Tàu cao tốc đưa chúng tôi trở lại ngã ba Tam Giang mênh mông sóng nước. Ngã ba yên ả thanh bình thắm sắc phù sa và ắp đầy cá tôm như vốn có của nó tự ngàn xưa. Hai bên bờ, những thảm đước biếc xanh trải dài như vô tận. Trên bầu trời những đám mây ngũ sắc, những cánh cò trắng muốt bồng bềnh lượn chao như thêu như dệt lên vòm trời hình ảnh quê hương thiên thuỷ hữu tình.
Tàu cao tốc đưa chúng tôi trở lại ngã ba Tam Giang mênh mông sóng nước. Ngã ba yên ả thanh bình thắm sắc phù sa và ắp đầy cá tôm như vốn có của nó tự ngàn xưa. Hai bên bờ, những thảm đước biếc xanh trải dài như vô tận. Trên bầu trời những đám mây ngũ sắc, những cánh cò trắng muốt bồng bềnh lượn chao như thêu như dệt lên vòm trời hình ảnh quê hương thiên thuỷ hữu tình.
Trong thiên cảnh sống động ấy, gợi mở cho chúng tôi bao suy nghĩ về một tiềm năng tốt đẹp của dòng sông, rừng đước và con người Tam Giang hôm nay và mai sau. Bỗng ông Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, bùi ngùi nói: “Các cậu biết không! Dòng Tam Giang có được cảnh thanh bình như hôm nay là nhờ biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ ta đổ xuống. Và nhờ công sức của các má, các chế, các chú, bác… ở đây đùm bọc, chở che…”. Rồi ông nhấn mạnh: “Phải nói cho ngay, nếu không có bà con ở vùng Tam Giang, Tân Ân, Ngọc Hiển giúp đỡ về mọi mặt thì Đoàn 962 không thể tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn cũng không thể lập được những chiến công to. Nhờ dân mà Đoàn 962 đã có tất cả…”. Ông nói thật giản dị mà chí lý chí tình biết bao!
![]() |
Ký hoạ từ chân dung má Năm - Phan Thị Thu. |
Tàu giảm tốc rồi từ từ rẽ vào kinh Mười Bảy. Theo ông, chúng tôi lên bờ vào thăm má Năm Thu (Phan Thị Thu) ở ngay đầu kinh. Như gặp người thân sau bao ngày xa cách. Tay bắt mặt mừng. Niềm vui như hoa trên gương mặt mỗi người. Ông Bảy siết chặt tay má Năm, vui vẻ: “Chị Năm à! Tui dẫn anh em đến ăn nhờ ở đậu nhà chị mấy bữa có được không?”. Má Năm cười. Ánh mắt rạng ngời. Những nếp nhăn trên gương mặt giãn ra mừng rỡ. Má vỗ vỗ vai ông Bảy, bảo: “Tụi bây nghĩ coi! Ngày trước còn giặc. Trong nhà, lu không còn giọt nước, hũ chẳng hột gạo, vậy mà còn nuôi chứa tụi bây hết ngày này qua ngày khác. Huống hồ ngày nay! Tụi bây muốn ở… cả năm cũng chẳng ăn nhằm gì…”. Mọi người vui vẻ. Tiếng cười hoà quyện sự thân thiết, gần gũi và ấm áp tình nghĩa thuỷ chung.
Theo thời gian, niềm vui gặp mặt rồi cũng lắng lại, nhường chỗ cho những hồi ức về một thời đánh giặc kiên trung, gian khổ chẳng thể nào quên. Khi chưa giáp mặt, ý nghĩ về má trong đầu tôi chỉ vỏn vẹn: Má hiền từ phúc hậu, tròn việc nước đảm việc nhà, rất mực thương yêu chồng con, chòm xóm… Má cũng như bao bà má Năm Căn khác mà thôi! Nay, mỗi khi đối diện với má, những suy tưởng của tôi thật phiến diện và mơ hồ làm sao! Phiến diện đến nỗi, bất kể ai trên đất nước này cũng có thể nghĩ và nói được như thế về một bà má miệt Cà Mau. Ngồi bên má, tôi không chỉ cảm nhận và xúc động bằng trực giác của mình mà má còn truyền sang tôi một tình thương yêu chân thành, bao dung và ấm áp đến khôn cùng.
