So với sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành trong cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL như: Cần Thơ - du lịch sinh thái (DLST) sông nước miệt vườn; An Giang - du lịch tâm linh; Kiên Giang - du lịch biển đảo; Bạc Liêu - du lịch văn hoá; thì du lịch Cà Mau được đánh giá có ưu thế hơn với điểm nhấn DLST cộng đồng trong cả 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm ngập nước theo mùa.
So với sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành trong cụm hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL như: Cần Thơ - du lịch sinh thái (DLST) sông nước miệt vườn; An Giang - du lịch tâm linh; Kiên Giang - du lịch biển đảo; Bạc Liêu - du lịch văn hoá; thì du lịch Cà Mau được đánh giá có ưu thế hơn với điểm nhấn DLST cộng đồng trong cả 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm ngập nước theo mùa. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch của Cà Mau đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và các địa phương trong cụm hợp tác thống nhất, đưa vào khai thác “Một điểm đến bốn địa phương +”.
Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch nổi trội của Cà Mau ngày 2/6 vừa qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL Lê Thanh Phong cho rằng, với việc đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại, cơ sở vật chất và xúc tiến quảng bá điểm đến như hiện nay, đặc biệt là sự giúp sức của các địa phương trong chuyển đổi khách và đưa khách về Cà Mau nhiều hơn, thì tương lai không xa, Cà Mau sẽ phát huy tốt tiềm năng, khẳng định được vị thế, hình ảnh của mình trong khu vực, cả nước và vươn tầm quốc tế.
- Ông đánh giá như thế nào về hướng phát triển du lịch của Cà Mau, thưa ông?
Ông Lê Thanh Phong: Nằm ở cực Nam trên bản đồ chữ S của Việt Nam, nhiều người mong ước 1 lần được đặt chân đến Cà Mau. Hơn thế, Cà Mau còn là địa danh không những được biết đến trong nước mà còn vang tiếng cả thế giới với các “thương hiệu”: Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Ðây là căn cứ quan trọng về tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú để Cà Mau xây dựng nên sản phẩm du lịch đặc trưng.
![]() |
Du khách chọn mua sản phẩm quà tặng đặc trưng của Mũi Cà Mau. Ảnh: BĂNG THANH |
Qua khảo sát thực tế, Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch. Song, hoàn toàn có thể kỳ vọng Cà Mau sẽ sớm có bước nhảy vọt, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Chẳng hạn, hạ tầng giao thông đã khởi sắc, có thể đi bằng đường bộ từ TP Cà Mau đến Năm Căn và sắp tới sẽ thông tuyến đường huyết mạch về tới Ðất Mũi, đây là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch Cà Mau.
Một tín hiệu vui cho ngành du lịch là Sân bay Cà Mau đã và đang được nâng cấp, sẽ là điều kiện thuận lợi kết nối với các thành phố du lịch trọng điểm, rút ngắn thời gian và khoảng cách địa lý. Thêm vào đó, Sân bay quốc tế Cần Thơ đã hình thành xong, đang kết nối các tuyến trong nước và thế giới. Như vậy, với sự đầu tư đúng hướng về kết cấu hạ tầng của Cà Mau nói riêng và của Cần Thơ - địa phương trọng điểm của chương trình hợp tác phát triển du lịch, sẽ tạo điều kiện phục vụ du khách tốt hơn về tính tiện lợi, tiết kiệm và an toàn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã có dấu hiệu tốt. Một số nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư các khu du lịch lớn ở tỉnh. Ðiển hình cuối tháng 4 vừa qua, Khu Du lịch Sinh thái Quốc tế đã khánh thành giai đoạn 1 với 6,4 ha và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với hơn 13 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. So với cả nước hoặc những vùng khác, đây chưa phải khu du lịch lớn, nhưng đối với Cà Mau, đây là bước phát triển mới vì có được sự đầu tư “mạnh tay”, có quy hoạch cụ thể, hướng bền vững. Ðây cũng được xem là sự tiên phong mang đến hy vọng các nhà đầu tư chiến lược sẽ chú ý đến Cà Mau, đầu tư phát triển nhiều hơn. Bởi từ thực tế, các nhà hàng, khách sạn chỉ tập trung nhiều tại thành phố, còn các huyện, các điểm dọc tuyến đường rất ít, ngay cả Công viên Văn hoá Mũi Cà Mau vẫn chưa có được cơ sở lưu trú, hạn chế cả về điểm phục vụ ăn uống, nghỉ chân.
