(CMO) Không biết khi bài viết này được in ra, anh Sáu Toàn còn vui như bây giờ không?! Vì hiện tại, giá heo hơi hơn 5 triệu rưỡi 1 con trăm ký, ngày nào cũng có lái điện thoại hỏi mua mà bầy heo chưa đủ ký để bán. Hơn 1 tháng nay, hàng xóm thấy vợ chồng anh Sáu cứ rù rì, tủm tỉm suốt ngày.
Ở xã Tân Dân, xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Đầm Dơi, nói tới vợ chồng Sáu Toàn nuôi heo, ai cũng biết. Tối ngày vợ chồng anh Sáu lui cui đặt rượu, lấy hèm. "Đồ nghề" chất lủ khủ, hai vợ chồng đứng 2 lò. Anh Sáu khoe: "Bầy heo 25 con mới bắt trên trung tâm giống hơn tháng nay hà. Nhờ đặt rượu, có hèm cho bầy heo ăn phụ thêm, tốt đường ruột nên nó mới cùi cụi vậy đó".
Anh Sáu Toàn (Nguyễn Văn Toàn, ấp Nam Chánh, xã Tân Dân) năm nay mới 39 tuổi. Còn chị Sáu (Nguyễn Kim Chiều) nhỏ hơn anh 1 tuổi. Quê chị tuốt bên Tạ An Khương, gia đình có tới 14 người con (9 người con gái), vậy mà bà mai dẫn anh qua nhà chơi là anh “chấm” chị liền.
"Nhờ tui biết nuôi heo nên bả mới chịu lấy tui đó chớ. Thấy bả có duyên, giỏi giang, cưới về cho đặt hèm nuôi heo luôn”, anh Sáu pha trò. Thiệt là vậy, từ khi "lên xe bông" theo anh Sáu về đây, 12 năm nay chị làm nghề đặt rượu nuôi heo.
Anh Sáu kể, hồi anh còn mười mấy tuổi, nhà nghèo lắm, anh nghỉ học sớm ở nhà phụ nuôi heo. Thời đó đâu có thức ăn công nghiệp như bây giờ, chuối còn nhiều nên xắt trộn cám, xách cặn cho heo ăn. 1 năm nuôi chừng 4 cặp heo là đủ sống.
Ông bà già thấy anh có tay nuôi nên cho cặp heo nuôi riêng. Đàn heo của anh càng ngày càng nhiều, để dành từ từ anh mới có tiền cưới vợ và chọn con heo ngon nhất đãi bà con, hàng xóm trong ngày đám cưới.
Yên bề gia thất, tới khi có đứa con đầu lòng, đặt rượu nuôi mấy cặp heo mà trong nhà vẫn không có dư. Không muốn vợ con thiệt thòi, anh quyết định "chơi lớn". Anh đi vay 3 chỉ vàng, cộng với số tiền dành dụm để xây chuồng mới và mua 12 cặp heo giống về nuôi.
Chị Sáu nói chơi: “Ổng cưng mấy con heo dữ lắm, sợ muỗi chích, ngày nào cũng giăng mùng cho heo, dội chuồng, tắm heo ngày 3, 4 lần. Vậy mà từ hồi lấy ổng về có khi nào ổng giăng mùng cho tui ngủ đâu”.
Người ta nuôi heo 4-5 tháng mới xuất chuồng, còn anh nuôi đủ 3 tháng 10 ngày là bán, con nào con nấy đủ tạ đều rang, lái tới bắt một lần gọn hơ.
Đó là năm đầu tiên anh nuôi heo lời hơn 70 triệu đồng, trả luôn 3 chỉ vàng đã mượn. Năm sau anh nuôi nhiều hơn năm trước. Khi xã Tân Dân đạt chuẩn NTM năm 2014, anh Sáu được Nhà nước hỗ trợ 5 con heo và 4 bao thức ăn theo chính sách phát triển kinh tế. Được đồng hành, anh có thêm động lực để duy trì và phát triển nghề nuôi con eng éc này.
12 năm nay, vợ chồng anh Sáu Toàn đặt rượu lấy hèm nuôi heo, lứa nào cũng lớn nhanh như thổi. |
Dù có lúc thăng lúc trầm, nhưng ngày nào hàng xóm cũng thấy bếp lò nhà vợ chồng anh Sáu đỏ lửa nấu hèm nuôi heo. Trong đợt giá heo tuột dốc năm 2017, nhờ có lái bên Vàm Đầm bắt được giá nên anh Sáu vẫn còn lời chút đỉnh. Trong khi nhiều người trắng tay, bỏ chuồng thì anh lại làm liều đi mua 50 con heo giống về nuôi.
Anh Sáu nói: “Đợt đó nhiều người chờ giá không nổi phải bán, từ huề tới lỗ, không có vốn tái đàn. Heo giống trên dưới 800 ngàn đồng 1 con, tui nuôi mấy tháng sau giá heo tăng lên chút đỉnh, bán xong lời chừng trăm ngoài triệu, vợ chồng tui mừng muốn khóc”.
