(CMO) Thời gian qua, cùng với quá trình đổi mới đất nước, tỉnh Cà Mau đã xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp trong vấn đề đào tạo nguồn lao động nông thôn (LÐNT). Những hiệu ứng tốt từ nguồn LÐNT đã tác động sâu rộng, giúp bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển, tạo động lực khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp tích cực cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Cà Mau với nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại lao động hàng năm rất lớn, nhất là ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, công tác đào tạo nghề từ các chương trình, dự án cho LÐNT gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Với những ưu đãi về thiên nhiên, dồi dào về nguồn lao động, bức tranh nông thôn Cà Mau dần khởi sắc, chuyển biến tích cực. Thế mạnh chủ lực từ nông nghiệp được Cà Mau khai thác toàn diện trong việc phát triển nguồn LÐNT, kịp thời đáp ứng nhu cầu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Những chương trình, dự án dần tạo được chuyển biến tích cực đối với lao động nông thôn. (Trong ảnh: Thực hành sửa chữa điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau). |
Chuyển biến tích cực
Cà Mau có tiềm năng kinh tế ngư - nông - lâm - công nghiệp và dịch vụ để thu hút mọi lực lượng lao động xã hội. Chính vì lẽ đó, đa dạng hoá loại hình đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề cho LÐNT, đào tạo nghề trình độ cao, công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, giai đoạn 2020-2025.
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đã hiện thực hoá vấn đề đào tạo nghề cho LÐNT với các văn bản chỉ đạo, chính sách trọng điểm: Ðề án “Ðào tạo nghề cho LÐNT tỉnh Cà Mau đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Ðề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020; Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh Cà Mau, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Từ Hoàng Ân thông tin: “Từ khi Ðề án đào tạo nghề cho LÐNT theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện, người lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, cập nhật kiến thức mới, tiếp cận khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Hiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở, trong đó có 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 5 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 4 cơ sở khác”.
Một tín hiệu đáng phấn khởi là qua 10 năm thực hiện đề án này, tỉnh Cà Mau đã đào tạo hơn 370.831 lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QÐ-TTg là 110.779 lao động (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp là 86.527 người), tỷ lệ lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 80%, thu nhập của lao động cũng tăng hơn 50%, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo (không kể truyền nghề) từ 27% năm 2010 lên 47% năm 2019; nâng thu nhập khu vực nông thôn từ 13 triệu đồng/người/năm lên 29 triệu đồng/người/năm (tăng 2,2 lần); giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 còn 10.105 hộ, chiếm 3,4%; giai đoạn 2016-2019 tiếp tục giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 9,94% xuống còn 4,04%; bình quân giảm 1,9%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra 1,5%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhưng lao động khu vực ngư - nông - lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Minh chứng hiệu quả từ các chương trình đó, nhiều mô hình đào tạo tại nông thôn có kết quả rõ rệt, không chỉ nâng cao trình độ nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi nhận thức người dân về việc làm, về thu nhập, nên đa số LÐNT sau học nghề tự tạo việc làm trong và ngoài tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn là chất xúc tác giúp nhiều lao động khó khăn, đối tượng đặc thù có điều kiện vượt qua khó khăn để có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ðiểm sáng ở vùng nông thôn
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm, UBND huyện Thới Bình xây dựng kế hoạch, chương trình tạo việc làm cho người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc làm của người khuyết tật.
Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn các chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với người khuyết tật; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hướng gắn với việc làm.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Bé cho biết: “Những năm qua, câu chuyện đào tạo nghề cho LÐNT luôn được các cấp, ban, ngành quan tâm, triển khai sâu rộng, tạo sức lan toả đến với người dân trên địa bàn. Ðào tạo nghề gắn với điều kiện sản xuất là mục tiêu để chúng tôi phối hợp, tổ chức các lớp học để làm sao LÐNT dễ dàng tiếp cận và phát huy hiệu quả cao nhất, tạo được nguồn lao động dồi dào, chất lượng nhưng thiết thực, thu hút lao động phục vụ ở địa phương”.
Từ năm 2015 đến nay, có hơn 100 người khuyết tật trong huyện được đào tạo nghề theo Ðề án 1956 hoặc tham gia các lớp tập huấn, truyền nghề do huyện tổ chức. Thông qua đó, người khuyết tật áp dụng được kỹ năng, kiến thức đã học vào sản xuất và có nhiều mô hình hiệu quả: gia công kết cườm, may túi xách, làm bình hoa, đan gia công lục bình..., giúp chị em người khuyết tật có việc làm, thu nhập tại nhà.
Gắn bó với Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật xã Tân Bằng từ những ngày thành lập, hơn 5 năm qua, chị Lê Thị Hồng Phương, Chủ nhiệm CLB cùng các thành viên tạo nên điểm sáng trong giải quyết việc làm cho LÐNT, không chỉ đối với phụ nữ khuyết tật.
Chị Phương cho biết: “Khi chúng tôi đoàn kết một lòng, không chỉ phụ nữ khuyết tật mà chị em khác cũng phải có nguồn thu nhập ổn định. 22 thành viên là người khuyết tật và hơn 100 chị em khác ở các ấp, xã, huyện lân cận đều có nguồn thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện thực tế lao động địa phương nên mỗi tháng các chị đều có thu nhập từ 1,7-3 triệu đồng. Hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình giúp phụ nữ vùng nông thôn nói chung, chị em người khuyết tật nói riêng có điều kiện ổn định kinh tế, cải thiện cuộc sống”.
Việc phát triển lao động ở vùng nông thôn còn phải nhắc đến Quyết định số 1206/QÐ-UBND, ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh Cà Mau về Phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ðến nay, Cà Mau có 37 làng nghề đang hoạt động, chủ yếu ở nông thôn, giải quyết nguồn lao động ở địa phương rất lớn, ngành nghề nông thôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đặc trưng ở Cà Mau.
“Cà Mau tích cực phát triển ngành nghề nông thôn, tạo nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho LÐNT, giảm nghèo, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Việc phát triển các làng nghề nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, giá trị sản phẩm được nâng lên. Ðiển hình, đã qua có nhiều sản phẩm như ba khía, tôm khô, bồn bồn, chuối khô… nằm trong Chương trình OCOP đạt giá trị cao. Các cơ sở ngành nghề nông thôn phát triển ở nhiều loại hình, từ hộ sản xuất gia đình đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ tổ hợp tác đến hợp tác xã… có khả năng linh hoạt đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”, ông Từ Hoàng Ân nhấn mạnh./.
Bài 2: BÀI TOÁN NÍU CHÂN NGƯỜI LAO ÐỘNG
Hằng My