(CMO) Thấy ở Sóc Trăng, nông dân nuôi tôm công nghiệp, bản thân không biết gì và cũng không thấy ai ở xứ mình nuôi tôm công nghiệp, vậy mà năm 2000, khi vùng đất sản xuất nông nghiệp của Định Bình được chuyển dịch sang nuôi tôm, lão nông Tư Paul dám thế chấp 7 ha đất vay tiền ngân hàng và bán lỗ cái máy cày để nuôi tôm công nghiệp. Ông trở thành người đầu tiên nuôi tôm công nghiệp thành công tới không tưởng ở xứ mình. Dân ấp Xóm Lung, xã Định Bình, TP Cà Mau đều nói Tư Paul liều mạng hết biết!
Lão nông Tư Paul tên thật là Lê Hoàng Paul, sinh năm 1957, ở ấp Xóm Lung, xã Định Bình, TP Cà Mau. Khởi nghiệp làm giàu của ông Tư Paul có thuận lợi khá cơ bản là gia đình nhiều đất, hơn 7 ha, trong đó có 3 ha vườn, còn lại là làm lúa mùa. Vùng đất của ấp Xóm Lung trong những năm đó làm lúa mùa rất trúng, năng suất đạt bình quân hơn 30 giạ/công, gia đình ông Tư Paul thu hoạch bình quân hơn 1.000 giạ lúa mỗi năm.
Năm 1997-1999, dân Định Bình có bước tiến bộ hơn là chuyển qua làm lúa 2 vụ, năng suất tăng lên gấp đôi. Gia đình ông Tư Paul cũng làm lúa 2 vụ, năng suất đạt bình quân hơn 50 giạ/công, thu hoạch hơn 2.000 giạ/năm. Trong những năm xã Định Bình còn trồng lúa, gia đình ông Tư Paul đã được coi là khấm khá ở ấp Xóm Lung, có của ăn của để ở xứ này.
Ông Tư Paul giới thiệu kỹ thuật phủ lưới hiệu quả trên ao nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: ÁI NHƯ |
Sau 3 năm chuyển từ làm lúa 1 vụ qua 2 vụ, thấy dân xứ mình trồng lúa coi bộ được quá, ông Tư Paul quyết định mua máy cày để làm đất trồng lúa 2 vụ cho gia đình và bà con ở xã. Ông mua máy cày đầu năm 2000, trị giá gần 50 cây vàng, tính bằng lúa thì là lúa thiên, tức vài ngàn giạ. Việc tính toán mua máy cày của ông Tư Paul lúc đó có thể nói là người nông dân có chí làm giàu và có gan làm ăn lớn. Chiếc máy cày không chỉ làm đất cho gia đình, giảm được nhiều chi phí cho làm lúa 2 vụ, tăng thêm lợi nhuận mà còn làm đất mướn cho bà con, kiếm chơi chơi 1 năm cũng hơn 1 thiên lúa. Chỉ cần qua vài mùa lúa là có thể lấy đủ vốn lẫn lời.
Tính toán ngon lành là vậy, nhưng trớ trêu cho ông Tư Paul lúc đó là sau vài tháng sắm máy cày, chỉ cày được vài công đất của gia đình, chưa kịp trồng lúa vụ một, dân Định Bình được phép chuyển dịch sang nuôi tôm, chiếc máy cày trị giá gần 50 cây vàng trong chớp mắt trở thành vô công rỗi nghề, như đống sắt vụn. Ông Tư Paul chỉ còn biết bó tay nhìn mọi người nuôi tôm, ông đắp chiếu chiếc máy cày, ôm cái giỏ đệm đựng 2 bộ đồ lên mấy tỉnh trên thăm bạn bè cho bớt buồn, kiếm mối bán lại máy cày.
Nào ngờ, trong cái rủi hoá ra có cái hay, đời người không được mấy lần như thế. Thời gian đến thăm bạn bè, ông Tư Paul mới thấy được thu nhập khủng từ nuôi tôm công nghiệp của mấy ông nông dân ở Sóc Trăng, họ kiếm bạc trăm triệu là chuyện bình thường, trong khi dân ở xứ ông phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cả năm kiếm bạc trăm triệu đỏ con mắt. Ông nghĩ ngay đến chuyện nuôi tôm công nghiệp ở xứ mình. Vậy là ông quyết định trở về nuôi tôm công nghiệp như mấy ông nông dân ở Sóc Trăng. Nhưng muốn nuôi tôm công nghiệp, vốn đâu phải ít, đâu phải như nuôi tôm tự nhiên hay quảng canh, nói làm là làm được liền.