Chị Sáu quay qua “rầy”: “Ổng liều dữ lắm. Ổng tính mua 60 con, mà tui cằn nhằn hoài nên mới bớt chục con. Cũng may, chớ không là lỗ sặc máu rồi”.
Anh Sáu cười: “Lỗ keo này thì tui bày keo khác. Giá heo sụt vậy đó, chớ mình mua con giống không ngán, bây giờ heo đang có giá, giống hơn 1 triệu rưỡi 1 con thì tui nuôi bớt lại chút đỉnh. Thấy bả xách nước cực, tui gắn thêm vòi nước tự động cho heo uống”.
“Chớ đợt đó bán heo xong sắm chiếc xe cho bà đi giao rượu còn rầy gì nữa”, anh quay sang chị Sáu. Nghe xong, chị Sáu cũng cười, chắc mát lòng mát dạ lắm.
Nuôi vụ heo này, mới hơn 1 tháng trước, anh đặt Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau 25 con heo giống. Thấy heo mau lớn, khoẻ mạnh, anh dặn thêm 50 con nữa. Anh Sáu cho hay: “Nuôi heo thành công con giống chất lượng chiếm 60%, còn lại là do mình cho ăn, chăm sóc. Mua heo của trung tâm giống không cao hơn ở ngoài bao nhiêu mà còn được tiêm ngừa đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng. Mấy ảnh kỹ lắm, dặn dò đủ thứ, buổi sáng là giao cho mình để heo không bị mệt. Về chuồng cho ăn là nó khoẻ re, nuôi tới lúc xuất chuồng luôn, không có trặc trẹo gì hết”.
Nuôi heo cũng cực lắm chớ, anh Sáu đi mót từng cây củi về cho chị Sáu nấu rượu, một ngày nấu ra 80 lít rượu, lời chừng 400 ngàn đồng. Bã hèm thì anh trộn cho heo ăn, lớn nhanh như thổi, con nào cũng mạnh phây phây. Trung bình mỗi đợt nuôi 50 con, anh chỉ tốn chừng 40 triệu đồng tiền thức ăn công nghiệp. Heo chắc thịt, lái mê bắt heo nhà anh, gọi điện liền liền.
Từ hồi lấy vợ tới giờ, hơn 12 năm nay, hàng xóm chưa từng nghe hai vợ chồng rầy rà lớn tiếng bao giờ. Sáng chị Sáu đi bán giá, giao rượu, tới chiều cơm nước; Anh Sáu thì cho heo ăn, giăng mùng xong xuôi là anh xách xe máy chở vợ con đi chơi, tình như vợ chồng son. Còn chị Sáu chịu cực đã quen, thấy còn rảnh tay, rảnh chân, chục cái khạp đựng rượu chị đem ra trút giá, 12 ngàn đồng/kg, buổi sáng đi bán dài theo xóm là hết trơn chục ký.
Tay chân thô kệch chớ đâu có bóng bẩy gì, chị đằm thắm nhưng không ngọt ngào đường mật, vậy mà anh Sáu đâu có chê chị câu nào. Chắc anh Sáu thương chị không chỉ vì cái duyên, cái nợ, mà còn vì chị chịu thương, chịu khó.
Anh Sáu còn tính qua tết kêu xáng vô san công đất cặp nhà để mở rộng chuồng, đặt anh Lâm bên Tân Đức 5 con heo nái, sắm thêm cái “giường đẻ” cho heo nái để năm sau không tốn tiền mua heo giống.
Anh Lâm (Đoàn Văn Lâm, 38 tuổi, ấp Tân Phước, xã Tân Đức) cũng nhờ nuôi heo mà khá giả. Anh mở trang trại heo hơn 3 năm nay. Mấy năm nay, bà con trong vùng nuôi tôm không mấy ai trúng, bán tôm giống không được bao nhiêu, anh đầu tư xây chuồng nuôi heo bán giống. Bây giờ, anh có hơn 23 con heo nái với hơn 100 con heo giống.
Ông bà xưa có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, với vợ chồng anh Sáu Toàn, nuôi heo không chỉ để khấm khá, mà còn là niềm vui lao động, là cái nghĩa, cái tình với nhau. Cũng nhờ có tay nuôi heo mà anh Sáu có vợ giỏi, con ngoan, lo được đủ đầy cho cha mẹ già. Tết con heo năm nay, vợ chồng anh Sáu, anh Lâm, hay bà con nông dân chăn nuôi không mong chi được “giàu nứt vách”, chỉ mong một năm nuôi heo suôn sẻ, cùng với những người “bạn nhà nông” đồng hành trên con đường làm ra những sản vật của quê hương./.
Thảo Mơ