Với mục tiêu xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo từng vùng khép kín, đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, kết hợp với xây dựng giao thông thuỷ, bộ, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, Dự án thuỷ lợi Tiểu vùng II Nam Cà Mau được phê duyệt vào năm 2003 với 3 xã: Lợi An (Trần Văn Thời), Phú Hưng và Thạnh Phú (Cái Nước). Việc thực hiện dự án dở dang trong thời gian 13 năm qua đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo từng vùng khép kín, đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, kết hợp với xây dựng giao thông thuỷ, bộ, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, dự án Thuỷ lợi Tiểu vùng II Nam Cà Mau được phê duyệt vào năm 2003 với 3 xã: Lợi An (Trần Văn Thời), Phú Hưng và Thạnh Phú (Cái Nước). Việc thực hiện dự án dở dang trong thời gian 13 năm qua đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất.
Dân bức xúc
Theo phản ảnh của một số bà con ở khu vực khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau, việc xây 7 cống khép kín và quy trình vận hành cống không theo sát nhu cầu thực tế sản xuất của bà con. Trong khi chiều rộng kinh từ 10-30 m, khẩu độ cống như cống Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời chỉ khoảng 3-6 m đã khiến cho nguồn nước bị tù đọng trong thời gian dài, dịch bệnh lây lan. Khẩu độ cống nhỏ đã cản trở giao thông thuỷ, không đảm bảo cấp nước, tháo nước kịp thời phục vụ cho sản xuất, nguồn nước bị tù đọng thời gian dài không được tháo đã gây ô nhiễm làm thiệt hại cho sản xuất của nông dân.
Trưởng ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú Trương Minh Luân bức xúc: “Do chưa khép kín được hoàn toàn nên cái cống giờ như cục sắt vụn nằm đó, vừa cản trở giao thông vừa hạn chế dòng chảy khiến việc sản xuất tôm cũng bị ảnh hưởng”.
Cống Cái Bát ở Lợi An chưa một lần được đóng vì tiểu vùng chưa được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: NGỌC HUỆ |
Mặc dù một số cống ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, đã xây xong nhưng chưa một lần vận hành được vì phù sa bồi lấp miệng cống, van cống không thể đóng lại được. Sản xuất của người dân ở những vùng có cống này còn gặp khó khăn hơn trước khi chưa có cống.
Chủ tịch UBND xã Lợi An Nguyễn Phước Thuận cho biết thêm, theo quy hoạch được duyệt thì trên địa bàn xã xây dựng 6 cống khép kín tiểu vùng. Ðến nay đã xây dựng được 3 cống, còn 3 cống chưa xây dựng, một số cống không bố trí được vốn như cống Ông Tự thì tạm dừng. Tiến độ triển khai xây dựng và nhà thầu xây dựng chậm như hiện nay gây bức xúc cho chính quyền cơ sở và hộ dân. Do không chủ động được nguồn nước và ngăn được nước ô nhiễm nên sản xuất khó khăn. Cống xây xong bỏ đó chưa đóng mở được khiến dòng chảy không lưu thông được ảnh hưởng sản xuất, đã vậy việc để quá lâu không vận hành đến khi hoàn thiện phải tốn thêm kinh phí duy tu, sửa chữa rất tốn kém”.
Mặc dù một số cống khép Tiểu vùng II Nam Cà Mau đã được xây dựng xong cách nay gần 5 năm nhưng vẫn chưa phát huy được tác dụng và chính những cống này lại là điểm cản trở giao thông và cản trở dòng chảy của nước, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Liêu, ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Do chúng ta chưa đồng bộ khép kín tiểu vùng nên gặp trở ngại nhất là nguồn nước. Tháo phèn, rửa mặn phục vụ lúa - tôm lượng nước chảy rất ít. Do đó, chúng tôi yêu cầu các ngành chức năng xem xét, nếu tiếp tục thì làm cho nhanh, còn không thì tháo dỡ, đừng để như vậy ảnh hưởng đến sản xuất của bà con”.
