Có thể khẳng định rằng, nhiệm kỳ qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen nhưng Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm.
ÐẠI BIỂU LƯU VĂN SƠN, ÐOÀN ÐẠI BIỂU BỘ ÐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH: TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 8 VỀ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Có thể khẳng định rằng, nhiệm kỳ qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen nhưng Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự xã hội trên biển đảo, khu vực ven biển luôn đảm bảo, quản lý tốt và xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, không để xảy ra điểm nóng, hoặc phức tạp tình hình an ninh; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường, vững chắc.
Ðể công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị khu vực biên phòng ngày càng tốt hơn, những năm tới chúng ta phải tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các thành phần trong khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện, thành phố thành thế liên hoàn vững chắc; thường xuyên nắm bắt tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các văn kiện tham mưu tác chiến sát với diễn biến tình hình của tỉnh. Ðồng thời, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh trong xác định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong phát triển vùng, các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu. Song song đó, tập trung xây dựng lực lượng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
ÐẠI BIỂU LỤC THUỲ DƯƠNG, ÐOÀN ÐẠI BIỂU HUYỆN ÐẦM DƠI: TẠO ÐIỀU KIỆN CHO THẾ HỆ TRẺ CỐNG HIẾN NHIỀU HƠN CHO ÐẤT NƯỚC
Vinh dự là đại biểu trẻ, nữ được tham dự đại hội, tôi rất phấn khởi và tin tưởng vào sự thành công của đại hội, sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn, sát thực tế để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Ðối với các đồng chí được trúng cử vào Ban Chấp hành khoá mới, tôi mong các đồng chí có giải pháp tìm ra những bước đi đột phá để nền kinh tế - xã hội của Cà Mau ngày càng phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá của ÐBSCL như chủ đề đại hội đưa ra.
Nhận thấy, công tác Ðoàn và phong trào thanh niên hiện nay có nhiều thuận lợi, đó là luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và nhất là đội ngũ cán bộ Ðoàn ngày càng trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm. Song, tôi vẫn còn nhiều trăn trở, trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, bởi, các mô hình hoạt động Ðoàn hiện nay chưa tạo được sự hấp dẫn, chưa gây được ấn tượng đối với đoàn viên. Thứ hai, mô hình hoạt động, tổ chức thực hiện còn máy móc, rập khuôn, còn mang tính thời điểm, chưa thường xuyên, liên tục. Thứ ba là vấn đề việc làm, hiện chúng ta chưa giải quyết tạo việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho đoàn viên, thanh niên an tâm công tác và sinh hoạt tại địa phương, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa đang phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Thứ tư, đội ngũ cán bộ Ðoàn thường xuyên biến động về nhân sự, trình độ của một số cán bộ Ðoàn, kỹ năng công tác thanh niên còn hạn chế; cơ sở vật chất của tổ chức Ðoàn còn hạn chế; sân chơi trên địa bàn, nhà thiếu nhi các huyện chưa thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và đa dạng về các loại hình dành cho thiếu nhi.
Vì thế, để tạo môi trường cho thanh - thiếu niên, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của công tác Ðoàn và phong trào thanh - thiếu niên, nhất là thể hiện sự chăm lo của các cấp, các ngành dành cho thế hệ trẻ; đồng thời để tạo điều kiện cho tuổi trẻ được cống hiến tài năng của mình, góp sức vào việc xây dựng quê hương. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ mới này cấp uỷ Ðảng sẽ quan tâm nhiều hơn đối với thế hệ trẻ như phân công, giao việc cho thế hệ trẻ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đầu tư xây dựng nhiều sân chơi để vừa đảm bảo về vật chất, tinh thần lẫn kỹ năng, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Cà Mau vừa “hồng” vừa “chuyên” để cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
ÐẠI BIỂU NGUYỄN VĂN PHÉP, ÐẠI BIỂU CÓ TUỔI ÐỜI CAO NHẤT DỰ ÐẠI HỘI: CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC ÐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC NHIỆM VỤ SẮP TỚI
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi là đại biểu qua nhiều kỳ đại hội của Ðảng bộ tỉnh nhà. Lần này, bản thân đại diện cho hơn 30.000 hội viên Hội Cựu Chiến binh trong tỉnh. Ðiều làm tôi phấn khởi nhất đó chính là qua mỗi kỳ đại hội, tỉnh nhà lại có những bước phát triển mới. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt, cho thấy sự quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Một số chỉ tiêu mặc dù chưa đạt do chịu ảnh hưởng của các điều kiện khó khăn khách quan, nhưng qua đó, Ban Chấp hành Ðảng bộ sâu sắc rút kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp, chiến lược để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sắp tới.
Bản thân tôi mong muốn từng đại biểu thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình qua từng lá phiếu, bầu chọn được Ban Chấp hành mới đủ đức, đủ tài, có khả năng đảm nhận những trọng trách mà Ðảng và Nhân dân tỉnh nhà giao phó. Ban Chấp hành khoá mới phải thật sự là những đảng viên ưu tú, tiêu biểu, quyết đoán và tạo được sức mạnh đoàn kết, nhất trí để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Hội Cựu chiến binh tỉnh cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện cho lực lượng cựu chiến binh phát huy vai trò, khả năng của mình đóng góp lớn hơn nữa cho xã hội.
ÐẠI BIỂU DANH THỊ HỒNG DUYÊN, ÐOÀN ÐẠI BIỂU HUYỆN U MINH: ÐỜI SỐNG ÐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ÐANG CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc như Chương trình 134, 135, Quyết định 74, Quyết định 167… từ đó thúc đẩy đời sống phát triển, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm.
Ðã qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung không ngừng phấn đấu, lao động sản xuất, góp phần ổn định, phát triển KT-XH. Ðiều dễ nhận thấy nhất là từng hộ gia đình đã thay đổi nhận thức, cách sống, cách nghĩ, tạo điều kiện con em học hành, nâng cao dân trí.
Huyện U Minh có 1.583 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 5.378 khẩu. Tuy còn nhiều khó khăn trong đời sống, thiếu tư liệu sản xuất... nhưng đã có trên 40% số hộ vượt lên, có cuộc sống khá. Tuy nhiên, huyện vẫn còn gần 40% hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.
Song hành với ổn định cuộc sống là nâng cao dân trí. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng riêng U Minh đã hạn chế tối đa tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số phải bỏ học, bởi việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là con em đồng bào dân tộc được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Ðến nay, U Minh có 50 cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Cũng ngần ấy cán bộ đang hoạt động, công tác tại các chi bộ, đảng bộ và cơ quan Nhà nước. Ðiều này đã khẳng định bước thay đổi mới trong tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những quyết sách trong giai đoạn mới, tin chắc rằng đồng bào dân tộc thiểu số huyện U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung sẽ có điều kiện tốt hơn trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, xã hội. Ðời sống phần lớn bà con sẽ nâng lên, hạn chế dần khó khăn, hướng đến nền dân trí tương đối đồng đều trong bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số./.
Phạm Nguyên - Băng Thanh - Phong Phú