ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 02:35:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Làng có nhiều tỷ phú

Báo Cà Mau (CMO) Những ngôi nhà tường khang trang nằm ẩn mình giữa sum suê vườn tược. Những cánh đồng ao nối ao đến ngút tầm mắt, điểm vào đó là từng mảng xanh của cây trái, hoa màu. Cuộc sống làng quê thật yên ả, thanh bình. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi dong xe tham quan một vòng Làng cá Tân Thành.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Tấn Nghiệm bảo, con cá chình, cá bống tượng nuôi 1,5-2 năm mới thu hoạch, mỗi ao thu về 100-130 triệu đồng. Ở cái làng có hơn 20 năm dạn dày kinh nghiệm nuôi cá như Tân Thành, hộ ít thì vài ao, hộ nhiều đến vài chục ao, nhiều năm tích luỹ, giờ làng có rất nhiều tỷ phú.

Cũng theo Chủ tịch xã Trương Tấn Nghiệm, có lẽ do đất đai phù hợp mà Tân Thành được coi là thủ phủ cá bống tượng. Con cá nuôi ở xứ Tân Thành được đánh giá có chất lượng thịt ngon nhất nước. Năm 2015, cá chình, cá bống tượng của Tân Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. 

Nhất giống, nhì kinh nghiệm

Những cánh đồng nuôi cá ao nối ao mang về cuộc sống ấm no cho người dân xứ Tân Thành.
Ông Tạ Văn Nghiệp cho biết, mỗi ao thường đặt nhiều chộp cho cá ăn để thuận tiện việc kiểm tra lượng mồi và sức khoẻ cá.

Điều kiện thổ nhưỡng là một ưu thế trời ban, theo tỷ phú cá Ấp 3, xã Tân Thành Huỳnh Văn Hận, vấn đề quan trọng tiếp theo là con giống tốt và kinh nghiệm nuôi. Giống tốt, ngoài những con đều cỡ, nhanh nhẹn, nhiều nhớt... còn phải phù hợp nguồn nước. 

“Đặc biệt, trong quá trình nuôi, nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành bại. Khi nguồn nước dơ sẽ làm con cá mất ôxy sinh bệnh mà chết. Nước dơ thường có 2 nguyên nhân, do mưa xuống đáy ao bị phèn hoặc dơ do các chất cặn bã trong nước. Nếu dơ do mưa thì bón vôi và Yucca để thải độc và tạo ôxy đáy. Còn dơ do cặn bã thì chỉ cần bón Yucca”, tỷ phú nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá đúc kết.

Cũng theo ông Hận, khi cho ăn mồi (cá tạp cắt ra) phải rửa thật sạch để tránh ô nhiễm nước. Mùa mưa cách 1 ngày cho ăn 1 lần (cũng là mùa cá lớn nhanh). Mùa hạn nước cạn chỉ cho ăn cầm chừng (khoảng 1 tuần cho ăn 1 lần) để tránh cá bị bệnh đường tiêu hoá. 

Ông Hận cũng khẳng định: “Tuyệt đối chúng tôi không xài thuốc tăng trọng và cũng hạn chế dùng kháng sinh. Quan trọng là mồi cho tươi ngon, nước tốt thì cá sẽ lớn nhanh”. 

Ông Hận thuộc lớp người nuôi cá đầu tiên của xã Tân Thành, tính ra cũng gần 30 năm. Mấy vụ đầu có thất bại nhưng rút kinh nghiệm dần nên về sau ông luôn nuôi thành công. Nhờ vậy mà ông mua được thêm 40 công đất để mở rộng diện tích với 66 ao nuôi, mỗi năm thu bạc tỷ đồng. Giờ chia cho con, ông còn 21 ao, tuỳ giá cá cũng thu về từ 700-900 triệu đồng/năm. Chưa kể, trên bờ ao ông còn trồng thanh long và nhiều loại cây ăn trái khác. Riêng nguồn thu từ thanh long, mỗi năm cũng mấy chục triệu đồng. 