Kêu con cháu pha trà và mang ra bình nước lạnh, má bảo: “Tụi bây đứa nào ưng trà dùng trà, ưng nước lạnh thì dùng nước. Cứ tự nhiên!”. Như nhớ ra điều gì, má lom khom xuống nhà dưới. Tôi vội nói, má kiếm gì sao không kêu con cháu? Má ngoảnh lại cười: “Má có món “đặc sản chiêu đãi”, thử coi tụi bây còn nhớ không?”. Một lúc sau, má đặt trước mặt chúng tôi hai dĩa đầy vun. Thoạt nhìn, tôi ngờ ngợ, nó giống như hai dĩa cốm giẹp của đồng bào Khmer, một dĩa có màu nâu sậm, dĩa kia có màu vàng nhạt. Tuy tôi sống và chiến đấu ở Nam Bộ gần mười năm, nhưng thiệt tình tôi chưa biết nó là loại “thực phẩm” gì. Má bảo tụi bây ăn rồi khắc biết! Tôi vốc mấy “hột” lên ăn. Đầu lưỡi có cảm giác lạ: mềm, dẻo, lạt thếch, khi nhai kỹ thấy vị bùi bùi.
Tôi lại ăn sang dĩa “cốm” có màu vàng, cũng mềm, dẻo nhưng rất ngọt, ăn ngon hơn hẳn dĩa có màu nâu. Chợt ông Bảy nhỏ nhẹ: “Đây là một loại “lương thực” độc nhất vô nhị của các bà má Năm Căn. Một “phát minh” độc đáo, giúp bộ đội ta vượt qua thời kỳ thiếu đói. Còn việc chế biến ra sao, chị Năm kể cho mấy cậu biết”. Má bỗng đăm chiêu, lặng lẽ. Ánh mắt soi vào hai dĩa “cốm”, như kiếm như tìm trong ký ức về một thời gian khổ xa xôi. Giọng má trầm ấm: “Ngày ấy giặc vây ráp, phong toả quá trời! Bộ đội không có một hột gạo mà ăn. Chẳng lẽ chịu đói sao? Nghĩ đêm, nghĩ ngày, rồi cũng có người liên tưởng: Trái mắm chim ăn được, khỉ ăn được, cá ăn được… vậy người cũng có thể ăn được! Ngặt nỗi, khi ăn, chát co đầu lưỡi, không tài nào nuốt được. Không lẽ chịu thua! Thế là các má, các chế bàn nhau: phải tìm cách lọc hết chất chát, nhất định sẽ ăn được. Lọc bằng cách nào? Chỉ còn cách đem trái mắm luộc. Luộc lần thứ nhất ăn vẫn thấy chát, lần 3, 4 vẫn còn chát. Luộc đến lần thứ 6, thứ 7 thì hết. Ngào thêm mấy hột muối, ăn thấy bùi. Từ đó “Tổ phụ nữ” bơi ghe vô rừng lấy trái mắm mang về “chế biến” thành một thứ “thực phẩm bất đắc dĩ” cung cấp cho bộ đội và cả gia đình ăn, mong vượt qua những ngày tháng khó khăn thiếu thốn nhất.
Má năm nay tròn 76 tuổi. Nghĩa là vào những năm tháng đạn bom, má trên dưới 40. Cái tuổi đã “chín”, chín từ trong tâm thức chín ra. Gia đình má ở ấp Kinh Mười Bảy, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, Cà Mau. Má có chín người con cả thảy, bốn trai, năm gái, các con các cháu đều đã trưởng thành. Trong đó, Hai Ngôn (Lê Kim Ngôn) nay là Trưởng Phòng Tổ chức Vườn Quốc gia Đất Mũi; Ba Tuấn là Bí thư Huyện uỷ Năm Căn; Tư Sĩ - hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Năm Căn… và má có một người em liệt sĩ. Có thể nói, gia đình má là một gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc được vun đắp từ truyền thống gia tộc đến hiện tại và tương lai.