Về công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến gần đây cũng có tiến bộ, thu hút nhiều công ty lữ hành, du khách tổ chức các tour đến Cà Mau nhiều hơn, những sản phẩm du lịch đã định hình rõ. Ðến nay, Cà Mau đã có sự phát triển tốt. Tuy vậy, để phát triển du lịch đúng hướng, đúng tầm, Cà Mau cần đảm bảo được tính bền vững và trách nhiệm trong phát triển và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
- Có ý kiến cho rằng “Du lịch Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng”, ông nghĩ thế nào về cách nhận định này?
Ông Lê Thanh Phong: Trước đây, mọi người cho rằng, du lịch chỉ là 1 hoạt động văn hoá, mục tiêu chính là thư giãn, giải khuây và để phục hồi sức khoẻ. Họ chưa nhận thức được du lịch là ngành kinh tế, thậm chí là ngành kinh tế mũi nhọn, nếu được khai thác tốt sẽ góp phần tăng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) của tỉnh. Do vậy, thời gian qua, không chỉ riêng Cà Mau mà ở nhiều địa phương khác chưa tập trung nguồn lực phát triển du lịch.
Tiếp đến là kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển kém, dẫn đến tài nguyên du lịch bị bỏ quên. Chẳng hạn, đi Ðất Mũi phải đi cả 2 phương tiện, sang chuyển từ ô-tô sang ca-nô, thời gian lâu, chưa đảm bảo an toàn; đi Vườn Quốc gia U Minh Hạ rồi đến hòn Ðá Bạc lại bất tiện khi đi đoàn khách đông, cần phải tách sang xe 16 chỗ, tăng chi phí tour, khách phàn nàn. Lại thêm, những nơi hiện có tài nguyên du lịch tốt thì nhà nghỉ, khách sạn, điểm vui chơi rất ít người đầu tư vào, nhất là các doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngoài vùng đồng bằng ít để mắt đến. Cả về tiềm lực tài chính, những nguồn lực khác tự thân Cà Mau đầu tư chưa đáng kể.
Nhiều năm trở lại đây, du lịch Cà Mau như khoác lên màu áo mới. Hiểu được thế mạnh của địa phương mình, Cà Mau đã lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mang tính chất tầm nhìn chiến lược. Các cấp chính quyền ở các địa phương đã xác định được vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt phát triển du lịch, từ đó, nhận thức của cư dân trên địa bàn cũng bắt đầu thay đổi, nhiều người đã nhận thấy lợi ích, tầm quan trọng của du lịch, đơn cử như loại hình DLST cộng đồng đã và đang được người dân cùng địa phương tập trung đầu tư, khai thác tốt, tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, mang đậm nét văn hoá vùng, miền.
Có thể thấy, Cà Mau đã chuẩn bị tâm thế cho bước ngoặt mới đầy triển vọng. Ðón đầu tuyến đường Hồ Chí Minh thông thương từ Năm Căn về Ðất Mũi, song hành là sự đấu nối của tuyến hành lang ven biển Ðông - Tây với đường N1 và các Quốc lộ 80, 63, Cà Mau nên kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để tiếp sức các khu, điểm du lịch phát triển đột phá, biến đổi những tài nguyên du lịch trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo mà chỉ riêng Cà Mau mới có được.
- Xin cảm ơn ông!./.
Băng Thanh thực hiện