ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 17:56:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mắt biển

Báo Cà Mau (CMO) Trên đỉnh Hải đăng, chúng tôi nhìn ra toàn cụm đảo. Một cảm xúc thật mạnh mẽ trỗi trong lồng ngực. Đây là vị trí mắt biển, là mốc định vị cho một vùng biển trời rộng lớn. Nơi đây có ngọn cờ mà thầy giáo Hiển vươn cao, là nơi ươm mầm và khởi phát phong trào cách mạng của Cà Mau.

1. Đây không phải là lần đầu tiên đến thăm cụm đảo Hòn Khoai, nhưng là đêm đầu tiên tôi được ngủ trên đảo. Hòn Khoai là địa danh gắn bó với tôi từ thuở nhỏ, không phải qua ti-vi, báo, đài hay sách vở mà bởi tôi có người anh từng công tác ở đây ngót chục năm.

Hồi ấy, nhà tôi nghèo, đông anh em, anh Ba Viễn vô ngành kiểm lâm công tác, cứ đi miết, lâu lâu mới về nhà. Mỗi lần về, anh lại giúp mẹ ít đỉnh tiền để nuôi mấy đứa em nhỏ ăn học. Riêng tôi là út, anh ưu ái phần quà đặc biệt, khi là vỏ ốc biển, khi là hòn đá cuội láng bóng hoặc mấy hạt đậu “bình an” rất đẹp.

Tôi nhớ có lần, anh đi biệt mấy tháng, má và chị dâu tôi đi tàu đò xuống Rạch Gốc, Khai Long hỏi thăm người ta. Rồi bão Linda 1997, ở nhà ba má tôi đốt nhang đỏ lư hương để cầu mong anh tai qua nạn khỏi. Hết bão, anh trở về, mặt buồn buồn. Anh kể, anh cùng mọi người lên tàu cứu hộ vớt xác ngư dân. Nhiều lắm, đau thương lắm. Nhưng anh nói, Hòn Khoai vẫn sừng sững giữa trùng khơi…

Một góc Hòn Khoai. Ảnh: Phong Phú 

2. Sau này, khi trở thành phóng viên, tôi có ngót chục lần đặt chân lên đảo Hòn Khoai. Nhớ có kỷ niệm vui, bận ấy, đoàn ra thăm, chúc Tết trên đảo, nhiều anh chị không quen dốc đèo nên đi lên vô cùng vất vả. Lúc đó, có một đội công nhân đang thi công công trình trên đảo, sẵn chiếc xe ben nên mời các anh chị lên thùng xe sau để chở lên đỉnh hòn. Chẳng biết thế nào, giữa đường thùng xe bị “ben” ngược về phía sau, người trong thùng rơi rụng “như sung”, một số bị u đầu và có kỷ niệm suốt đời về chuyến thăm đảo. Thông tin chung về đảo thì gần như phổ cập trên internet, báo, đài và các trang blog du lịch, thế nên cũng chẳng cần giới thiệu chi tiết. Có lẽ cả nước Việt Nam hiện nay, Hòn Khoai là một trong số ít những cụm đảo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn.  

Những chuyến công tác về Rạch Gốc - Tân Ân hay vùng Nhưng Miên (Viên An Đông), Ông Trang (Viên An), chúng tôi góp nhặt được biết bao nhiêu câu chuyện về đảo Hòn Khoai của các bậc cao niên kể lại. Hòn Khoai là cụm gồm 5 đảo, nổi giữa biển khơi nhưng được bà con vùng Ngọc Hiển gọi là “đảo ngọt”.

Chú Sáu Tuôi (Huỳnh Văn Tuôi) ở thị trấn Rạch Gốc, kể: “Thời Pháp xâm lược, rồi trước đó nữa, cả vùng này cứ tới tháng hạn là chèo ghe biển ra đảo lấy nước ngọt”. Mạch nước tuôn tràn thành suối, bà con cứ lấy tre hoặc bẹ chuối làm máng dẫn nước xuống mà khỏi tốn công vận chuyển. Khi người Pháp đặt “quan Tây” đóng trên đảo để trông coi Hải đăng, việc lấy nước ngọt ngày càng khó khăn. Nước là sự sống, quan Tây không cho lấy nước, bà con cả vùng Viên An rộng lớn rơi vào hoàn cảnh thắt ngặt. Có người vì lòng căm ghét mà đặt tên con là Lý Xốc Xấc để nói về thái độ ngang ngược của bọn Tây xâm lược. Và ai cũng biết, người Ngọc Hiển không bao giờ bị khuất phục. Không lấy được nước trên đảo, bà con chưng nước biển lấy nước ngọt, khi đói thì ăn trái mắm thay cơm. Với niềm tin bất diệt, người dân xứ biển đã cùng quê hương đi đến ngày toàn thắng. Giặc Tây, giặc Mỹ thất bại, người người lại ra Hòn Khoai để chở đầy những mạch nguồn ngọt mát…

Trước khi đi, thầy Nguyễn Hồng Vệ, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Cà Mau, căn dặn: “Lớp đi chuyến này là rất ý nghĩa. Có thể tìm hiểu kỹ hơn về khởi nghĩa Hòn Khoai do thầy giáo Hiển lãnh đạo. Tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp và tiềm năng to lớn của biển đảo Cà Mau”.

