(CMO) “Con hãy đi đi, nước mất mà không đi tìm, mà tìm cha làm gì? Sự nghiệp cứu dân, cứu nước là trông chờ ở các con. Con hãy đi đi, hãy tìm chân lý dưới chân mình”. Ðó là lời dặn dò nghẹn ngào của cụ Nguyễn Sinh Sắc với con trai Nguyễn Tất Thành của mình. Trong lời dặn ấy là cả một niềm tin to lớn, một hy vọng mãnh liệt thôi thúc người con quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, vào ngày 5/6/1911.
Suốt chặng đường bôn ba đầy gian khổ nhưng không làm Bác chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc tình yêu nước nồng nàn với quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân. Những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và thực tiễn phong trào công nhân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
Tranh: Minh Tấn |
Mỗi khi nhắc nhớ lại cuộc hành trình ấy của Bác, chúng ta phải nhớ đến một sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Bác, là dấu mốc vàng mở ra tiền đồ mới cho dân tộc Việt Nam, đó là khi Bác đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin (thường được gọi tắt là Luận cương của Lênin) được đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Ðảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17/7/1920 do những người bạn Pháp trao cho Bác. Những tưởng đây là sự ngẫu nhiên, nhưng thật ra đó là lẽ tất yếu lịch sử.
Bác đã đi, đi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi, đi qua những miền đất tự do, những trời nô lệ, những con đường cách mạng. Trên hành trình gian nan vất vả ấy, Bác đã đến được với chủ nghĩa Lênin. Giờ phút Bác tiếp nhận “Luận cương của Lênin” là giờ phút mang tính thời đại và vô cùng trọng đại:
“Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”.
Hình của Ðảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
(Trích trong “Người đi tìm hình của nước” - Chế Lan Viên)
Ngay cái tiêu đề bài viết có liên quan đến vấn đề thuộc địa - một vấn đề mà Bác đang theo đuổi tìm kiếm, nên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý đặc biệt của Bác. Lúc đầu, Bác không dễ đọc văn kiện trên báo tiếng Pháp, càng khó thấu hiểu tư tưởng mới của người sáng lập Quốc tế cộng sản, Bác thấy “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính”. Và sau này khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Bác nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Khi tìm gặp được chân lý, ánh sáng soi đường “Luận cương của Lênin”, dường như những khát khao, hy vọng dồn nén trong suốt chặng đường bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục và nhiều nước trên thế giới trong Bác được giải toả.
“Luận cương của Lênin” giúp Bác tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Bác chỉ rõ kẻ thù của cách mạng Việt Nam đó là “thực dân Pháp và bọn phong kiến”. Bác thấy động lực to lớn và nòng cốt của cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân và nông dân. Hơn nữa, Bác khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản...". Bác “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” - Ðó là cơ sở tư tưởng để Bác vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác đã định vị đúng những giá trị tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã được lịch sử dân tộc Việt Nam kiểm chứng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Những bài học, những điều Bác đã làm trong xuyên suốt quá trình tìm đường cứu nước là sự chân thành bình dị, tự nhiên, trong vắt như suối tận nguồn của một tâm hồn đại Trí, đại Nhân, đại Dũng. Thời gian qua đi, Nhân dân Việt Nam vẫn luôn khắc ghi, tiếp bước và vận dụng sáng tạo “Luận cương của Lênin” mà Bác đã đưa về trên con đường sự nghiệp cách mạng và đã làm nên những thay đổi to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ chúng ta hôm nay, ngày mai chắc hẳn sẽ không thể hiểu hết những chân lý ấy và tìm ra chân lý mới như Bác đã tìm ra khi đọc “Luận cương của Lênin”, tạo ra dấu mốc vàng cho dân tộc Việt Nam. Nhưng có một điều mà chúng ta phải làm được, đó là tiếp tục vận dụng và biến những chân lý đó thành hiện thực cho cuộc sống hôm nay và mai sau như lời Bác đã từng căn dặn: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và Nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới”. Và chắc chắn rằng, khát vọng yêu thương và cống hiến sẽ mãi được ấp ủ, nung nấu trong trái tim của mỗi công dân Việt Nam nói chung và công dân tỉnh Cà Mau nói riêng. Ðó là chân lý, là lẽ sống mà chúng ta hướng tới, và sẽ bừng lên khi quê hương, Tổ quốc cần./.
(*) Câu thơ trong bài "Người đi tìm hình của nước" của Nhà thơ Chế Lan Viên.
Trịnh Diễm Xuyên