ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 17-5-24 00:08:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lạp xưởng quê đón Tết

Báo Cà Mau (CMO) Khi những hạt mưa cuối mùa đã dứt nhường cho cái nắng mát dịu của tháng 12, màu xanh non mơn mởn dịu dàng của cỏ cây, điểm thêm màu đỏ au của những giàn lạp xưởng ánh lên trên sân, báo hiệu Tết đang đến gần.

Từ lâu, lạp xưởng đã trở thành món ăn truyền thống, có thể sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày và là món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Theo lời ông bà xưa, món lạp xưởng bắt nguồn từ những ngày còn khó khăn, mỗi năm mới xẻ thịt con heo để làm bánh tét, mâm cỗ Tết hoặc cúng quảy. Số thịt còn lại, vì không có tủ lạnh, tủ đông như bây giờ nên ông bà ta đã nghĩ ra cách chế biến thành lạp xưởng để bảo quản được lâu. Có lẽ lạp xưởng được tạo hình thành từng khúc tròn dài, săn chắc, nên được dùng để làm quà, hay được thưởng thức trong dịp Tết như mang ý nghĩa năm mới sung túc, đủ đầy.

Cách làm lạp xưởng tưởng đơn giản nhưng khá cầu kỳ, nếu làm không đúng cách, lạp xưởng sẽ dễ bị hỏng. Theo bà Lê Hồng Cúc (xã Khánh Hoà, huyện U Minh), người có kinh nghiệm làm lạp xưởng, muốn làm lạp xưởng ngon phải chọn được thịt heo tươi. Ðầu tiên là sơ chế phần thịt, ruột non thật sạch qua nước và rượu trắng. Thịt nạc bỏ lớp da, cắt nhỏ, còn thịt mỡ được thái hạt lựu riêng, sau đó trộn cùng với các loại gia vị cho vừa ăn. Công đoạn phức tạp nhất là nhồi thịt. Với phần ruột non đã được chuẩn bị kỹ, cứ nhồi thịt vào được khoảng 15-20 cm thì buộc lại thành khúc. Sau đó đem tất cả phơi lên giàn ngoài trời nắng từ 3-4 ngày thì lạp xưởng sẽ lên men, khô lại, là có thể đem vào đóng gói bảo quản.

Gia đình bà Lê Hồng Cúc dậy từ 5 giờ sáng, mua thịt heo tươi tại lò mổ và chuẩn bị các công đoạn làm lạp xưởng để phơi cho kịp nắng.

“Hồi xưa, khâu khó nhất là phải bằm thịt cho nhuyễn và nhồi thịt vào ruột thật khéo để không bị “bể ruột”. Ngày nay, lạp xưởng hầu như được làm quanh năm để sử dụng và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, những khâu thủ công được giảm bớt, thay thế bằng máy móc để xay và nhồi thịt nên nhanh hơn, năng suất cao hơn và đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Kim Cúc cho biết.

Nhờ phơi dưới ánh nắng tự nhiên, lạp xưởng ánh lên màu đỏ hồng và hương vị thơm ngon hơn.

Làm lạp xưởng cầu kỳ, nhưng khi ăn thì chế biến rất đơn giản, nhanh gọn. Lạp xưởng để nguyên cả khúc, rửa sạch bằng nước nóng rồi đem hấp hoặc chiên, nướng chín, hoặc luộc với nước dừa đến khi nước rút cạn, sau đó mang cắt lát vừa phải, thêm vài lát tỏi tươi, ăn kèm cơm trắng hoặc chế biến thành nhiều món ngon cầu kỳ hơn. Hương thơm của các loại gia vị tỏi, tiêu, vị bùi, ngọt đậm đà của thịt tạo ra món ăn mang hương vị đặc trưng.

Lạp xưởng phơi xong được đóng gói, hút chân không nên thời gian sử dụng khá lâu.

