ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 7-2-25 19:58:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lung Lá - Nhà Thể: Ðịa điểm du lịch về nguồn ở Cà Mau

Báo Cà Mau Cách TP Cà Mau khoảng 13 km về hướng Tây Nam là di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể, thuộc ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Nơi đây một thời được mệnh danh là “Căn cứ giữa lòng dân”. Du khách có thể đi đường sông theo kinh Rạch Rập rẽ phải vào kinh Lung Lá, hoặc đi đường bộ theo Quốc lộ 1 đến chợ Nhà Phấn rồi theo hương lộ về di tích.

Trong các loại hình du lịch được ưa thích hiện nay, du lịch về nguồn mang nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ðây là loại hình du lịch tiềm năng đã được nhiều địa phương quan tâm khai thác, phát triển. Tham gia những chuyến du lịch về nguồn, du khách không những được tham quan, khám phá các di tích lịch sử, di sản văn hoá, mà còn được tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, tìm hiểu những giá trị văn hoá - nhân văn của các thế hệ cha ông. Du lịch về nguồn có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết, để càng thêm tự hào về quê hương, đất nước.

Cách TP Cà Mau khoảng 13 km về hướng Tây Nam là di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá  - Nhà Thể, thuộc ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Nơi đây một thời được mệnh danh là “Căn cứ giữa lòng dân”. Du khách có thể đi đường sông theo kinh Rạch Rập rẽ phải vào kinh Lung Lá, hoặc đi đường bộ theo Quốc lộ 1 đến chợ Nhà Phấn rồi theo hương lộ về di tích.

Phục dựng ngôi nhà đồng chí Trần Văn Thời bên trong khuôn viên di tích, người dân thường xuyên đến thắp hương tưởng niệm.

Lung Lá - Nhà Thể là nơi Tỉnh uỷ lâm thời Bạc Liêu (bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay) được thành lập,  vào năm 1938. Nơi đây từ năm 1938 đến 1940 là cơ quan thường trực của Tỉnh uỷ lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính nơi đây, đồng chí Trần Văn Thời đã sử dụng ngôi nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp và tổ chức kết nạp nhiều đảng viên ở các chi bộ, nhiều đồng chí ở Xứ uỷ Nam Kỳ, Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang đã đến đây hoạt động và chỉ đạo các phong trào cách mạng tại địa phương.

Thời kháng chiến chống Pháp, khu vực này có địa hình hiểm trở, phía trên là rừng cây gỗ tạp và lá dừa nước bao phủ, phía dưới có nhiều kinh rạch nhỏ thông ra sông lớn, rất thuận lợi cho hoạt động bí mật. Quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết của Nhân dân địa phương một lòng bảo vệ Ðảng, bảo vệ cách mạng.

Kể từ khi chi bộ Ðảng đầu tiên ra đời vào tháng 1/1931, đến năm 1938 các cơ sở Ðảng đã được xây dựng và phát triển khắp nơi trong tỉnh. Ðể đáp ứng yêu cầu hoạt động, Xứ uỷ Nam Kỳ và Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang đã quyết định tổ chức hội nghị để thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu). Ngày 25/10/1938, đại biểu ở các quận Cà Mau, Giá Rai, Vĩnh Châu đã được triệu tập về họp tại Lung Lá - Nhà Thể. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Bạc Liêu, gồm 7 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết, do đồng chí Bùi Thị Trường làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Ðại làm Phó Bí thư.

Ngày 2/2/1939, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ I được tổ chức, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Ðảng bộ sau hơn 8 năm hoạt động. Ðến tháng 5/1940, Xứ uỷ Nam Kỳ triệu tập hội nghị để truyền đạt chủ trương, đường lối của Ðảng và chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Trần Văn Thời được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ và được Xứ uỷ Nam Kỳ trực tiếp chỉ định vào Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang, đồng chí được phân công phụ trách tổ chức khởi nghĩa vũ trang ở địa phương.

Cũng tại Lung Lá - Nhà Thể, vào ngày 26/11/1940, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ uỷ, đánh giá tình hình địch, công tác chuẩn bị vũ trang của ta và kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển là người trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Hòn Khoai vào đêm 13/12/1940. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã giành thắng lợi, trở thành điểm son trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ngày 13/12/1940 đã được chọn là ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.

Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể mặc dù ở cận kề nanh vuốt của kẻ thù, bọn chúng luôn tìm mọi cách để đàn áp, dập tắt phong trào cách mạng, nhưng với sự che chở, đùm bọc của Nhân dân, như những “thành đồng, luỹ thép”, bảo vệ an toàn, bí mật cho những cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng trong suốt thời gian hoạt động. Nơi đây đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Cà Mau.

Hiện nay, Di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể đã được trùng tu, tôn tạo và phục dựng nhiều hạng mục: bia lưu niệm; nhà của đồng chí Trần Văn Thời; nhà truyền thống; nơi hội họp bí mật; nơi trưng bày dụng cụ sinh hoạt; hệ thống cây xanh… trở thành địa điểm tham quan du lịch về nguồn, một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương.

Nơi đây, vào ngày 13/12 hằng năm thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của người dân địa phương; vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn như: 26/3, 19/5, 22/12… lực lượng đoàn viên, thanh niên thường tổ chức sinh hoạt, vui chơi, cắm trại tại di tích. Ngoài ra, vào tháng 12 âm lịch hằng năm, nhiều đoàn cán bộ lão thành, các cơ quan, đoàn thể tổ chức về nguồn, tham quan di tích.

Ngày 11/6/2007, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 373/QÐ-UBND công nhận Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Du lịch về nguồn tại Lung Lá - Nhà Thể du khách còn có thể tham quan những mô hình vuông tôm của người dân địa phương, đi dọc theo những kinh rạch ngoằn ngoèo, uốn lượn đặc trưng của vùng sông nước, để cảm nhận giây phút thư giãn ở một miền quê yên ả, thanh bình./.

Bài và ảnh: Nguyễn Phú Hưng

Liên kết hữu ích

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.