ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 09:49:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lời hứa của Út Chung

Báo Cà Mau Trong một lần đám giỗ của gia đình, cũng lâu lắm rồi, không nhớ chính xác năm nào, có đông họ hàng đến cúng giỗ, cả những người bà con xa lắc xa lơ,Út Chung mặt đỏ rượu, đi đã bỏ "giò lái", tuyên bố với sắp nhỏ con cháu rằng: “đứa nào học được đại học mà gia đình khó khăn, cô bao hết!”.

Sắp nhỏ tưởng đâu Út Chung xỉn rượu nói chơi, quên đi, ai dè Út Chung mần thiệt. Hơn 10 năm nay, hết sức khiêm nhường, không mấy người biết chuyện Út Chung làm, cô đã giúp hàng chục em, cháu họ hàng học xong đại học, có việc làm ổn định.

Lo cho nhiều người học đại học như vậy, người ta nói Út Chung chắc giàu có lắm, bởi cô có cái biệt thự như lâu đài, bên bờ kinh Ba Xệ. Nhưng kỳ thực không phải vậy và cũng không ai có thể dè rằng, thời son trẻ Út Chung vất vả, nghèo không thể nào tưởng tượng nổi. 

Cô Út Chung hạnh phúc bên cháu nội.

Vào đầu những năm của thập niên 1960, ở ấp Hoà Trung, xã Hoà Thành, thị xã Cà Mau, có gia đình ông nông dân mần ruộng thì dở, hổng đủ ăn, nhưng sanh con thì lại giỏi quá trời. Ông làm sao không biết, cứ đều đều sanh con năm một, năm hai và có tất cả mười lăm người con.

Nhà nghèo, đông con như vậy, nên cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn. Mấy người con của ông lớn lớn một chút là phải đi làm mướn và không có người nào có điều kiện học qua hết được tiểu học trường làng. Duy nhất có cô con gái út của ông là học tới được lớp 9, cô chính là Út Chung.

Thiệt ra, Út Chung cũng không ngoại lệ, cô cũng phải cùng với các anh chị của mình đi làm đất mướn, cấy mướn, gặt lúa mướn phụ kiếm sống với gia đình. Chỉ có điều, khác với các anh chị của mình, Út Chung không chịu buông luôn chuyện học. Không có tiền đóng tiền trường, mua tập vở đi học, Út Chung tranh thủ mần mướn vặt thêm ở xóm, chài tép dưới sông, giăng lưới trên ruộng. Cô mang cá, tép lại mấy tiệm tạp hoá ở trong quê bán rẻ lại, kiếm chút đỉnh tiền đóng tiền trường và đổi tập vở, giấy, viết đi học.

Những lúc phải theo anh chị đi làm mướn suốt ngày, không đến trường được, Út Chung mượn lại tập vở của bạn học chép lại bài ở lớp rồi mang về nhà học. Có hôm, Út Chung bỏ tập vở trong giỏ đệm xách cơm đi mần mướn bên mình, cô tranh thủ những lúc nghỉ trưa, ngồi học bài mình ên bên ruộng, mấy anh chị nhìn cô mà không cầm được nước mắt.

Thấy cô con gái út ham học như vậy, ông già chỉ còn biết lắc đầu cười trừ, không dám có ý kiến gì, cứ để mặc cô học được gì thì học. Nhờ vậy, Út Chung mới học hết được lớp 9 ở trong quê. May mắn cho Út Chung là vào thời điểm đó, ở trong quê có được cái bằng cấp hai là ngon lành lắm rồi. Năm 1981, Út Chung được địa phương nhận vào dạy cấp 1 xã Hoà Tân, mấy anh chị của Út Chung nở mặt nở mày về cô không ít.

Út Chung dạy học ở xã Hoà Tân 3 năm, với mong muốn được học hết lớp 12, mà ở trong xã không có cách nào học được. Do vậy, cuối năm 1984, Út Chung đành chia tay trường xã, cô đi học y tá và tìm được việc làm ở Bệnh viện Minh Hải để có điều kiện đi học bổ túc văn hoá đêm và học được hết lớp 12. Út Chung làm ở Bệnh viện Minh Hải 4 năm, ở trong khu tập thể của bệnh viện, cô quen với anh y sĩ làm ở Trạm Y tế xã Hoà Tân và kết hôn với anh.

Anh y sĩ làm ở Trạm Y tế xã Hoà Tân cũng nghèo như xơ mướp. Hai người làm đám xong, anh dọn về ở nhờ chỗ vợ trong khu tập thể ọp ẹp của bệnh viện. Cuối năm 1989, anh y sĩ được địa phương cho đi học bác sĩ, Út Chung được bệnh viện cho đi học y sĩ, vợ chồng rối cả lên, cả hai vui mà run như cua nướng trên bếp vậy. Bình thường, lương của vợ chồng đã sống chật vật rồi, giờ phải lo cùng lúc hai người đi học, còn đứa con nhỏ nữa, làm sao đây?

Trắng đêm suy nghĩ, vợ chồng quyết định hy sinh một người, anh y sĩ đi học bác sĩ, Út Chung ở lại nuôi con nhỏ và nuôi chồng đi học. Nhưng với đồng lương y tá thời tem phiếu của cô, Út Chung không có cách nào lo được cho con và chồng đi học. Út Chung đành một lần nữa bấm bụng từ giã công việc đi làm cho Nhà nước, dù cô quý lắm và chỉ mong muốn được làm lâu dài.

