(CMO) Má Sáu sống một thân một mình trong căn nhà bằng cây lá tạp dưới tán dừa và những cây tràm che phủ tại xóm kinh Ba Xuyên, ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời. Thời kháng chiến chống Pháp, bà con xóm ấp và cán bộ kháng chiến gọi má Sáu bằng chị Sáu, dì Sáu. Thời kỳ bí mật đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà con làng xóm và cán bộ từ xã đến huyện, tỉnh, khu… đều gọi “má Sáu kinh Ba Xuyên”.
Những ngày chiến tranh ác liệt, vùng đất Rạch Bần, kinh Ba Xuyên thành điểm ngắm, thành mục tiêu bình định của quận Sông Đốc. Má Sáu không sợ hãi trước những cuộc càn quét. Trong mưa bom bão đạn, má Sáu vững vàng bám trụ trong căn nhà nhỏ đơn sơ của mình. Nhiều lần ngôi nhà bị bom pháo phá sập, má gom góp cây lá trong vườn và nhờ các con thanh niên trong xóm ấp dựng lại căn nhà trên nền cũ của má. Má trụ lại đây qua các thời kỳ bom đạn ác liệt nhất. Duy có điều, những ngày tháng này má Sáu rất buồn vì vắng bóng đàn con của má là cán bộ, là chiến sĩ, là diễn viên Đoàn Văn công và bà con làng xóm. Nỗi nhớ các con chực chờ trong lòng, nên khi biết cơ quan, đơn vị về đóng quân gần, má Sáu đội mưa, đội nắng bơi xuồng đến thăm.
Tôi và anh Nguyễn Xuân Bắc (Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng của tỉnh) cũng từ giã má Sáu vào những ngày này - ngày má Sáu cùng hai anh em chúng tôi lập bàn thờ và nấu mâm cơm cúng tang lễ Bác Hồ. Tôi, anh Nguyễn Xuân Bắc ôm má Sáu thật chặt, rưng nước mắt từ giã má bước xuống xuồng giữa cơn mưa vào lúc nửa đêm. Khi ấy vừa dứt mấy loạt pháo bầy từ Chi khu Rạch Ráng trút xuống xóm kinh Ba Xuyên, một số người chết và bị thương, một số ngôi nhà, một số khu vườn bị phá huỷ tan nát.
*
Ba má thành chồng vợ trong hoàn cảnh cả hai tha phương cầu thực bằng nghề làm thuê, ở đợ. Không cúi đầu trước nỗi khổ triền miên, ba má dành dụm mấy năm mua được chiếc xuồng cũ, bỏ kiếp ở đợ, làm thuê ở xứ Vĩnh Long, Cần Thơ, lênh đênh trên chiếc xuồng xuôi về xứ ở Cà Mau sống bằng nghề bán hàng bông. Mãi đến đầu năm 1951, dòng nước đưa đẩy ba má trôi về xứ sở Rạch Bần này. Ở đây, ba má được chính quyền địa phương xét cấp 30 công đất làm ruộng. Và cuối năm 1951, ba từ giã má gia nhập bộ đội vệ quốc đoàn…
Chiến đấu chưa tròn 3 năm, má nhận tin buồn: Ba hy sinh trong trận chống càn ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Sau ngày đau buồn này bà con không thấy má Sáu khóc, chiều chiều má ôm đứa con độc nhất của mình ngồi tại ngạch cửa hằng giờ, hết nhìn vào bàn thờ khói hương nghi ngút, lại quay nhìn bầu trời xa xăm: mong ngóng, đợi chờ, hy vọng…
Lần lữa, nỗi đau thương, niềm mong đợi qua đi cùng năm tháng… Má Sáu vững vàng tiếp tục chăm sóc đứa con độc nhất, cặm cụi với mấy liếp dừa, liếp cau và mấy chục công ruộng, tham gia công tác kháng chiến ở xóm ấp. Đến chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm thi hành chính sách tố cộng, diệt cộng, má Sáu âm thầm đào hầm ngoài vườn, trong nhà nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Ở đây, bọn đồn bót dựng lên hệ thống chính quyền, cài mật thám dày đặc nhưng việc nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật của má Sáu và thím Tư Hương an toàn qua thời kỳ cách mạng gặp khó khăn, ác liệt nhất.
