ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 03:41:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lần ăn ong nhớ đời

Báo Cà Mau (CMO) Đã nhiều năm rồi, mỗi khi vô tình nhìn thấy tổ ong vò vẽ hay nghe nhắc đến món “khoái khẩu” cháo ong là như một phản xạ tự nhiên, tôi lại nhớ da diết tuổi thơ. 

Cho đến nay, tôi cũng không rõ vì sao nhiều món ăn mà khi xưa ở vùng quê lại cứ thích cùng nhau ăn món cháo ong vò vẽ lúc đêm. Đó là một loài ong khiến nhiều người ngao ngán vì bản tính hung hăng và có thể “quật” chết cả một con trâu vài trăm ký. Có lẽ, ăn món cháo ong vò vẽ, như một lời thách đố “ngầm” để khẳng định “vị trí” khi đối mặt với cả tập thể ong hung hăng nhất để mang được chiến lợi phẩm ong non về nấu cháo.

Vốn dĩ đã “ăn ké” nhiều bận với anh em ở xóm. Dần dà, bỗng dưng đến lượt mình phải “tự khẳng định”, chiều đó, anh Tư dắt vài thanh niên tụi tôi ra bờ đìa và hướng về nhánh cây ổi. Cây ổi to tướng đã bám bên bờ đìa này tự hồi nào, tụi tôi chỉ biết khi lớn lên, biết thèm thuồng ăn ổi là đã trèo lên nhánh để bẻ trái.

Chỉ vào tổ ong bằng vành thúng lủng lẳng trên nhánh, anh Tư nói: "Nó có cả thảy 3 cửa quay sang 3 hướng. Nhưng hướng chính nó quay dìa hướng bờ xáng và là “cửa” rộng nhất. Tổ này cỡ trung bình, chắc có đến 5 hay 6 tầng và “nhộng” chắc cả thau. Đêm nay, giao mấy đứa lấy ong. Anh nấu".

Anh Tăng Minh Trí, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, hơn 5 năm làm nghề ăn ong vò vẽ. Ảnh: Nhật Minh

Cả một buổi chiều, tụi tôi cũng kịp chuẩn bị mấy bó đuốc lá dừa, dùng dây lạt quấn chặt vào cây sào, cán chĩa. Còn cẩn thận hơn, thằng Cuông ôm theo cái mùng vải để giăng lên làm chỗ tránh khi... thất thủ. Tất cả đã xong, chỉ đợi cỡ 8 giờ trời tối hẳn là hành động.

Cái ống quẹt đá lửa bật lên mấy cái cạch... cạch... cạch. Đốm sáng bắt đầu lớn dần. Một bó, rồi cả 3 bó đuốc lá dừa khô cháy sáng. Nhanh tay, cả ba đứa cầm sào đưa thẳng ngọn đuốc lên những vị trí đã “định vị” từ ban chiều. Ong bắt đầu ù ù, âm thanh ghê rợn đó lấn át cả những tiếng nổ lách tách đang bùng dữ dội từ ngọn đuốc lá dừa.

Lửa càng cháy, ong càng hung hăng sà vào như đã chiến đấu. Những đôi cánh mỏng gặp lửa cháy xém, chỉ sau ít phút xác ong rơi bèo trên mặt đìa. Tụi tôi càng khoái chí hướng bó đuốc vào sát hơn nữa. Bỗng "bựt" một cái, sợi dây lạt bị cháy đứt. Bó đuốc trên tay tôi bung ra cả một vùng tia lửa. Kèm với đó là phản xạ né để khỏi bị phỏng. Mũi tấn công từ 3 phía bị thất thế, ong ù ù bay ra. Lúc ấy cả nhóm hô hoán: Vô mùng! Vô mùng!

Từ phía lưng, trên đầu, dưới bắp chân… cảm giác đau điếng. Vừa chạy, tôi vừa hốt hoảng báo với nhóm: "Tao bị ong đánh! Tao bị ong đánh". Chỉ còn mỗi thao tác dỡ mùng chui vô mà không kịp.

Thành quả của một chuyến ăn ong vò vẽ của nông dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ảnh: Nhật Minh

Từ trong nhà, anh Tư như đoán trước được sự cố cũng kịp có mặt ứng cứu. Rồi sau đó tôi chỉ còn nghe những âm thanh huỳnh huỵch! Khì... khì... từ phía trên lưng của anh Tư. Tôi đã lịm đi (xỉu) vì ong đánh (đốt) nhiều vết. Anh cõng tôi đi sơ cứu và đưa đi điều trị, giải độc.

Liên tiếp 2 ngày sau đó là những cơn sốt.

Nghĩ về những con ong non no tròn, mập ú, đem nấu cháo mấy lần trước vừa phát thèm vừa phát tức. Mấy bữa sau, anh Tư qua nhà thăm tôi, mang theo túi đệm và cái cà-men cháo còn nóng hổi. Anh nói: "Cái tổ ong hôm đó bị tụi mầy đốt cháy hết phân nửa. Hên là không cháy vô tầng ong non. Giờ thì khoẻ rồi, ngồi dậy mà húp chén cháo cho hả dạ! Tao dặn tụi nó không bỏ nước cốt vô vì mầy mới khỏi bệnh".

Cảm giác húp chén cháo nóng hổi, béo béo không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời, thật sảng khoái. 

Cách nay 4 năm, trong một lần cùng ông bạn đồng nghiệp đi ăn ong, lần này là ong mật ở xứ U Minh, tôi lại bị một “trận đòn”. Nhưng nhờ đã có sẵn “đề kháng” mạnh từ ong vò vẽ nên vài chục mũi kim ong mật găm vào da không làm phát sốt.

Lần ấy, về nhà má rầy: "Tao không hiểu nổi tụi bây. Bộ thèm lắm sao mà cứ gặp nhau là kiếm ong nấu cháo? Trong người mầy đã có sẵn “nọc” của ong thì giờ động vô nó là không tránh khỏi được đâu con!". Nhờ vậy mấy anh bạn chiến hữu mỗi khi tụ họp để lấy tổ ong, ăn cháo ong thì chỉ phân tôi việc hậu cần nhà bếp.

Mới đó đã ngót mấy mươi năm bon chen lao vào vòng đời nơi phố thị. Những thứ ngày xưa gần gũi nhất như kỷ niệm ăn cháo ong vò vẽ nay lại phải cất công tìm kiếm. Món cháo quê mùa giờ xem ra là ẩm thực đặc sản ở nhà hàng. Nhưng với ký ức tuổi thơ, món cháo ong của lần “thập tử” giờ đây người có tiền cũng không mua được./.

Phong Phú

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.