Những cái "chưa"
Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Trần Quốc Nam cho biết: “Vùng Nam Cà Mau có 18 tiểu vùng. Do nguồn vốn có hạn nên đến nay các tiểu vùng chủ yếu là mới chỉ dừng lại ở việc nạo vét kinh mương các cấp, đảm bảo được cấp thoát nước, ngăn phù sa bồi lắng. Mặc dù hệ thống thuỷ lợi hiện tại đã đầu tư như thế nhưng vẫn chưa chủ động được nguồn nước phục vụ cho nuôi thuỷ sản, chưa chủ động được mùa vụ, chưa kiểm soát được dịch bệnh lây lan giữa tiểu vùng này với tiểu vùng khác, chưa rửa mặn được triệt để vụ lúa trên đất nuôi tôm tại các tiểu vùng Nam Cà Mau”.
Cũng theo ông Nam, thời gian qua đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho hệ thống thuỷ lợi. Trong đó, có hệ thống khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau nhưng tính hiệu quả chưa phát huy được và cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng tiếp tục các dự án khép kín này.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Lâm Việt Triều cho hay: “Với dự án khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau, Thạnh Phú được trên đầu tư xây dựng 2 trên tổng số 6 cống cần phải xây dựng. Hệ thống cống chưa hoàn thiện, vấn đề ô nhiễm môi trường nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt trên tuyến kinh xáng Lương Thế Trân”.
Dự án khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau thi công chậm tiến độ không những làm ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây nhiều khó khăn cho người dân trong sinh sống hằng ngày và xây cất nhà cửa. Một số hộ trong khu quy hoạch dự án, không dám cất nhà vì sợ bị giải toả. Bà Khổng Thị Kim Oanh, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, bức xúc: “Ở nông thôn mà không trồng trọt gì thì cũng tội, mà trồng rồi thì biết hôm nào mấy ổng biểu chặt. Nhà cửa hư hao cũng có dám sửa sang gì cho lớn đâu, cứ ở tạm vậy mà mười mấy năm rồi”.
Ông Ðặng Văn Ái, Chi hội trưởng Nông dân ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, bộc bạch: “Mấy lần họp dân vụ làm lúa trên đất nuôi tôm dân đều đề nghị tháo cống Lung Câu đi. Cống để chình ình mà không hoạt động, xuồng ghe ra vào bất tiện, rồi dòng chảy không thông thoáng, tù đọng, khó khăn trong sản xuất”.
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Hà Ngọc Sáu cho biết: “Giờ xuống địa phương vận động bà con làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm là cực kỳ khó. Bởi, cả chục năm nay có năm nào người dân có được mùa lúa trọn vẹn đâu. Cũng sạ, cũng cấy như người ta nhưng rồi nước mặn tràn vào cũng chết hết, hay số nào giữ được bờ thời điểm đó thì đến cuối vụ chim chuột cũng phá hết vì sản xuất không đồng loạt”.
Và mong muốn cuối cùng của việc khép kín tiểu vùng là để việc sản xuất được đồng loạt, giảm chi phí sản xuất cho người dân, hiệu quả sản xuất cũng cao hơn. Mong muốn ấy đã 13 năm rồi nhưng vẫn chưa thực hiện được vì thiếu vốn để hoàn thiện hệ thống cống.
“Mặc dù đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng các tiểu vùng nhìn chung chưa chủ động được mùa vụ; chưa kiểm soát được nguồn nước cũng như chất lượng nước để phục vụ cho nuôi thuỷ sản; chưa kiểm soát được dịch bệnh lây lan giữa các tiểu vùng với tiểu vùng khác; chưa rửa mặn được triệt để sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm đối với các tiểu vùng của Nam Cà Mau”, ông Trần Quốc Nam nhận định.
Vậy có chăng chuyện lãng phí trong đầu tư đối với những cái cống chưa một lần đóng này?./.
Dự án khép kín Tiểu vùng II Nam Cà Mau được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư vào tháng 1/2003. Mục tiêu của dự án là đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tổng hợp, hiệu quả và bền vững; chủ động giữ ngọt, tháo úng, rửa phèn để phát triển sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm; đảm bảo cấp nước và tháo nước cho nuôi thuỷ sản; cải thiện hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với xây dựng giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Dự án có diện tích hơn 6.380 ha, xây dựng 16 cống, 21 kinh phải nạo vét, tổng chiều dài hơn 65 km và hệ thống đê bao hơn 30 km với tổng mức đầu tư lên đến 220 tỷ đồng. |
Phóng sự của Tâm Như