Cô mang đứa con nhỏ về ấp Gành Hào II, xã Hoà Tân, mượn miếng đất nhỏ của người bạn cất cái quán cóc bên bờ kinh Ba Xệ. Cái quán cóc tuy nhỏ, liêu xiêu nhưng cạnh bên cái nhà máy chà lúa của ông Út Nhà Máy, Út Chung tin có thể lo được cho chồng và con. Ðiều cô tin là đúng.

Xung quanh nhà máy chà lúa có tới mấy cái quán cóc và tiệm tạp hoá chứ đâu phải chỉ có cái quán cóc của Út Chung, nhưng không hiểu sao quán cóc của Út Chung đắt khách quá chừng. Mới đầu, Út Chung chỉ bán đá bào, si rô, sinh tố, kem chuối, rồi thêm mì gói, cà phê, bánh pía, bánh in, tạp hoá.

Thấy trong quê còn nhiều thiếu thốn so với ngoài thị xã, Út Chung dành dụm mang về được bàn banh bàn, bàn bida, quán cóc của cô từ đó lại càng đông khách hơn. Ấn tượng nhất là vào thời điểm thị xã vừa có tivi màu và đầu máy xem băng video, "hot nhất" lúc bấy giờ, Út Chung đã mau chóng là người đầu tiên mang tivi màu và đầu máy xem băng video về để chiếu cho bà con xem. Có ai ngờ rằng một ngày ở trong quê, Út Chung bán tới ba, bốn cây nước đá, dân xóm kinh Ba Xệ phải phục cô quá chừng.

Dân xóm kinh Ba Xệ còn không hiểu sao, Út Chung nhỏ người, có mạnh mẽ gì đâu, cô lại chịu cực giỏi quá, buông cái này bắt cái kia, mần như "điên" và "cày như trâu" suốt ngày. Cũng chính nhờ vậy, sau hơn 4 năm nuôi chồng đi học bác sĩ, Út Chung không chỉ lo tròn được cho chồng, cho con, cô còn mua luôn được 3 công đất của người bạn cho mượn bên bờ kinh Ba Xệ và có kinh tế khá vững.

Nhưng đây chưa phải là khúc vui nhất của Út Chung. Người ta nói đồng vợ đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn, còn ở gia đình Út Chung, đồng vợ đồng chồng lo làm ăn hỏi sao không giàu được. Anh bác sĩ sau khi ra trường, tranh thủ mở ngay phòng mạch ở kinh Ba Xệ, cạnh bên cái quán cóc của Út Chung. Ở trong quê lúc bấy giờ, nguyên xã kiếm ông bác sĩ đỏ con mắt, chưa chắc gì đã có, kinh Ba Xệ lại có ông bác sĩ như vậy hỏi sao không quý cho được. Phòng mạch của anh mau chóng đắt như tôm tươi. Vậy là cùng với cái quán cóc và cái phòng mạch, Út Chung giàu lên từ dạo ấy.

Vui nhất là cuối năm 1995, thấy Út Chung làm kinh tế quá giỏi, từng là giáo viên của xã, từng công tác ở Bệnh viện Minh Hải, địa phương mời Út Chung trở lại công việc của Nhà nước, muốn cô tham gia vào công tác phụ nữ của xã và giao cho cô phụ trách mảng truyền thông dân số. Rồi năm 2001, Út Chung còn được địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Tân. Út Chung giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Tân khá lâu, 2 nhiệm kỳ, với nhiều thành tích.

Ðình đám nhất là năm 2015, Út Chung nghiên cứu sao không biết, nghĩ ra sáng kiến xây dựng tuyến phụ nữ "3 sạch", gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Phụ nữ xã Hoà Tân thấy hay hay, mọi người bắt tay vào thực hiện thí điểm thử một tuyến ở ấp Cái Su coi thể nào. Xã không ngờ, 50 hộ dân sống trong tuyến thực hiện thí điểm ở ấp Cái Su khoái quá trời. Mọi người đều nói cái này có lý, không hình thức, tập nếp sống văn minh và làm đẹp cho nông thôn mới.

Sau ấp Cái Su, các ấp còn lại của xã thấy hay cũng làm theo mỗi ấp được một tuyến phụ nữ "3 sạch", có ấp làm được hai tuyến phụ nữ "3 sạch". Rồi không biết sao tới tai thành phố, tỉnh. Thành phố cũng thấy hay, nhân rộng sáng kiến của Út Chung ra 17 đơn vị xã, phường. Tỉnh cũng thấy hay, mang sáng kiến của Út Chung ra Trung ương. Hội LHPN Việt Nam cũng thấy hay, tặng Út Chung bằng khen Phụ nữ xuất sắc nhất nhiệm kỳ 2011-2016.

Út Chung mê nhất chuyện học, cô lấy được bằng Trung cấp Dược và bằng Ðại học Luật từ xa ở cái tuổi gần 55. Cô thấy hạnh phúc vì gia đình xuất thân nghèo khó, nhưng nhà cũng có một người học đại học. Ðó cũng là lý do cô giúp đỡ con cháu mình học đại học.

Út Chung không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là rất bình thường, nhìn cô như bao phụ nữ lam lũ khác ở trong quê. Nhưng ở cô, ta có thể thấy một tấm lòng sống và một nghị lực sống phi thường không vì mình…

Bút Ký của Ái Như - Ngọc Trầm

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.