(CMO) Huyện Phú Tân có 5 xã gồm: Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ, Phú Tân và Tân Hải đều nằm trong các tiểu vùng thuỷ lợi khép kín, thuộc dự án thuỷ lợi Tiểu vùng 5 và 10 Nam Cà Mau. Hiện các tiểu vùng đã hoàn thành khép kín. Đây là điều kiện để người dân sản xuất đa cây, con hệ sinh thái mặn - ngọt bền vững theo mục tiêu được Đảng và Nhà nước đề ra ngay từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Mùa xuân này nữa là đã 17 năm tính từ ngày chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm. Ngần ấy thời gian đủ để nông dân huyện Phú Tân nhận ra rằng: con tôm không phải là tất cả. Chạy theo con tôm mà quên đi yếu tố phát triển môi trường sống xanh, sạch, đẹp là không bền vững.
17 năm nuôi tôm làm hàng ngàn héc-ta vườn dừa, cây ăn trái bị thu hẹp dần rồi mất đi, để lại làng quê nước mặn cằn cỗi, nắng cháy. Vậy là, các cấp, các ngành quyết tâm vào cuộc với nhiều giải pháp nhằm khôi phục lại màu xanh trên vùng chuyển dịch.
Khi nông dân phục hồi sinh thái
Ông Tô Ngọc Đẹp, nông dân ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, cho rằng: “Hằng ngày, chính việc chăm sóc những cây cảnh, cây ăn trái mình trồng và cho đàn cá ăn, theo dõi sự phát triển của nó… bản thân quên đi phiền muộn, thấy cuộc sống đáng yêu hơn”.
Có lẽ vì thế mà đến nay, ông Đẹp đã xây dựng cho mình một mảng xanh lý tưởng với khu vườn cây ăn trái như: mít, ổi, xoài, đu đủ, dừa… xanh mát quanh năm, kết hợp nuôi cá nước ngọt. Mô hình này ông Đẹp đã đổi bằng công sức của hơn 7 năm ròng cật lực lao động.
Chưa hết, từ ngày chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng bền vững đến nay, thu nhập của gia đình ông Đẹp nâng lên và luôn ổn định.
Trong khi nhiều người vì lợi nhuận mà ùn ùn kéo nhau nuôi tôm công nghiệp, thậm chí siêu thâm canh công nghệ cao… để rồi ít nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của chính mình và bà con xung quanh, thì ông Đẹp lại tìm đến nuôi tôm quảng canh cải tiến có tính bền vững này. Con số hơn 18.500 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, chiếm gần 50% tổng diện tích đất nuôi tôm, chứng tỏ nông dân trong huyện Phú Tân chuộng loại hình nuôi này đến mức nào.
Ông Nguyễn Văn Chiến, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, trầm tư: "Vùng đất Đường Ven này trước đây phèn mặn, làm lúa cực lắm. Sau chuyển dịch, nuôi tôm cũng khó khăn. Không ít người bỏ quê tìm nơi khác làm ăn. Song, nhờ những chủ trương phù hợp mà nhiều bà con ở đây quyết tâm cải tạo đất phèn, trồng đa cây, nuôi đa con hiệu quả khá. Rồi tích cực đóng góp xây dựng quê hương".
Ông Nguyễn Văn Chiến, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo với mô hình kinh tế bền vững. |
Cảm nhận đầu tiên khi đến gia đình ông Chiến là một bức tranh thôn quê với khuôn viên hết sức hài hoà. Trước nhà, chạy dọc theo mặt tiền con lộ bê-tông là hàng rào dâm bụt được tỉa tót thẳng thớm, cổng, đường vào nhà sạch sẽ. Ngôi nhà tường xây cơ bản khang trang nằm giữa khuôn viên với các loại cây cảnh như sung, mai vàng và các loại cây ăn trái như: ổi, mận, cóc, xoài, chuối… cùng những hàng dừa trĩu quả, soi bóng xuống bờ ao.
Ông Chiến trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá đồng trên diện tích đất vườn hơn 5 công tầm lớn. Diện tích còn lại khoảng 2,5 ha, chủ yếu nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến. Nhìn mô hình kinh tế vừa hiệu quả, vừa nên thơ này ít ai nghĩ rằng trước đây, nơi này là vùng đất phèn nghèo khó.
Nâng chất lượng cuộc sống
Thu nhập từ vuông tôm và đa cây, con của nhiều nông dân huyện Phú Tân hằng năm vài ba trăm triệu đồng là chuyện trong tầm tay. Cái đáng nói là đã tạo nên môi trường trong lành, giúp vùng nông thôn trở nên thanh bình, mát mẻ. Tinh thần con người cũng vì thế mà thư thái hơn.
Môi trường nông thôn xã Rạch Chèo xanh, sạch, đẹp. |
Hơn 27.000 lượt nông dân được bình chọn nông dân sản xuất giỏi các cấp trong huyện Phú Tân 5 năm qua ít nhiều đều có những mô hình đa cây, con bền vững, thu nhập khá như thế. Riêng năm 2017, huyện Phú Tân phát động cuộc thi gia đình xanh - sạch - đẹp trong Nhân dân. Cuộc thi tác động tích cực, thúc đẩy nông dân tăng gia sản xuất để vừa có kinh tế ổn định, bền vững, vừa có môi trường sống trong lành, sạch, đẹp.
Những cơn gió xuân len lỏi thổi qua vườn cây trái xanh tươi, mang theo cảm giác se lạnh khi đất trời chuyển mình. Ngồi dưới tán dừa xanh mát rượi và thưởng thức trái cây tại chỗ là cảm giác thư thái, lâng lâng, giúp ta quên đi cái xô bồ của cuộc sống ngày càng đô thị hoá, của cái nắng gắt trên vùng nước mặn và cảm thấy đáng yêu hơn làng quê, ruộng đồng./.
Hiệp Đoàn