Là Phó Bí thư Xã uỷ Phong Lạc, từng được má Sáu nuôi giấu, đùm bọc, chở che trong những năm tháng khó khăn, ác liệt ấy, ông Chín Ráng kể: Có một lần khi mặt trời lặn xuống cánh đồng lúa sau nhà, bóng tối tràn đến, ông bám vào nhà má Sáu. Vừa bước chân vào cửa sau thì tai ông nghe tiếng chân người chạy rần rật ngoài đường… Khi ấy má Sáu xuất hiện trước mặt ông, kéo ông xuống hầm bí mật trong buồng ngủ của má. Ông vừa xuống hầm thì một toán giặc tràn vào nhà từ cửa trước và cửa sau. Tên chỉ huy nạt toáng lên: “Nó đâu? Đ.M bà già giấu tên Việt cộng đâu? Bà không khai tôi bắn bà?". Bình tĩnh một cách lạnh lùng, má Sáu cất tiếng cười và tiếng nói rang rảng: “Mấy ông nói sao lạ lùng vậy. Nhà tôi trống huơ trống hoác vậy Việt cộng trốn ở đâu? Mấy ông tìm được Việt cộng ở đâu tôi chịu tử hình”. Cả đám lính chạy quanh nhà, vào nhà trên, vào chái bếp, vào buồng, lùng sục không thấy “tên Việt cộng” nào, cả đám bẽn lẽn rút êm.
Ngồi dưới hầm nghe tiếng chân giặc và tiếng má Sáu đối đáp với bọn chúng, khiến ông Chín Ráng thắt ruột, thắt tim. Khi căn nhà nhỏ bé của má Sáu không còn âm thanh hỗn tạp, ông Chín Ráng thở một hơi dài, nhẹ nhõm… Cùng lúc đó má Sáu xuất hiện. Má ra ám hiệu cho ông biết bọn giặc rút đi nhưng ông không được rời hầm, cảnh giác bọn giặc kích lại… Mãi đến lúc mặt trời lên đỉnh đầu, đích thân má Sáu dẫn ông đưa ra tận hầm bí mật ngoài vườn, giữa đám tre gai và cây cối rậm rạp. Và, má bảo, khi nào có lệnh má ông mới được rời khỏi đây.
Khi tên chủ ấp vào kêu má Sáu đưa Hồng (con trai một) ra xã đăng ký quân dịch, má biết chuyện chẳng lành nên nhắn ông Chín Ráng đến ngay và cho Hồng theo ông. Ông Chín Ráng đưa Hồng vào đơn vị giáo phái Ngô Văn Sở. Hồng trở thành chiến sĩ dũng cảm diệt ác, phá kềm, giải phóng nông thôn trong cuộc Đồng khởi 1960.
Sau Đồng khởi, Hồng được chuyển lên đơn vị chủ lực miền. Hồng chiến đấu anh dũng và hy sinh trên địa bàn Bắc sông Hậu. Má Sáu nghe tin nhưng chưa biết đích thực con mình hy sinh tại đâu và nằm ở nghĩa trang nào. Người con độc nhất hy sinh, má Sáu nén nỗi đau và niềm tiếc thương như khi nhận tin người chồng ngã xuống ngoài chiến trường. Má nói: “Sự mất mát, đau thương này đâu phải chỉ có gia đình tôi…”.
Và má Sáu tiếp tục sống trong tình thương yêu ấm áp, đậm đà của bà con làng xóm và với hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đương đầu với biết bao thử thách, gian khổ, má Sáu trở thành chỗ dựa về tinh thần, là nguồn động viên, sức sống và sức chiến đấu cho hàng ngàn đứa con là cán bộ, chiến sĩ.
*
Giữa năm 1969, xóm kinh Ba Xuyên còn nằm trong mục tiêu bình định. Song, trước sức chiến đấu oanh liệt của địa phương và sự tác động do thắng lớn trên chiến trường chung, âm mưu bình định của giặc có mức chùng lại… Thời gian này, bộ phận biên tập Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng chúng tôi trở lại nhà má Sáu. Rồi tại đây, má Sáu cùng chúng tôi nhận tin “trời long đất lở”: Bác Hồ qua đời!
Khi còn say ngủ, tiếng kêu thật lớn của anh Nguyễn Xuân Bắc khiến tôi thức dậy, tỉnh táo:
- Minh ơi Minh, Bác Hồ qua đời…
Anh Nguyễn Xuân Bắc vội vàng đến đầu giường của má Sáu cất tiếng khe khẽ:
- Má ơi má, Bác Hồ qua đời… má ơi!
