(CMO) Vỏ lãi, một loại thuyền có hình dáng lạ mắt, tốc độ di chuyển nhanh, chỉ thấy phổ biến trên vùng sông nước Tây Nam Bộ, đặc biệt có nhiều ở các tỉnh Nam sông Hậu. Không chỉ du khách nước ngoài mà rất nhiều bà con các tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng rất thích thú khi lần đầu được ngồi trên những chiếc vỏ lãi lướt trên sông nước và cả trên mặt bãi phù sa.
Chưa tìm được con số thống kê toàn vùng, nhưng chỉ riêng tỉnh Cà Mau, chiều dài các con sông tự nhiên đã hơn 8.000 km. Ở đây, sông rạch là yếu tố đầu tiên hình thành nên làng xóm. Mọi ngôi nhà đều hướng ra phía sông. Từ nửa đầu thế kỷ 20 về trước, sự di chuyển của con người trên vùng đất này, chủ yếu dựa vào đường thuỷ.
Vỏ lãi lướt sóng trên sông. Ảnh: LÊ VŨ HOÀNG |
Sinh sống ở đây, gia đình nào cũng phải có ít nhất một phương tiện đi lại trên sông nước. Chiếc xuồng, chiếc ghe là cầu nối quan trọng nhất của từng nhà với xã hội bên ngoài. Thế giới xuồng ghe nơi này vì thế cũng hết sức đa dạng, có hàng chục loại khác nhau, từ chiếc xuồng ba lá nhỏ bé chỉ chở được một, hai người, tới chiếc ghe chài có sức chở đến năm, bảy chục tấn hàng hoá.
Từ đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 trở về trước, khi chiếc máy thuỷ động cơ du nhập vào nước ta còn hạn chế, việc đi lại trên vùng sông nước này chủ yếu bằng sức chèo chống của con người. Để tăng nhanh tốc độ và giảm thiểu sức người, cư dân ở đây luôn biết tận dụng hiệu quả sức đẩy của gió và dòng chảy của thuỷ triều.
Do đặc điểm sông nước nên nghề đóng ghe xuồng rất phổ biến trong vùng. Ở mọi địa điểm dân cư, nơi nào cũng có những trại xuồng, trại ghe. Nghề đóng xuồng ghe là nghề truyền đời của nhiều gia đình. Có những địa phương nổi danh trên toàn vùng vì nghề đóng ghe xuồng như làng ghe Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang chẳng hạn.
Ông Tiêu Văn Sum lái vỏ trên sông Cái Lớn, Kiên Giang. |
Ngày trước, toàn bộ ghe xuồng đều được chế tác từ gỗ. Sao và dênh dênh là 2 loại gỗ thường được dùng để đóng xuồng ghe, vì chúng có độ bền tốt trong môi trường nước. Tuy nhiên, những loại gỗ này không sẵn có mà phải du nhập từ miền Đông Nam Bộ hay từ Campuchia xuôi bè theo dòng Mê Kông.
Chiếc vỏ lãi ra đời vào những năm 1960. Ban đầu nó có tên là chiếc tắc ráng, vì được chế ra tại kinh Tắc Ráng, gần chợ Rạch Giá ngày nay. Chính ông Tiêu Văn Sum là một trong những người đã tham gia chế tác ra loại phương tiện giao thông độc đáo này. Sự ra đời của chiếc vỏ lãi chịu tác động trực tiếp từ cuộc du nhập khá ồ ạt của các loại máy thuỷ động cơ vào miền Nam thời đó.
Khi máy thuỷ động cơ thay thế cho dầm chèo, việc đi lại trở nên nhanh chóng, người ta lại nhận thấy xuồng ghe kiểu cũ trở nên kềnh càng, cản nước, khiến các máy đuôi tôm khó phát huy hết tốc độ. Thế là chiếc vỏ lãi ra đời. So sánh kỹ ta thấy chiếc vỏ lãi ngày nay dài hơn và bề ngang có hẹp hơn, cỡ một mười, một bảy so với chiếc tắc ráng nguyên thuỷ. Tuy nhiên, để đẩy cho tốc độ của chiếc vỏ chạy nhanh đến gần 50 km/giờ như ngày nay, những người thợ như anh Lâm Thanh Sơn đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến để “nâng cấp” cho chiếc máy đuôi tôm ngoại nhập.
Trong lúc gỗ rừng ngày một khan hiếm, sự du nhập của công nghệ chế tạo xuồng ghe bằng vật liệu composite vào nước ta vài chục năm gần đây đã góp phần rất đáng kể tạo bước đột phá trong phát triển phương tiện giao thông thuỷ. Nhẹ hơn và bền hơn gỗ, chất liệu composite cũng làm cho tốc độ của chiếc vỏ lãi trở nên nhanh hơn đáng kể.
Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, do không mở cửa với thế giới bên ngoài, nguồn nhập khẩu máy thuỷ động cơ không còn, cộng với tình trạng khan hiếm xăng dầu nên giao thông đường thuỷ có thời kỳ quay trở lại với các phương tiện thô sơ. Chỉ sau khi có chính sách mở cửa, nguồn máy ngoại nhập với nhiều mẫu mã đa dạng, tiện dụng, giá cả phải chăng, được thoải mái nhập khẩu vào nước ta, bán tràn ngập trên thị trường cùng với sự xuất hiện của chiếc vỏ composite, đã làm cho phương thức đi lại trên sông nước bằng dầm, chèo gần như chấm dứt hẳn. Trên miền sông nước này, không chỉ nam giới mà cả phụ nữ và trẻ em cũng thành thục điều khiển xuồng ghe đi lại bằng máy đuôi tôm.
Giờ đây, những người làm nghề khai thác sò huyết hay cào nghêu, mò chem chép không còn phải trầm mình trong nước mặn hay dang lưng phơi nắng, đội mưa bì bõm trên bãi lầy tìm bắt từng con mà đã có sự hỗ trợ rất tiện ích của chiếc vỏ lãi; như cách cào nghêu, sò của bà con Đất Mũi, Gò Công, Rạch Chèo (Cà Mau).
Bây giờ thật khó xác định ai là tác giả của những sáng kiến cải tiến cho chiếc máy đuôi tôm ngoại nhập tăng thêm nhiều tính năng ưu trội, thích nghi trong các điều kiện di chuyển khác nhau do yêu cầu hoạt động của con người và thực tế sông nước. Bởi những người thợ sửa máy bình thường khắp vùng như anh Trương Cam Bốt ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi đều có tham gia ít nhiều.
Để động cơ máy đạt yêu cầu di chuyển tốt nhất cho hoạt động khác nhau của từng chiếc vỏ lãi, đã có rất nhiều cải tiến đáng ghi nhận như đôn dênh, truyền nhong tăng lực, kéo dài hay rút ngắn láp máy; đặc biệt là việc gò giũa, thay đổi hình thù của từng chiếc chong chóng quạt nước, còn gọi là chân vịt, để tạo ra lực đẩy như ý muốn.
Kết quả ngoạn mục từ kỹ thuật gọt giũa, gò uốn những chiếc chân vịt của máy đuôi tôm là hình ảnh lướt đi như bay của những chiếc vỏ lãi trên bề mặt những bãi bùn cạn nước. Hình ảnh này giờ đây không còn xa lạ với cư dân trên khắp các vùng bãi bồi rộng lớn ven biển của ĐBSCL. Bởi vì ở mỗi làng xóm, mỗi dòng kênh, mỗi con rạch đều có những con người sáng tạo như anh thợ Trương Cam Bốt. Họ làm việc không có công thức chung chỉ dẫn mà chỉ dựa trên sự mẫn cảm của bản năng phản ứng sinh tồn.
Vỏ lãi dùng để cào chem chép trên bãi biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. |
Nói đến các khía cạnh trong việc sáng tạo ra chiếc vỏ lãi của dân miền Tây, cũng cần phải kể đến câu chuyện sau đây. Vào khoảng cuối những năm 1980, một nông dân là anh Hai Nha, ở ấp Rạch Nhum, xã Khánh An, huyện U Minh, đã có một sáng kiến táo bạo: đưa chiếc máy xe hơi xuống làm động cơ để chạy vỏ lãi. Sau khi chiếc máy xe hơi được đưa xuống sông làm động cơ thuỷ, tốc độ di chuyển trên sông nước của người miền Tây bất ngờ tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Và, chiếc vỏ lãi từ chỗ chỉ được xem như một phương tiện giao thông cá nhân, người ta nhân lớn nó lên thêm vài lần và gắn những chiếc máy xe có công suất lớn, thành ra một thứ tàu đò để chuyên chở hành khách, hàng hoá.
Ngày nay, sự hiện diện của chiếc vỏ lãi trong đời sống sông nước miền Tây đã trở thành một nét văn hoá độc đáo mang tính chất đặc thù của vùng đất.
Cùng với các cuộc đua ghe Ngo mang đậm dấu ấn văn hoá cộng cư đa sắc tộc của miền sông nước, giờ đây những cuộc đua vỏ lãi cũng góp thêm ngày hội tưng bừng ở nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh Nam sông Hậu. Quán quân trong các cuộc đua đã trở thành những ông “vua tốc độ” nổi danh như cặp bài trùng Lâm Hoàng Sơn và Võ Hậu Chính ở ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Hai anh nông dân chánh hiệu này đã rinh hàng chục giải thưởng cao nhất của các cuộc đua vỏ lãi cấp huyện, cấp tỉnh và cả khu vực đồng bằng trong gần chục năm qua.
Và, với du khách lần đầu đến đất miền Tây được chứng kiến cảnh một đám cưới với cả đoàn vỏ lãi đi đón dâu trên sông, hay hình ảnh những chiếc vỏ lãi len lỏi như con thoi trong các phiên chợ nổi cũng sẽ là những ấn tượng khó phai trong ký ức./.
Vũ Trọng Đắc