ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 10:02:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mầm xanh trên đất chết

Báo Cà Mau Trong cái nắng vàng xuôi về phía biển, chúng tôi đến Tân Hải, nơi có bước chân thần kỳ “từ xã 5 không thành xã nông thôn mới”. Vui nhất là được các đồng chí lãnh đạo địa phương nhắc tới đồng nghiệp của mình, chị Phương Lài, người đã thể hiện tác phẩm “Xã 5 không” rất thành công và khơi động được dư luận.

Chủ tịch UBND xã Tân Hải Nguyễn Ðức Duy chia sẻ: “Bà con ai cũng phấn khởi vì nông thôn mới. Cái người dân thấy chính là đời sống của mình được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư, con cái được học hành. Coi vậy chớ những điều ấy, biết bao đời ở đất này chỉ là ước mơ…”.

Chứng tích tội ác Hải Yến - Bình Hưng

Ðã mấy năm rồi không về ấp Thanh Ðạm, nơi có biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, chứng tích tội ác dã man của giặc. Từ bấy đến nay, lâu lâu lại bắt gặp những bài viết nói về nơi này, mấy lần tính đi mà cứ sợ “đề tài viết hoài cũng dở”, lại thôi. Rồi những ngày cận Tết, cứ muốn đi để bớt thắc mắc rằng nơi đây có thay đổi hơn lúc trước.

Gia đình chị Nhịn nhờ trồng rau màu mà thoát nghèo, con cái được đi học, với chị, nghĩa tình của bà con ấp Thanh Ðạm thật lớn.

Anh Duy phóng tầm tay về khu di tích, lòng trĩu ưu tư: “Công nhận di tích quốc gia từ năm 2000, giờ có được cụm tượng, phía ngoài có đoạn bờ kè. Bình thường sậy, ráng, cỏ lấn mất tiêu, không để ý thì khó thấy”.

Mà có xa xôi gì cho cam. Ðường xe ô-tô bon bon khoảng hơn 50 cây số đã về đến Hải Yến - Bình Hưng. Anh Duy còn nhớ rõ: “Ngày công nhận Di tích lịch sử quốc gia, chỉ cần thọc tay xuống dưới năn, lấy lên một chút xíu là đủ bộ xương người. Sợ rằng tới giờ hài cốt của đồng bào, chiến sĩ ta đã bị hư hại hết”.

Ven con sông Cái Ðôi, khu Hải Yến - Bình Hưng hơn 30 ha vẫn “lạnh tanh” cùng năm tháng. Vẫn có những lời hứa “lâu lâu nhắc chừng sợ người ta quên”, rồi sau đó cứ đợi. Ở đâu quên chớ người Tân Hải vẫn nhớ, chỗ này là “lò sát sinh”, là nơi tội ác chiến tranh man rợ hơn tất cả sự man rợ mà nhân loại từng trải qua. Xin chú Ba, người mấy năm trước chúng tôi từng phỏng vấn tha lỗi, chú Ba đã qua đời, nhưng ở di tích vẫn chưa có gì thay đổi.

Mỗi năm, xã Tân Hải cũng tổ chức được đôi ba lần phát dọn; ở huyện thì tổ chức đoàn về nguồn để giáo dục truyền thống. Chúng tôi để ý, ở trên Quốc lộ 1 và đường chạy suốt về khu Hải Yến - Bình Hưng, những biển chỉ dẫn rất lớn, rất trang trọng dành cho khu di tích này.

Trên thực tế, anh Duy thông tin: “Hầu như không có khách tới nơi này, chủ yếu là mấy anh báo chí, phim ảnh. Nếu có khách xa tới thì ở ngoài ngó vô đám sậy, chỉ chỉ, cũng nản rồi về”.

Những biển chỉ dẫn chẳng lẽ chỉ để cho… vui. Ðề nghị mấy anh ở Thanh Ðạm chỉ cho một nhân vật có am hiểu về khu Hải Yến - Bình Hưng, tận tường tội ác của giặc, cả chi bộ và ấp đều lắc đầu vì “hết người”. Chẳng lẽ thời gian qua, những lớp người cố cựu qua, nơi đây chỉ còn lại trên những dòng chữ vô tri.

Thấy “bít đường ra”, anh Duy đề nghị: “Thôi, chuyện đó để đó, gì thì gì chớ Tân Hải đã phát triển hơn trước nhiều lắm rồi. Riêng ấp Thanh Ðạm, mô hình trồng rau màu hiệu quả lắm. Gần 1/3 ấp trồng rau màu, trong đó có gần 40 hộ chuyên canh quanh năm. Mùa này dưới đó người ta trồng rau đón Tết vui lắm”.

Ngộ một điều là hồi trước làm nông, người dân ấp Thanh Ðạm chỉ ăn rau muống, bông súng đồng, nước mặn vô mới bắt đầu trồng rau bỏ chợ. Con tôm, cua, cá cộng với những liếp rau màu, Thanh Ðạm phủ một màu áo xanh rạt rào nhựa sống.