Bằng khen nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương, ông đều có đủ. Trang trại ông còn là điểm tham quan, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi cá cho nhiều người.

Ở Làng cá Tân Thành, hầu như hộ nào cũng nuôi cả cá chình và bống tượng. Tuy nhiên, con cá chình thích hợp nước ngọt nên được nuôi nhiều ở các ấp vùng ngọt thuộc phường Tân Thành. Cá bống tượng thích hợp nước lợ được nuôi nhiều ở xã Tân Thành.

Theo kinh nghiệm của các lão nông, nếu vùng ngọt mà nuôi bống tượng thì thường phải pha thêm ít nước mặn (dưới sông) cho nước có độ trong giúp cá lớn nhanh, tránh bị bọ trĩ và ghẻ. Con cá chình hiện thương lái mua loại nhất từ 2 kg trở lên nên bà con thường nuôi 2 năm (đạt từ 2-5 kg). Cá bống tượng để nuôi đạt loại nhất từ 1 kg trở lên phải mất 1,5 năm. Trước đây ao nuôi thường lớn, nhưng rút kinh nghiệm, để dễ quản lý dịch bệnh và linh động trong thả nuôi, sang chuyển ao, hiện bà con thường thiết kế ao từ 200-400 m2 đối với cá bống tượng và 400-500 m2 đối với cá chình.

Tuy vậy, còn tuỳ vào điều kiện địa hình, đất, nước mà nhiều hộ tự đúc rút kinh nghiệm nuôi cho riêng mình. Tỷ phú Lê Ngọc Phé, Ấp 3, xã Tân Thành thì nhiều năm qua luôn nuôi chung giữa cá chình và bống tượng. Cứ năm rưỡi là ông thu hoạch, con nào rớt loại thì dồn lại nuôi tiếp. Trên diện tích đất 1,8 ha ông đào hơn chục ao, mỗi năm mang về nguồn thu từ 500-700 triệu đồng. Mấy chục năm nay ông còn tận dụng bờ liếp trồng cây ăn trái như ổi, quýt, nhãn làm du lịch vườn. Hiện ông có khoảng 100 gốc nhãn đang cho trái, mỗi năm từ nguồn bán nhãn tại vườn cho khách tham quan và cân ở chợ ông bỏ túi vài chục triệu đồng. Ông cho biết, TP Cà Mau đang khuyến khích ông phát triển mô hình du lịch vườn bài bản và ông cũng đang thấy hào hứng.

“Gặp thời thế, thế thời phải thế” (*)

Câu chuyện làm ăn của các tỷ phú Làng cá Tân Thành không chỉ dừng lại ở giống má, kinh nghiệm nuôi, mà càng làm các “đại gia chân đất” càng có thêm kinh nghiệm về thị trường. Theo các ông Tạ Văn Nghiệp, Cao Văn Sáu - “tỷ phú” Khóm 6, phường Tân Thành, hồi trước bà con thường thả cá đồng loạt, nhưng thương lái mua giá lên xuống thất thường, kích cỡ lung tung. Có khi cá bống tượng cỡ 700 g tới 1 kg thì giá cá nhất, lớn nữa giá sụt; Cá chình 1-2 kg giá nhất, trên 2 kg mua xô, có khi họ chẳng thèm mua. Vì vậy mà giờ bà con kinh nghiệm thả mỗi lần vài ao và xoay vòng, thị trường loại nào cao giá là có để bán. Và cũng vì thế, bà con không tính thu nhập theo vụ nuôi mà theo năm. 

Khóm 6, phường Tân Thành hiện có đến hơn 100 hộ nuôi cá. Bí thư Chi bộ Khóm 6, kiêm Trưởng khóm Tạ Văn Góp bảo, hầu hết các hộ cố cựu có đất đều nuôi cá hết.

