhất của chúng tôi là cá nướng rơm. Đứa chặt tre tươi để xiên dọc theo thân cá rồi cắm đầu cá xuống đất, đứa đi kiếm rơm phủ lên, đứa tìm quẹt châm lửa đốt.

Bàn tiệc giữa trời, bọn tôi ngồi bệt xuống đất, trên tàu lá chuối xanh con cá lóc đen thui như cục than, lấy rơm cạo bớt lớp khét, mạnh tay tách dọc theo sống lưng. Tách lớp da cháy đen ra để lộ thịt cá trắng tinh, khói bốc lên nghi ngút, mang theo hương thơm của cá lẫn mùi rơm thơm nồng. Bọn tôi giành nhau từng miếng cá còn nóng hổi, tiếng cười giòn tan cả góc trời quê.

Ngoài các món chính là kính thưa các loại cá nướng, còn có trái cây, nào là mít, xoài, ổi, mận… Hễ cái gì trong vườn của người dân nơi đây có là trong bữa tiệc bọn tôi có, tất nhiên toàn là những thứ được bọn tôi “chỉa” về. Thậm chí còn lựa những trái cây ngon và phải chín cây mới ăn, còn ăn thì nửa ăn nửa bỏ, y như Tôn Ngộ Không lúc đại náo thiên đình.

Tôi lại tiếp tục trên con ngựa sắt để hoàn thành nội dung trong đề tài báo xuân. Người chủ vườn mía năm xưa, vừa gặp anh đã nhận ra tôi: “Lúc này khoẻ hả chú, ở lại lai rai vài ly nhe. Để anh kêu mấy đứa nhỏ chạy đi kiếm ít mía về làm mồi nhậu, vườn mía nhà đã chuyển sang nuôi tôm hết rồi”.

Có lẽ vườn mía nhà anh Biên là một trong những kỷ niệm mà đến bây giờ và mãi về sau tôi không quên được. Gia đình anh Biên được xem là một trong những hộ tiên phong trong việc bắt tay vào cải tạo vùng đất nhiễm phèn nặng này, bằng việc lên liếp thay thế cây lúa kém hiệu quả bằng cây mía. Tôi còn nhớ, rẫy mía nhà anh Biên lúc ấy được xem là lớn trong khu vực, với hơn 20 liếp (mỗi liếp khoảng 500-600 m2), mà toàn mía  tốt. Thế nhưng, do lúc ấy ít người trồng nên chuột cắn phá nhiều và trong đó có sự góp phần đáng kể của bọn “chuột” chăn trâu chúng tôi. Câu chuyện kể ra có lẽ ít người tin nhưng mà có thật. Lúc ấy, bọn trẻ chăn trâu mỗi đứa một ngày có thể ăn hết cả bó mía khoảng 30 kg. Gần như ngày nào cũng vậy nên "nghiện". Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, đến khi thu hoạch, liếp mía ngoài cùng của rẫy thì gần như không còn gì. Thậm chí khi gia đình anh thu hoạch, bọn tôi sợ không còn mía ăn, lén ôm mấy bó mía giấu vào đám sậy ngoài lộ xe để ăn dần.

“Đúng là hồi đó mấy chú phá thiệt, nhưng thời đó mía có giá gì đâu. Chăm sóc thì cực, thu hoạch nặng nề mà bán chẳng được bao nhiêu. Có năm phải bù lỗ tiền mướn nhân công, nên khi được chuyển dịch sang nuôi tôm gia đình mạnh dạn ban liếp mía liền, kết hợp trồng lúa nên giờ kinh tế gia đình khấm khá”.

Từ giã gia đình anh Biên, tôi quyết định thay đổi lịch trình. Thay vì về TP Cà Mau bằng đường Xuyên Á, tôi ngược lại xã Trí Lực để về Tapasa của xã Tân Phú, rồi vòng qua Đồng Sậy của xã Thới Bình. Đó là những nơi gắn liền với tuổi thơ tôi để được ôn lại chút kỷ niệm xưa. Các nơi giờ thay đổi nhiều, đường quê được bê tông hoá từ xã nối liền các ấp, trên bờ thì hoa màu xanh tươi, dưới ruộng những cánh đồng lúa trên đất tôm đang ngậm sữa toả hương, hứa hẹn vụ mùa này bội thu… Tất cả như một lời khẳng định, vùng đất len trâu ngày nào giờ đã thay da đổi thịt và chắc sẽ tiếp tục đổi thay nhanh hơn trong thời gian tới./.

Song Nguyễn

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.