Trên khắp các vùng, miền trong cả nước có thể làm ra rất nhiều loại lạp xưởng mang hương vị đặc trưng khác nhau. Những ngày Tết, trong nhà người dân miền Tây lúc nào cũng có những khúc lạp xưởng ngon để cả gia đình thưởng thức và đãi khách tới chơi. Món ăn bình dị, dân dã này không chỉ hấp dẫn du khách phương xa, mà còn làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực của người dân miền sông nước./.

 

Thảo Mơ thực hiện

 

Kỳ vọng cho du lịch ẩm thực

Trong chuỗi hoạt động của Chương trình sự kiện "Cà Mau - Ðiểm đến 2024", một trong những hoạt động được kỳ vọng sẽ tăng sức quảng bá du lịch ẩm thực là Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn, dự kiến được tổ chức trong tháng 9 tới đây. Cùng với đó là kỳ vọng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các chủ thể có sản phẩm bánh phồng tôm OCOP 3 sao, 4 sao, đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, góp phần tăng số lượng xuất bán ra thị trường, tăng thu nhập cho người làm nghề.

Ðộc đáo bộ sưu tập thời trang từ bánh dân gian

Sẽ như thế nào khi những chiếc bánh dân gian ngọt ngào đậm chất miền Tây sông nước trở thành chất liệu để sáng tạo thành bộ sưu tập thời trang? Ý tưởng độc đáo này được nhà thiết kế trẻ Nguyễn Minh Công biến thành hiện thực.

Bánh lá rau mơ món ăn dân dã miền quê!

Những ai từng sinh ra, lớn lên ở các miền quê, có lẽ món bánh lá rau mơ đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ; món ăn tuy dân dã, nhưng với hương vị đặc trưng ấy khiến nhiều người nhớ và sẽ lạ miệng, thú vị với người lần đầu thưởng thức.

Món ngon từ chuối ép khô

Nghề ép chuối khô ở huyện Trần Văn Thời hình thành từ rất lâu, chủ yếu tập trung nhiều ở 2 xã: Trần Hợi và Khánh Hưng. Ðây cũng chính là các địa phương nổi tiếng sản xuất chuối ép khô ngon và lớn nhất tỉnh, xây dựng được sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

"Săn" đặc sản ở rừng

Ở Cà Mau, các khu rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển là nơi sinh sống của các loài nhuyễn thể như: vọp, chem chép, ốc len..., thức ăn của chúng chủ yếu là các loại tảo, chất mùn hữu cơ dưới tán rừng. Theo đó, nhiều người dân địa phương mưu sinh từ nghề khai thác nguồn lợi này, tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Về Cà Mau thưởng thức khô cá đù

Cá lù đù (còn gọi là cá đù), đặc sản của ngư dân vùng ven biển Ðông - Tây Cà Mau, là món ăn rất gần gũi với bữa cơm thường nhật của người dân ven biển. Và giờ đây, khô cá đù Cà Mau đã trở thành món đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ.

Ðặc sản kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Có xuất xứ từ huyện Hương Sơn, kẹo cu đơ là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện có hàng nghìn cơ sở lớn nhỏ trong tỉnh được lập ra để sản xuất và bán thức quà này.

Cá kho làng Vũ Ðại

Làng Vũ Ðại là tên gọi trong tác phẩm của Nhà văn Nam Cao, nguyên mẫu là làng Ðại Hoàng, nay là thôn Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Ðịnh. Nơi đây nổi tiếng với món cá kho trong niêu đất.

Thực phẩm chay vào mùa cao điểm

Tháng Giêng là thời điểm nhu cầu sử dụng các thực phẩm chay tăng mạnh. Ðể cung ứng cho thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, hàng quán tăng số lượng hàng để phục vụ thực khách. Ngoài những món thông dụng như đậu hũ, rau củ quả... nhiều nơi chế biến sẵn món chay các loại để khách hàng có thể mua về dùng liền, rất tiện lợi.

Giữ trọn nếp xưa

Hưởng ứng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Khái, huyện Phú Tân đã tổ chức ngày hội bánh dân gian với chủ đề “Món ngon Nam Bộ”, để chị em họp mặt và giao lưu với nhau.