Ông Góp cũng thừa nhận, dù giá cá bấp bênh, nhưng từ khi chuyển sang nuôi cá, đời sống bà con phát triển hẳn. “Ngày trước làm ruộng, nuôi 1 đứa con học đại học rất chật vật, nhà cửa lẹp xẹp lắm. Giờ nhà tường hết, con cái được học hành đàng hoàng, khóm có khoảng 50 nhà có con học đại học, con số này trước đây chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Góp phấn khởi chia sẻ. 

Mặc dù thu nhập cao từ con cá nhưng hầu hết các hộ đều rất cần cù, trân trọng từng tấc đất, ai cũng tận dụng bờ bao để vừa trồng rau màu, cây ăn trái. Ông Nghiệp có 28 ao nuôi, mỗi năm ngoài nguồn thu từ cá 700-800 triệu đồng, còn thu trên chục triệu đồng từ hoa màu. Anh Cao Văn Sáu có 35 ao, mỗi năm cũng thu về bạc tỷ nhưng trên bờ còn trồng cây ăn trái, trong đó có hơn trăm gốc dừa đã cho trái. Anh Sáu cho biết, đất anh cặp vườn ổi Tám Ngoắc, Mười Hiệu, được thành phố khuyến khích làm thêm du lịch vườn và anh cũng đang triển khai. 

Năm vừa rồi giá cá tương đối cao, cá chình 470 ngàn đồng/kg, bống tượng 520 ngàn đồng. Với giá này, bà con lãi từ cá bống tượng khoảng 50%, cá chình 30%. Tuy vậy, các lão nông vẫn không yên tâm. “Cá chủ yếu bán sang Trung Quốc, Hồng Kông theo đường tiểu ngạch. Giá cả lên xuống thất thường. Mình làm ra sản phẩm mà không định được giá, cứ phụ thuộc vào thương lái, nuôi cũng hồi hộp lắm. Mong được ngành chức năng tiếp sức tìm kiếm thị trường ổn định để bà con yên tâm sản xuất”, ông Nghiệp bày tỏ nguyện vọng. 

Khi đặt bút viết bài này, tôi nhận được điện thoại từ ông Lê Ngọc Phé, với tâm trạng khá buồn. Ông vừa lên ao cá, nhưng giá sụt thậm tệ: Cá bống tượng giảm còn 310 ngàn đồng/kg; Cá chình 425 ngàn đồng. 

Tuy vậy, tôi cũng nhận được tin vui từ Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Tấn Nghiệm: Hiện có một đối tác từ Hàn Quốc đang muốn kết nối tiêu thụ nguồn cá của làng. Địa phương đang thoả thuận giá cả và các điều khoản hợp đồng. 

Làng cá Tân Thành có từ lâu đời và trước đây bà con cũng từng tự phát làm du lịch vườn. Giờ TP Cà Mau đang có chủ trương kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Mảng du lịch xanh vùng ven đang dần lộ diện, hứa hẹn điểm đến thú vị cho khách tham quan. Vấn đề còn lại là, nếu đầu ra từ con cá ổn định, thì quả là “nụ cười toả nắng” trên xứ sở làng nghề khá đặc biệt này./.

(*) Một nội dung trong câu đối của Ngô Thì Nhậm

Làng cá Tân Thành là tên gọi chung các hộ nuôi cá ở xã Tân Thành và phường Tân Thành, TP Cà Mau (do trước đây cùng xã Tân Thành). Con cá chình, cá bống tượng có mặt ở Tân Thành vào khoảng những năm 1990. Phong trào nuôi cá phát triển mạnh mẽ từ năm 2000 đến nay. Hiện Làng cá Tân Thành có hơn 609 ha nuôi cá (bống tượng hơn 278 ha, cá chình hơn 332 ha) với gần 800 hộ nuôi, năng suất 2,4 tấn/ha (xã Tân Thành 243 ha với hơn 200 hộ nuôi, phường Tân Thành hơn 366 ha với 576 hộ nuôi). 

Huyền Anh

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.