(CMO) Số người trong độ tuổi tuổi lao động tỉnh Cà Mau khá dồi dào, tập trung nhiều ở khu vực nông thôn, lao động chủ yếu tham gia trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, chiếm trên 50%. Thời gian qua, dù đã có nhiều dự án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn (LÐNT), thế nhưng, giải pháp đó vẫn chưa mang tính đồng bộ, nguồn đầu tư giải quyết việc làm vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của lao động địa phương.
Còn khó khăn
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT là một trong những chính sách ưu việt của Ðảng và Nhà nước ta, nhằm trang bị kiến thức khoa học, kỹ năng cho người lao động ở nông thôn, hoà chung xu thế hội nhập khoa học - kỹ thuật.
Việc tạo nghề, giải quyết việc làm nông thôn ở Cà Mau gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại tín hiệu tích cực, phát huy tốt chất lượng nguồn nhân lực ở từng địa phương. Thế nhưng, câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn lao động vẫn là bài toán khó.
Lao động nhàn rỗi tại địa phương chủ yếu làm việc thời vụ, thu nhập bấp bênh. |
Bàn về vấn đề này, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh Ðào Quốc Kiểng cho rằng: “Ðã qua, huyện U Minh có hơn 5.600 LÐNT tham gia học nghề, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn lao động sản xuất, góp phần tăng nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, khi đào tạo LÐNT lại tồn tại khá nhiều bất cập, nhất là về nhu cầu đào tạo và cả nhận thức của người học. Do vậy, tình trạng lao động địa phương đi làm ăn xa, ở các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, khu công nghiệp tỉnh khác vẫn còn khá nhiều”.
Tình hình thực tế cho thấy, nhiều danh mục đào tạo nghề trong Ðề án 1956 chưa đáp ứng nhu cầu ở địa phương. Những lớp đào tạo áp dụng trên thực tế vừa thừa, vừa thiếu. Khi áp dụng các lớp học kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản hay kỹ thuật trồng trọt, người lao động đã qua đào tạo rất thuận lợi áp dụng kiến thức ngay trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ chiếm rất ít. Mặt khác, lực lượng lao động nhàn rỗi khi tham gia các lớp đào tạo khác không thể phát huy hiệu quả, cấp chứng chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi nhu cầu lao động của các công ty đòi hỏi trình độ tay nghề phù hợp.
Thêm một khó khăn nữa, đội ngũ đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương trong quá trình đào tạo. Ðơn cử như lớp dạy đan đát, giảng dạy vào năm 2020 tại huyện U Minh, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện mở, không có thầy cô giảng dạy nên phải hợp đồng người từ huyện khác về.
“Khi triển khai kế hoạch các lớp học nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cân nhắc rất nhiều cho từng xã đăng ký. Thực tế, khi mở các lớp dạy về điện dân dụng, may dân dụng gặp nhiều bất cập, do nhu cầu người học quá ít so với tình hình thực tế. Vì vậy, nhiều lớp đào tạo không có trong danh mục của đề án, chúng tôi phải xin thêm danh mục mới để có nguồn kinh phí đào tạo, cấp chứng chỉ nghề”, ông Kiểng chia sẻ.
Trưởng phòng Ðào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh Nguyễn Quốc Sự cho biết: “Hiện tại, nhân sự là 10 nhưng giáo viên đứng lớp chỉ có 4. Ðội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo thêm các ngành nghề. Nếu đề xuất đào tạo ngành nghề khác thì chúng tôi buộc phải hợp đồng thầy cô giáo nơi khác về giảng dạy. Trang thiết bị, cơ sở vật chất tại trung tâm đang xuống cấp, do vậy, nhiều lớp dạy may hay điện dân dụng chỉ đáp ứng phần nào”.
Thêm một thực tế đáng quan ngại là nhận thức của người lao động chưa cao. Chủ yếu học để được cấp chứng chỉ, còn áp dụng thực tế vẫn chưa phát huy hiệu quả. Người lao động cần tay nghề cao nhưng thực tế lớp đào tạo nghề chỉ ở mức sơ cấp. Mặt khác, một số công ty, doanh nghiệp khi tìm kiếm lao động phổ thông lại đòi hỏi người lao động có trình độ văn hoá theo yêu cầu, tay nghề, chuyên môn, do đó, hiện tại nhiều lớp đào tạo chưa thể đáp ứng.
Lớp dạy nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. |
Cần giải pháp căn cơ
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là thách thức. Thực trạng trên cho thấy công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp nói chung và công tác đào tạo nghề nói riêng cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, trong giai đoạn mới, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá phát triển mạnh mẽ, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Tạo việc làm cho LÐNT vẫn còn là bài toán khó, cần tìm giải pháp hiệu quả, thiết thực để giải quyết tốt hơn nữa cho 94,21% LÐNT của tỉnh Cà Mau có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu lao động việc làm trong thời gian tới. Qua những đánh giá về thực trạng nguồn LÐNT hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận về những thành công, cũng như nhận diện rõ tồn tại về cơ chế chính sách liên quan đến người lao động tỉnh nhà. Bên cạnh những thách thức đang phát sinh, cần tạo đột phá, tìm kiếm cơ hội trong các giải pháp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập cao hơn, bắt kịp xu thế hội nhập về năng lực, trình độ”, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cà Mau Từ Hoàng Ân nhận định.
Cần đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ nhưng phải đảm bảo về chất lượng, để người lao động tham gia học nghề với tất cả niềm hứng thú, đam mê, tự rèn luyện cho bản thân kỹ năng, trách nhiệm và phải trải nghiệm tham gia thị trường lao động. Song song với việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, cần trang bị cho họ những kiến thức về thị trường, kiến thức kinh doanh trong quá trình hội nhập.
“Cà Mau cần Trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ kinh phí, hỗ trợ tỉnh về việc làm đáp ứng nhu cầu, kế hoạch. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, đề xuất kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục chính sách hỗ trợ đối với người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để nâng cao nguồn lao động. Về phía trung tâm, sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, làm cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động để tạo môi trường hợp tác thuận lợi, phù hợp nhu cầu thị trường lao động hiện nay”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau Quách Thanh Thoảng đề xuất.
“Hiện tại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh tiếp tục đề xuất kế hoạch chờ UBND huyện phê duyệt, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nhận nguồn kinh phí, chỉ tiêu đào tạo năm nay. Thời gian tới, phối hợp với các ban, ngành xã, thị trấn rà soát, phối hợp định hướng, tuyên truyền cho người lao động sau khi học nghề để có hướng đào tạo phù hợp. Khuyến khích thực hiện các hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng”, ông Ðào Quốc Kiểng bày tỏ.
Những chương trình, dự án về đào tạo LÐNT đã mang lại hiệu quả tích cực, nguồn LÐNT Cà Mau có những bước chuyển biến mới. Tuy nhiên, Cà Mau cần đánh giá thị trường lao động để có những giải pháp căn cơ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn. Bài toán níu chân lao động cần lời giải đáp chặt chẽ, phù hợp, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà thời gian tới./.
Hằng My