Màu xanh trên đất chết

Nghe kể, lúc giặc làm gắt, đất này chó không dám sủa, gà không dám gáy, em bé cũng không dám khóc. Nhà cửa, làng xóm xác xơ, ám một màu tang tóc. Nhiều người bỏ xứ, nói chỗ Hải Yến - Bình Hưng chỉ cho quỷ ở chớ người thì không.

Ông Ngô Thanh Sơn, Trưởng ấp Thanh Ðạm, dẫn tôi qua phà sông Cái Ðôi rồi nói: “Vòng vòng khu này tụi ác ôn lộng hành, cái gì nó giết được là giết hết”.

Toàn ấp giờ có 311 hộ, số hộ nghèo là 18, theo lời ông Sơn: “Ðường sá giờ ngon rồi, hồi trước ở đây đi xuồng không hà”. Ðồng đất Thanh Ðạm trước đây hoang hoá, mãi sau giải phóng mới có người về lập nghiệp. Ðể rồi bây giờ, xóm làng quần cư, không khí làm ăn cũng tất bật không kém nơi nào.

Ông Hai Tân (Bùi Quang Tân) mặc dù chưa quen nhưng hồ hởi: “Mấy anh nhà báo về đây là tui biết liền, chụp hình rau màu phải không?”. Tôi nói vui với ông là: “Tụi con về đây viết bài coi không khí bà con ăn Tết ra sao, chớ không riêng gì rau màu”. Ông Hai cười lớn: “Cũng vậy hà, ngoài con tôm, con cua, Tết ở đây là rau màu chớ gì nữa mấy chú”.

Theo lời của lão nông này, cái nhà tường mới, chiếc xe mới, quần áo, sổ sách cho con đi học… tất tần tật nhờ rau. Riêng ấp Thanh Ðạm có gần 6 ha rau màu, đặc biệt một chỗ là chỉ trồng ở sân, cặp đường lộ, bờ vuông, sau nhà.

Ông Hai cho biết: “Chỗ nào trước cỏ mọc giờ trồng rau. Có lợi lắm, bớt ăn nhậu, không bỏ đất hoang phí, lại thu nhập hằng ngày”. Ðúng là khắp nơi đều thấy rau, người người cần mẫn bên những liếp rau. Nhịp sống và nhịp đất khiến nơi đây gợi nhớ ở vùng rẫy Trần Hợi bên kia nước ngọt.

Chị Phan Thị Nhịn có lẽ biết ơn rau nhiều nhất xứ Thanh Ðạm. Vợ chồng chị khi về chỉ có cái chòi ở đậu, hằng ngày chồng chị làm mướn để mưu sinh. Chị kể: “Có lúc phải chạy từng bữa ăn, vợ chồng hục hặc hoài vì khó khăn”.

Rồi bằng nghĩa tình, người Thanh Ðạm cho chị Nhịn mượn bờ đất bỏ không, chỉ cách trồng rau màu. Ngày qua ngày, đã 4 năm. Chị xúc động: “Nhà tôi nếu không có rau màu coi như chết đói”.

Cực mấy chị Nhịn cũng chịu để nuôi 2 đứa con ăn học. Lứa rau của nhà chị đang vào độ xanh đón Tết. Chị bộc bạch: “Ráng đợt này mua cho chồng, cho con bộ đồ mới”.

Còn anh Ðoái Minh Ðức thì chắc mẫm rằng: “Xứ này anh Hai tui, tức anh Ðoái Minh Nhân, là người trồng rau đầu tiên”. Riêng chuyện này, ông trưởng ấp có xác nhận. Anh Ðức nối gót theo anh trai, trồng rau thuộc loại “có thứ hạng” ở Thanh Ðạm. Dọc bờ kinh Mỹ Hưng này, rau màu trở thành chủ đề chung để kết nối cộng đồng. Tổ hợp tác rau màu Mỹ Hưng thành lập cũng với niềm tin là đưa rau Thanh Ðạm đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn.

Anh Ðức tâm sự: “Nghề này cực suốt ngày, suốt tháng, quanh năm. Ở đây bà con cùng nhau trồng rau an toàn, ít dùng thuốc trừ sâu lắm. Ăn thua ở cái tâm của mình thôi”.

Anh ngồi kể cho chúng tôi nghe những bí quyết của nghề trồng rau, phải ngắt cây diếp cá ra sao để cho không bị còi cọc, cắt đọt mồng tơi ra sao để cho đâm tược non, trồng đậu rồng sao cho trái xanh căng… Hoá ra nghề nào cũng có cái khó, có những bí quyết rất riêng.

Nhưng, cho dù có khó đến đâu, nếu bà con có niềm tin, dùng sức lao động, sức sáng tạo của mình đổ xuống đồng đất thì màu xanh của ấm no, hạnh phúc chắc chắn sẽ hiện hữu. Nơi đây, Hải Yến - Bình Hưng từng là vùng đất chết, còn bây giờ, đâu đâu cũng tràn ngập sắc xuân./.

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.