Tôi cùng anh Bắc đứng tại đầu giường của má Sáu, nghe má Sáu cất tiếng kêu thống thiết: “Trời ơi! Cụ Hồ ơi!...”. Má Sáu không ngồi dậy mà tuột xuống nằm sấp trên nền nhà, hai tay má đập bồm bộp xuống mặt đất, miệng má kêu lên liên hồi: “Trời ơi! Cụ Hồ ơi!...”. Anh Bắc và tôi đỡ má nhưng hai tay má ghì chặt vào gốc cột, miệng má tiếp tục kêu “trời”, kêu “Cụ Hồ”… Tiếng gào thét của má Sáu làm cho không gian của căn nhà lá nhỏ bé tràn ngập niềm xót đau, thương tiếc, khiến tôi và anh Nguyễn Xuân Bắc sụt sùi trào tuôn nước mắt…
Trời vừa hừng sáng, má Sáu lục đục ở nhà bếp, dọn dẹp những đồ vật trên chếc ghế nhổ mạ… Má đem chiếc khăn rằn thường dùng ra ao giặt và đem vào lau mặt bàn, chân bàn sạch sẽ. Má vào buồng mang ra bức chân dung Bác Hồ và chiếc mền dệt hình con rồng, con phụng. Chiếc mền má trải lên mặt bàn, má đưa bức chân dung Bác cho anh Bắc và dặn tỉ mỉ: “Con đến tiệm thằng Thảo mua giấy nhật trình về tô thành tấm phông dán ảnh Bác vào…”. Má sai tôi ra sân cắt đem vào một mớ bông trang, bông mười giờ… Một tiếng đồng hồ sau, bàn thờ Bác Hồ được dựng lên chính giữa nhà má Sáu. Má Sáu đốt nhang đưa tôi 3 nén, đưa anh Bắc 3 nén, má giữ 3 nén… Anh em tôi làm theo má. Chắp 3 nén nhang lên trán, má khấn vái thì thầm, nước mắt đổ tuôn ra… Cắm nhang xong, anh em tôi ngồi bên má, nghe má kể về công đức Bác Hồ…
Tôi với anh Bắc chuẩn bị ra cơ quan nghe thông báo Bác Hồ từ trần và bàn kế hoạch làm lễ truy điệu Bác… Má Sáu dặn: “Hai con đi về sớm, chiều má nấu mâm cơm cúng Bác…”.
Khoảng 14 giờ, hai anh em tôi đội mưa về, thấy ngôi nhà đóng cửa, nhìn ra bờ ranh thấy má Sáu đi trong mưa… tay cầm cần câu, tay ôm bó bông súng, vai quảy cái giỏ tre đựng nhiều cá. Tôi dầm mưa chạy ra đón và xách phụ má vài món. Vào tới nhà, má nói: “Bữa nay mưa không ngớt hột nên cá ít ăn câu. Nhờ đổ mấy cái lợp nên được bộn cá. Má tính vầy, cá lóc má nấu canh chua bông súng, mấy con cá trê chiên ăn với mớ rau đồng, số cá rô kho mắm chấm bông súng. Hai con tiếp má bắt con gà trống nấu cháo. Mâm cơm cúng Bác má tính vậy các con thấy được không?...”. Ngưng mấy giây, má Sáu nói tiếp: “Bác từng mong vào Nam, nay Bác qua đời, mâm cơm cây nhà lá vườn ở xứ sở xa xôi này chắc thế nào Bác cũng về chứng kiến tấm lòng của má con mình hen các con”.
Đúng 17 giờ, thức ăn nghi ngút khói trên bàn thờ Bác. Má Sáu đốt đèn và đốt nhang phân chia cho anh em tôi. Má rót rượu vào ly rồi khấn vái Bác. Anh em tôi cùng má quỳ trước bàn thờ lạy Bác. Trong giây phút này, nước mắt má rơi lã chã… Hai anh em tôi nước mắt cũng chảy tràn qua tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ họng!
Những ngày tháng 9 năm ấy, kẻ thù độc ác tung quân đánh phá, bình định dữ dội vào cơ hội cách mạng và Nhân dân đang lâm vào một tổn thất và đau buồn lớn nhất: Bác Hồ qua đời! Xóm kinh Ba Xuyên trở lại nằm trong vùng kiểm soát của đồn Rạch Bần, đồn Lung Trường và Chi khu Rạch Ráng. Vào giữa tháng 10/1969, tôi và anh Bắc từ giã má Sáu, má Sáu ở lại sống trong vòng kềm kẹp khắc nghiệt của kẻ thù. Mãi đến ngày giải phóng miền Nam, tôi mới về kinh Ba Xuyên thăm má Sáu.
*
Năm 1979, sức khoẻ của má Sáu suy giảm, nhiều chứng bệnh kinh niên… Các anh lãnh đạo Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau đưa má Sáu về Cà Mau phụng dưỡng và chữa bệnh. Má Sáu qua đời vào năm 1981, mai táng ở Nghĩa trang từ trần tỉnh Cà Mau.
Với tôi, từ những ngày sống bên má, những ngày tháng do chiến tranh chia xa má và từ ngày má Sáu ra đi vào thế giới vĩnh hằng đến nay đã trên 50 năm, ký ức tôi luôn sáng ngời hình bóng của má. Nhân cách, tấm lòng, niềm tin, đức độ cống hiến, hy sinh cao cả của má Sáu trở thành hình tượng cao cả, thiêng liêng không phai mờ trong ký ức tôi./
Phạm Văn Tri