Với kinh nghiệm của bản thân và chịu khó tìm tòi, học hỏi qua các trang mạng xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lưu Văn Hoàng, Ấp 12B, xã Khánh Bình Ðông mạnh dạn mua các giống cây mới có giá trị kinh tế cao đem về trồng tại địa phương và ông đã thành công với mô hình đa cây kết hợp.
Vườn dưa hấu của ông Hoàng dự kiến sẽ cho thu hoạch gần cuối tháng Chạp.
Sau khi áp dụng thành công mô hình trồng nho từ năm 2020, năm 2023, ông Hoàng tìm mua hạt giống 2 loại cây mới: cà chua bạch tuộc của Nhật Bản và cà chua Nova của Hàn Quốc, đem về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Kết quả, cây khá thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương và phát triển khá tốt. Hiện tại, hơn 100 cây cà chua Nova bắt đầu cho thu hoạch; 100 cây cà chua bạch tuộc thì đang cho trái, dự kiến đến Tết sẽ thu hoạch.
Ông Hoàng chia sẻ: "Giống cà chua bạch tuộc (còn gọi là cà chua leo) rất khó trồng và chăm sóc, chúng có sức sống mạnh, thời gian sinh trưởng kéo dài (khoảng 18 tháng), cho trái nhiều nên đòi hỏi dinh dưỡng rất cao, mình phải cung cấp đủ dinh dưỡng cây mới cho năng suất, chất lượng. Vì vậy, tôi phải tự ủ phân hữu cơ và tạo men vi sinh sống để bón cho cây. Quy trình tạo men vi sinh sống là dùng sữa chua, hột gà đem ủ một thời gian, sau đó pha với nước, tưới vào gốc cây, nhằm tăng dinh dưỡng cho cây ra trái nhiều và đủ chất nuôi trái. Quy trình trồng và chăm sóc giống cà chua Nova Hàn Quốc cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là kỹ thuật bón phân, tạo nguồn dinh dưỡng cho cây".
Hiện cà chua Nova của ông Hoàng đã đến kỳ thu hoạch, với giá thị trường hơn 100 ngàn đồng/kg.
Theo ông Hoàng, do mới trồng thử nghiệm, chưa rành về cách trồng và chăm sóc nên bước đầu cũng hơi gặp khó, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, 2 giống cà này đều cho kết quả khá khả quan. Mặc dù năng suất cà chua Nova ông trồng không bằng người trồng chuyên nghiệp, nhưng số lượng trái của mỗi chùm khá nhiều, từ 15-20 trái.
Ông Hoàng chia sẻ lý do tìm các giống cây mới đưa về trồng: "Tôi thấy trước giờ nông dân mình trồng chủ yếu các giống cây truyền thống ở địa phương nên giá trị kinh tế không cao, nhất là hay xảy ra tình trạng được mùa thì rớt giá. Vì vậy, tôi mới nghiên cứu, mạnh dạn chọn một số giống cây mới đem về trồng thử nghiệm, nếu thấy có kết quả sẽ nhân rộng cho bà con. Năm 2020, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 140 gốc nho Ninh Thuận, gồm các giống: nho móng tay, nho 126, nho hạ đen và nho 3 màu. Sau thời gian chăm sóc, tôi thấy giống nho 126 và nho hạ đen phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương nhất, cây phát triển tốt và bắt đầu cho trái. Hiện tại, trong vườn của tôi còn 30 gốc nho 126 và 30 gốc nho hạ đen đang ra trái vụ thứ 3, đến Tết sẽ cho thu hoạch".
Ông Nguyễn Văn Kỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình Ðông, nhận xét: "Hội viên Lưu Văn Hoàng, Ấp 12B là một trong những hội viên nông dân rất sáng tạo, cần cù, kiên trì, chịu khó, dám nghĩ dám làm. Ông luôn tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, những mô hình làm ăn hiệu quả, các loại giống mới mạnh dạn trồng ở địa phương".
Không chỉ vậy, ông Hoàng còn có ý tưởng làm du lịch và cũng đã liên kết với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, U Minh nhằm trao đổi kinh nghiệm, tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch. Ông Hoàng chia sẻ: "Tôi nghĩ, muốn thu hút khách đến huyện mình tham quan, du lịch thì mình phải tạo ra một số sản phẩm mới, chẳng hạn như các loại cây, con độc, lạ để khách đến tham quan, chụp ảnh...".
Hiện tại, trong vườn nhà ông Hoàng có khá nhiều loại cây ăn trái, ông cũng đang trồng thêm giống cây mới là nho sữa Hàn Quốc để làm đa dạng, phong phú các loại sản phẩm, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình và phục vụ du khách đến tham quan, du lịch./.
Anh Quốc