Sau Mậu Thân - 1968, địch có chiều hướng “lộng hành”, nhằm tiêu diệt lực lượng ta ở vùng Ngọc Hiển, Năm Căn, Đất Mũi… Chúng dùng những thủ đoạn hết sức tàn bạo: thọc sâu vào các con sông dẫn vào các căn cứ của ta. Chúng dùng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, nhằm giành quyền làm chủ trên sông Cửa Lớn.
Để đảm bảo bí mật, an toàn cho đơn vị và bến bãi kho tàng, vũ khí nhận từ Đoàn tàu không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển, Ban Chỉ huy Đoàn 962 quyết định: Không cho địch ngang nhiên lộng hành. Muốn bảo vệ đơn vị, trước hết phải tích cực chủ động đánh địch từ xa. Từ quyết tâm đó, Đoàn đã thành lập Đại đội 169 (C169). C169 là lực lượng tác chiến cơ động vòng ngoài của Trung đoàn, có nhiệm vụ đánh chặn tàu địch không cho chúng thọc sâu vào các tuyến sông vùng căn cứ, nhằm phát hiện và đánh phá các đơn vị của ta và sát hại đồng bào. Đến năm 1973, do yêu cầu và nhiệm vụ, Đoàn lại thành lập thêm C273 chuyên đi “săn” tàu địch.
Phải khẳng định rằng, C169 và C273 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Đánh chìm và phá huỷ hàng trăm tàu chiến các loại của địch, bảo vệ đơn vị, bảo vệ bến bãi an toàn. Có được thành tích ấy nhờ phần lớn vào sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ và nuôi dưỡng của bà con Đất Mũi, trong đó có gia đình má Năm giàu lòng nhân ái.
Ngày ấy, hết địch hoạ đến thiên tai cứ dồn dập đổ xuống đầu người dân. Cơ cực, bần hàn, đau thương không sao kể xiết! Nhà má Năm nghèo lắm, bữa no bữa đói, cá tôm hôm có hôm không. Ngày thì chài lưới kiếm con tôm con cá. Đêm cả nhà tập trung vót đũa bằng rễ đước rồi đem ra chợ bán, đổi lấy giạ gạo, lít muối, mảnh vải… để đắp đổi qua ngày.
Đêm đó, chồng má - ông Lê Văn Cờ họp về, bảo: Nhà mình mai mốt có bộ đội về ở, má nó tính sao? Má lo lắng: “Bộ đội giải phóng về nhà thì mình phải có trách nhiệm giúp họ. Càng vui cửa vui nhà chứ sao! Tui chỉ lo nhà mình, gạo khoai không còn, cá tôm thì hết, nhà cửa chật hẹp… Sợ lo cho các chú ấy không đầy đủ chu đáo, sợ các chú ấy buồn, không ở lại lâu”. Ông Năm trầm ngâm: “Khó thì mình ráng, mình tìm cách tháo gỡ. Tui và sắp nhỏ gắng chài lưới… bắt thêm con cá con tôm. Đêm ráng vót thêm thật nhiều đũa. Ngày bà và con Hai đưa đi chợ bán, đổi gạo đổi muối về lo cho các ảnh". Mắt má ánh lên, nhìn ông, cười: “Ông nghĩ cũng giống tui. Thôi thì cả nhà mình phải ráng. Lo cho các chú ấy cũng là lo cho cách mạng, lo cho chính gia đình mình, có đi đâu mà…”.
Và tối hôm sau má đi họp “Tổ phụ nữ” cũng được phổ biến y chang như vậy! Về nhà má chuẩn bị sẵn chỗ ăn, chỗ nghỉ cho bộ đội hết sức chu đáo và cẩn thận. Má kiểm tra lại mấy cái mùng đôi, chỗ nào lủng, rách, má cùng Hai Ngôn vá lại. Má giặt sạch mấy tấm đắp. Lòng má khấp khởi, mong chờ… như đón người thân sau bao năm gặp lại.