Đoàn khởi hành từ bến Khai Long, trên tàu của Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, tôi nhanh chóng nhận ra người quen cũ, anh Sầy (Trần Minh Sầy), thuyền trưởng tàu. Tôi và anh học chung lớp đảng viên mới, vả lại, anh và anh Ba Viễn từng là đồng đội, đồng chí với nhau một thời gian. Nhìn Hòn Khoai thật gần, thật xanh, nổi bật giữa nền trời và màu biển êm ả trong cái nắng tháng Ba. Cả đoàn ai cũng háo hức, có người là chuyến đi đầu, có người sau hơn 20 năm mới lại có dịp ghé đảo. Mũi tàu, mắt người và bao nhịp tim đều hướng về một phía. Khoảnh khắc ấy, ai cũng nhận ra rằng, biển đảo quê mình thật đẹp, thật thiêng liêng và thật tiếc nếu ai chưa từng có dịp ra thăm.

Tàu chạy một vòng quanh đảo, tôi nhanh chóng nhận ra một cầu tàu vững chãi đã xuất hiện trên bãi lớn, nơi trước đây mỗi lần ra đảo thì phải bì bõm lội bãi cát. Anh Sầy vừa nheo mắt lái tàu vừa thông tin: “Nơi đây dự kiến sẽ làm cảng nước sâu, trước đây Pháp cũng đã từng có ý định ấy”. Nghe nói Pháp đã thử khoan thăm dò nhưng thất bại, sau này ta cũng cố gắng vài lần khoan thăm dò địa chất nhưng hình như đều chưa có kết quả. Nhìn ra xa, anh Sầy nói: “Phía ngoài kia là luồng đi của tàu buôn quốc tế. Hòn Khoai nằm trên tuyến vận chuyển huyết mạch không chỉ của khu vực đâu, mà là của cả thế giới”. Trên tàu ai nghe cũng gật gù và đắm chìm vào những suy tư. Biết đâu một ngày Hòn Khoai trở thành cảng biển với tầm vóc và quy mô quốc tế. Biết đâu được…

Tàu ghé bãi, một ngày nắng rực rỡ trên Hòn Khoai. Ông bà xưa nói thật đâu có sai: “Tháng Ba bà già đi biển”, biển êm và đẹp như chưa từng đẹp đến vậy. Một cây số để đoàn lên điểm dừng chân tại Đồn Biên phòng Hòn Khoai. Nhớ khi trước, đồn ở Bãi Nhỏ, cạnh cơ quan Hạt Kiểm lâm, bây giờ ở địa điểm mới, đồn áng ngữ vị trí “sống lưng”, rất cơ động trong vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trung tá Nguyễn Văn To, Chính trị viên của đồn tiếp đoàn nồng nhiệt, chân tình. Trên bàn là dĩa đu đủ vàng, một đặc sản riêng có của thổ nhưỡng Hòn Khoai. Cạnh bên là thùng… trà đá, một thứ được gọi là xa xỉ phẩm ở nơi này. Những khi biển động, nước đá là điều gì đó xa xôi, khao khát cháy bỏng kiểu như “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” của một thi nhân - chiến sĩ bay bổng đất Hà thành.

Sau khi nghỉ ngơi, là bữa ăn theo kiểu bộ đội. Có người trong đoàn ăn liền 5 chén, bụng no căng rồi nói tỉnh queo: “Ngon như hồi đó giờ chưa được ăn cơm vậy”. Có người kể, ở nhà vợ nấu chê lên, chê xuống, ăn ít xịu, vậy mà ra đây ăn gì cũng ngon, kiểu này đi Hòn Khoai dài dài. Nhưng nói là nói vậy thôi. Hòn Khoai là đảo quốc phòng, mỗi lần đi phải thông qua nhiều thủ tục, đó là nguyên tắc và không phải đối tượng nào cũng được đặt chân lên đảo.

Thiếu tá Trịnh Văn Khoắn, Đồn phó Đồn Biên phòng Hòn Khoai, người Khánh Lộc, Trần Văn Thời, cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiện giờ đời sống ổn định, tâm lý vững vàng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Hòn Khoai bây giờ có hầm chứa nước ngọt rất lớn (xây dựng trên phần vườn mà gia đình ông Mười để lại), có thêm những huyết mạch, trọng điểm để tăng cường khả năng an ninh - quốc phòng. Ngạc nhiên hơn, vườn rau, ao cá của các đơn vị luôn đầy ắp thực phẩm. Anh Khoắn hào hứng: “Trồng rau bây giờ tưới toàn bằng hệ thống tự động, mạch nước ngọt trên đảo luôn đảm bảo điều kiện tăng gia sản xuất, sinh hoạt và công tác an ninh - quốc phòng”.

