(CMO) Cá khô là một trong những mặt hàng đặc sản chủ lực của người dân cửa biển Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân). Ðược làm ra từ nguồn nguyên liệu tươi, cá khô nơi đây ngon, có thể bảo quản lâu. Mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất của các vựa khô bị ảnh hưởng không ít, tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ cá khô tại đây lại tăng đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh trong mùa dịch.
Cửa biển Cái Ðôi Vàm trở lại nhộn nhịp hơn sau khi tỉnh Cà Mau áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15. Các hoạt động sản xuất, mua bán hải sản mặc dù không tấp nập như ngày thường nhưng người dân tại đây cũng một phần phấn khởi vì được trở lại các vựa khô làm việc.
Những mẻ cá tươi vì ảnh hưởng dịch bệnh phải nằm trong kho bảo quản nay cũng được ra giàn phơi đón nắng. Vào những ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách, phóng viên báo Cà Mau có dịp đến ghi nhận các hoạt động sản xuất của bà con ở “làng khô” nơi phố biển.
Ðể kịp chuyến hàng, trời bắt đầu hửng nắng, ở các vựa khô ở các khóm: 3, 4, 5 và 6, công nhân đã tất bật đem cá ra sân phơi. Không có tiếng nói cười í ới, khung cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán, mà thay vào đó là khẩu trang, là khoảng cách khi làm việc để tự bảo vệ bản thân, giữ an toàn trong sản xuất.
Nhờ thời tiết thuận lợi, được phơi giàn trên sân rộng nên các sản phẩm khô cá luôn đảm bảo chất lượng. |
Cái Ðôi Vàm vốn đã có thương hiệu từ lâu, với các sản phẩm tiêu biểu: khô khoai, cá đù, cá hố, khô tôm tích, cá mai… Nhờ đa dạng về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, hương vị nên thị trường tiêu thụ các mặt hàng đặc sản tại đây ngày càng được mở rộng. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nông sản gặp khó về đầu ra, riêng các sản phẩm cá khô tại Cái Ðôi Vàm lại rất hút hàng, đặc biệt là cung ứng lên thị trường TP Hồ Chí Minh.
Ghi nhận tại Hợp tác xã (HTX) nước mắm Ngọc Trân (Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm), bên cạnh sản phẩm chủ lực là nước mắm nhĩ, cơ sở cũng là một trong những vựa khô lớn của thị trấn. Ông Trần Phước Nhân, Chủ tịch HÐQT HTX nước mắm Ngọc Trân, cho biết, suốt nhiều tháng qua, các mặt hàng khô như: cá mối, cá đù một nắng, tôm tích, cá lưỡi trâu, cá cơm luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Mỗi ngày, cơ sở xuất bán trên 1,5 tấn khô các loại, chủ yếu là cung ứng lên thị trường TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực ÐBSCL, với giá từ 100.000-300.000 đồng/kg. Các sản phẩm sau khi làm sạch, tẩm ướp, phơi khô sẽ được hút chân không để bảo quản được lâu, an toàn.
“Trong mùa dịch này, vì mặt hàng cá khô dễ ăn, dễ chế biến, bảo quản được lâu nên khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều khách tại thành phố đặt một lần hàng tấn khô để gửi vào những khu cách ly cho người thân, có lúc hàng không đủ đáp ứng”, ông Nhân cho biết.
Thị trường tiêu thụ tăng cao, cộng thêm đây là khoảng thời gian bước vào mùa sản xuất cao điểm, vựa khô của ông Nhân luôn phải tăng cường số lượng nhân công. Hiện tại, cơ sở giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, chủ yếu là lao động nữ, làm các công việc phơi khô, sơ chế cá tươi, với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày.
Ðang tất bật phơi cá cơm cho kịp nắng sớm, chị Nguyễn Thị Út (Khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm) cho biết: “Vợ chồng tôi làm ở đây 1 ngày được 500.000-600.000 đồng, được chủ bao ăn, công việc cũng nhẹ nhàng. Lúc này đi làm được là mừng lắm rồi”.
Ông Trần Hữu Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Ðôi Vàm, thông tin: “Trên địa bàn thị trấn có gần 200 cơ sở và hộ dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá khô. Bên cạnh việc phát triển thị trường, tăng sản lượng chế biến để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng trong tình hình mới, các hộ dân, cơ sở kinh doanh, chế biến khô còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng”./.
Hữu Nghĩa