Dính cái máy cày bộn vốn, tích luỹ trong mấy năm làm lúa trúng, còn phải ăn xài, coi lại không còn dư được bao nhiêu, chuyện muốn nuôi tôm công nghiệp của ông Tư Paul lúc đó không hề đơn giản. Tính tới tính lui, ông Tư Paul quyết định mang giấy tờ đất thế chấp ngân hàng vay 80 triệu đồng và chấp nhận bán chiếc máy cày lỗ hơn 30 cây vàng, tức là còn khoảng hơn 10 cây vàng, nuôi tôm công nghiệp.
Trong năm đầu chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, dân Định Bình chỉ nuôi tôm tự nhiên và quảng canh. Ông Tư Paul là người duy nhất ở Định Bình và cũng là người đầu tiên ở TP Cà Mau nuôi 3 hầm tôm công nghiệp, với diện tích 1,6 ha.
Và cũng trong năm đó, bước qua năm 2001, ông Tư Paul là người có thu nhập “khủng” nhất từ nuôi tôm ở TP Cà Mau, ông thu hoạch 3 hầm hơn 750 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn dư hơn 500 triệu đồng. Số tiền này vào thời điểm đó nhiều lắm, tính ra vàng bằng một trăm mấy chục cây. Chỉ sau vài tháng nuôi tôm, ông gửi ngược lại ngân hàng 500 triệu đồng, trở thành khách VIP của ngân hàng.
Sau vụ nuôi tôm công nghiệp đầu tiên của ông Tư Paul trúng quá xá, nông dân Định Bình và nông dân TP Cà Mau mới biết thế nào là nuôi tôm công nghiệp. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của thành phố được mở rộng sau đó. Riêng ông Tư Paul, sau vụ nuôi tôm công nghiệp đầu tiên thành công ngoài sức tưởng tượng, ông đầu tư toàn bộ diện tích 7 ha cho nuôi tôm công nghiệp, với 2 ao lắng và 10 hầm nuôi.
Từ năm 2002-2009, ông Tư Paul đều trúng đậm tôm công nghiệp, mỗi năm thu hoạch bình quân hơn 50 tấn tôm sú, lợi nhuận bình quân hơn 2 tỷ đồng/năm. Ông mua 2 cái nhà tiền tỷ cho con ở TP Hồ Chí Minh, một cái nhà tiền tỷ ở nội ô thành phố cho vợ chồng ông và trở thành nông dân giàu có tên tuổi ở ấp Xóm Lung.
Việc nuôi tôm công nghiệp của ông Tư Paul trong những năm đó trúng liên tục cũng không có gì lạ, bởi dân Định Bình nuôi tôm tự nhiên, nuôi tôm quảng canh còn trúng phát ham, huống hồ gì nuôi tôm công nghiệp được đầu tư nhiều tiền như ông Tư Paul.
Nhưng từ năm 2010-2015 thì lại khác, việc nuôi tôm công nghiệp của ông Tư Paul có thể nói là thảm bại. Môi trường nuôi tôm ngày càng bị tác động xấu, nhiều hầm tôm của ông bị "bể", ông nuôi không có lời, có năm còn bị lỗ. Bỏ vốn ra bạc tỷ mà nuôi không có lời cũng coi như lỗ nặng, vì còn nhiều khoản chi phí khác như nhân công, sinh hoạt gia đình, tất cả đều thâm vào vốn, mọi người nhìn ông ái ngại.
Xuống thì có xuống thiệt, nhưng mọi người đâu có biết, ông Tư Paul đâu dễ dàng chịu thua vậy. Trong thời gian nuôi tôm công nghiệp bị xuống dốc thấy rõ, ông đã nghĩ tới hướng đi khác, quan tâm tới nuôi tôm công nghệ cao. Năm 2015-2017, ông Tư Paul chuyển hướng nuôi tôm công nghiệp sang nuôi tôm công nghệ cao và thành công đến không ngờ. Trong thời gian nuôi gần 2 năm, ông thu hoạch 5 vụ tôm hơn 8 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng. Dân ấp Xóm Lung một lần nữa nhìn ông bằng ánh mắt ngưỡng mộ và có nhiều người trong ấp cũng nuôi tôm công nghệ cao.
Được coi là "liều mạng", ông Tư Paul trở thành người nuôi tôm thành công nhất ở ấp Xóm Lung, xã Định Bình, TP Cà Mau. Tháng 10/2017, ông vinh dự được đi Hà Nội, được gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Chưa hết, ông Tư Paul còn là một trong số hiếm những nông dân ở TP Cà Mau có xe hơi đắt tiền và tự lái xe hơi sang chảnh như đại gia. Có người đùa rằng, có mấy nông dân sang chảnh vậy, Tư Paul đúng là nông dân thế kỷ 21.../.
Áí Như - Diễm Trinh