Chiều trên đảo, một nhóm nhỏ tách ra đi câu cá biển. Còn lại chúng tôi hướng về đỉnh hòn, nơi “mắt biển” của vùng cực Đông Nam Tổ quốc. Tiến về Hải đăng, lòng ai cũng cuộn trào cảm xúc, phía sau có người hỏi: “Tây Olivier bị giết ở đâu?”, có người chỉ: “Nè, đây nè”. Cổng vào Hải đăng, mận, cam, mít, xoài trái trĩu cành. Anh Nguyễn Văn Nhiên tiếp chúng tôi: “Hải đăng Hòn Khoai thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam Bộ, trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải”. Hỏi thêm về cuộc sống anh em, anh Nhiên bình thản: “Anh em ở đây toàn quê xa hết, đã đến đảo thì coi đây là nhà, là quê hương”. Hải đăng Hòn Khoai được thực dân Pháp xây dựng gần như sớm nhất trong hệ thống Hải đăng trên biển Việt Nam khi chúng xâm lược, đủ thấy nơi đây có vai trò trọng yếu thế nào.

Anh Quách Minh Triệu quay qua nói với đứa con trai mình: “Bé Duy, đây là Hải đăng, là mắt biển, là nơi mà trước đây khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra”. Hai cha con chụp hình, bé Duy nói: “Con về sẽ khoe với mấy bạn là được ra thăm đảo Hòn Khoai, ra thăm Hải đăng”. Đúng rồi, chuyện này thật hay, thật ý nghĩa và bé Duy có quyền tự hào với mọi người.

Bước chân vào trụ sở làm việc, có người xoè gang tay để đo bề dày bức tường. Anh Nhiên nói: “Của Pháp xây hết, bước vào đây mấy anh thấy mát lạnh không”. Qua câu chuyện, mọi người còn biết thêm về chiếc đèn Hải đăng bị hư của Pháp, quy chế vận hành của Hải đăng hiện tại. Có một thông tin mà ai cũng ghi nhớ, đèn Hải đăng không bào giờ được tắt quá 15 phút trong đêm. Rì rầm đâu đó, có người bàn tán: “Công trình Pháp xây chất lượng quá, hơn trăm năm rồi còn gì”. Ngoài xa, những luồng tàu buôn quốc tế ngược xuôi tấp nập…

Buổi tối giao lưu trên đảo, tôi gặp lại anh Lê Bá Ngữ, người của Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai. Mừng là nụ cười đã trở lại với anh. Hạnh phúc hơn, khi bên cạnh anh là một người bạn đời mới. Chắc mọi người chưa quên bi kịch xảy ra với anh Ngữ hồi tháng 6/2014, một cây cổ thụ đã bị dông lốc làm ngã, cây đè chết vợ và đứa con mới sinh của anh trong đêm định mệnh đó. Anh Ngữ xúc động: “Chuyện qua rồi chú, giờ nhà anh ngang đồn biên phòng trên này”. Một cuộc sống mới, niềm tin mới, hy vọng mới… những thứ ấy luôn giúp con người vượt qua khó khăn và sống tiếp. Trên hòn đảo này, có những con người đã vượt qua nỗi đau riêng, kiên trì và nhẫn nại kiếm tìm, dựng xây hạnh phúc.

Đêm ngủ trên Hòn Khoai, tiếng vọng của biển rì rào. Mơ màng nghĩ đến một đêm nào đó, cùng với biển, những con người anh hùng đã làm nên một sự kiện chấn động Nam Kỳ. Mắt ai sáng trong đêm. Kẻ thù ngã gục. Tàu giương buồm thẳng tiến đất liền, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Biết bao trái tim, biết bao cánh tay vẫy cao chào mừng đoàn người của tự do, độc lập, của khát vọng hoà bình bất diệt. Hòn Khoai ơi, trong đêm ấy có trở mình thức giấc…

3. Sáng trên đảo. Anh Khoắn xoè lòng tay tặng cho bé Duy những hạt đậu rừng tuyệt đẹp. Ôi! Tuổi thơ của tôi, những hạt đậu “bình an”. Tôi và anh Triệu cùng lang thang tìm thêm những trái đậu “bình an” lủng lẳng trên tán lá cao. Hình dáng trái như trái điệp nhưng to lớn hơn rất nhiều. Phải dùng đá để tách hạt. Bên ngoài hạt phủ lớp phấn vàng, khi cạo sẽ lộ ra da hạt bóng loáng như gỗ mun. Tôi chọn 4 hạt đem về đất liền, cầu mong sự bình an cho gia đình. Đứa con trai sún răng của tôi cầm 4 hạt đậu trên tay, cười ngoác miệng, cẩn thận cất vào hộc tủ rồi nói: “Cái này là bình an của 4 cha con mình”. Mẹ nó phản đối: “Ai mà 4 cha con”, thằng con lại chống chế: “Thì của mẹ, của cha, của con với em Gà”. Tôi thấy mắc cười nhưng không quên nói với con của mình: “Nếu có dịp, ba sẽ dẫn con ra thăm đảo Hòn Khoai”. Nơi đó bình yên. Nơi đó thiêng liêng. Và nơi đó, là mắt biển…/.

Phạm Quốc Rin 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.