Mấy bữa sau các anh về ở nhà má tám người. Má “phân công” anh ở nhà trên, anh nằm nhà dưới. Riêng má và sắp nhỏ, nằm ở dưới bếp. Má cười bảo: “Nhà cửa chật chội, anh em gắng chịu cực nghen! Còn ăn uống, má nói thiệt, cá tôm, khô nhà không thiếu. Riêng gạo, nước thì hơi khó khăn, có gì ăn nấy, anh em đừng buồn nghe!”. Sáu Lập cầm tay má, xúc động bảo: “Chị Năm lo cho tụi tôi thế này là quý lắm, tốt lắm rồi. Có gì ăn nấy, có gì nằm vậy, tụi tôi chịu khổ, chịu cực quen rồi, chị khỏi phải lo…”.
Đêm đêm khi anh em đã ngủ, má cầm đèn hột vịt đi vén từng mùng, lo anh em ngủ say, đạp bung, muỗi vô cắn…
Ở Tam Giang, ai mà nói “gạo châu, củi quế” thì thật là lạc lõng và xa lạ. Hẳn không phải người vùng này. Má bảo, phải kêu “nước châu, muối quế” mới trúng. Muốn có nước ngọt người ta phải dự trữ nước từ mùa mưa để dùng cho cả năm, trường hợp thiếu nước phải dùng nước mặn chưng cất thành nước ngọt, rất kỳ công. Nên bà con ví nước, muối ở vùng này quý như châu, như quế cũng chẳng ngoa gì!
Vậy mà má lo đủ nước ngọt anh em dùng trong ăn uống và sinh hoạt.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiệm (Thanh Hùng) kể lại: "Ngày đó, anh em mình chiến đấu gian khổ, đi sớm về khuya, cộng với thiếu thốn, ác liệt, một số anh bị bệnh như cơm bữa. Má không quản ngày đêm, sớm tối. Má lo cho anh em từng nồi xông, từng chén cháo, tô canh... Cần thuốc gì, má bơi xuồng đi mua ngay, bất kể nắng mưa, nguy hiểm. Nhờ có má chăm nuôi mà anh em chúng tôi bệnh mau hết, hồi phục sức khoẻ nhanh, tiếp tục đi săn tàu địch. Trường hợp bệnh quá nặng, má mới cho chở về đơn vị… Có nhiều trường hợp bộ đội bị thương cũng đưa về nhà để má và Hai Ngôn sơ cứu xong xuôi, sau đó mới đưa về Trạm Quân y".
Thấy anh em chiến đấu gian khổ, áo quần dơ bẩn, rách rưới, má bảo cứ để đó, má và em Hai giặt giũ và vá cho. Vậy là anh em đưa cho má. Nhà chưa có máy may, vì vậy má và Hai Ngôn phải chong đèn thức đến một, hai giờ khuya không chừng để vá quần áo cho anh em. Hồi ấy, Hai Ngôn khoảng 17 tuổi. Chế nhanh nhẹn, xinh đẹp và có duyên, lại cần mẫn chịu thương chịu khó. Ngoài công việc giúp má đốn củi, nấu cơm..., chế còn đảm nhiệm một nhiệm vụ tế nhị: giặt giũ, khâu vá quần áo giúp các anh. Sáu Lập thường giỡn chơi: Từ mai không thèm nhờ chế Hai giặt nữa. Mặc quần áo chế giặt, đêm không sao ngủ được… Mọi người cười vui. Còn chế Hai, đôi má cứ ửng hồng.
Má nhớ ngày ấy cũng có đứa có tình có ý với con Hai. Đứa nào má cũng thương, cũng chịu. Nhưng ngặt nỗi, tụi bây phải lo đánh giặc triền miên. Cưới vợ, nặng gánh gia đình, làm sao hoàn thành nhiệm vụ? Coi bộ, con Hai ưng đứa nào, má cho ngay! Má cười, má đọc thơ Nguyễn Bính, cũng là thể hiện tấm lòng của má:
“Thương con má chẳng lấy gì
Đã người kháng chiến má thì cho không”./.
Cần Thơ, 5/2007
Phạm Văn Thuý