ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 11:52:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tường: “Ba lần tiễn con đi…”

Báo Cà Mau (CMO)Sáng qua trên đường ra quảng trường tập thể dục, bất chợt nghe trên loa phát thanh phát bài “Đất nước” của Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im…”, tôi đứng lặng người hồi lâu, và chợt nhớ ra sắp tới ngày 27/7, chiều hết giờ làm việc tranh thủ ghé qua nhà Út Bình. Trước là thăm má (Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tường), sau là thắp cho ba (ông Đoàn Thanh Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải) và các anh nén hương nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tôi quen Út Bình (Đoàn Thanh Bình, hiện công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau) hơn 10 năm, qua một người bạn thân. Chơi với nhau lâu ngày nên tôi và Út Bình xem như anh em trong nhà. Út Bình có 3 người anh là liệt sĩ (2 anh ruột và 1 anh rể). Năm nào tới ngày 27/7, vợ Út Bình cũng nấu mâm cơm tươm tất, làm các món mà ngày xưa các anh thích để cúng. Thường những ngày này, tôi hay qua thắp cho các anh nén hương, rồi quây quần cùng gia đình, nghe má kể chuyện ngày xưa ba và các anh đi làm cách mạng.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình tặng hoa và ân cần chúc sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tường. Ảnh:MINH TẤN.

Dù đã 87 tuổi, nhưng má còn rất minh mẫn, không quên bất cứ câu chuyện nào, dù là chi tiết nhỏ. Má nói, tội nghiệp các anh, lúc còn ở nhà rất cực khổ, làm ruộng đầu tắt mặt tối để tiếp mẹ nuôi các em, lớn lên một chút chưa có hạnh phúc cho riêng mình được bao nhiêu thì đã theo ba đi làm cách mạng. Đôi mắt má bỗng nhìn về xa xăm, tay kéo chiếc khăn đang choàng cổ lên lau nước mắt: "Thằng Năm hy sinh chưa kịp cho ba nó hay thì đã tới thằng Hai, chưa nguôi ngoai thì lại tới chồng con Ba. Thiệt lúc đó nếu không còn mấy đứa nhỏ và lòng căm thù giặc chắc má không vượt qua được".

Trong những lần kể chuyện về các anh, lần nào má cũng nhắc anh Năm, rồi khóc. Má nói: "Dù gì thì thằng Hai, chồng con Ba cũng đã có gia đình và có con, tội là tội cho thằng Năm đi theo ba con làm cách mạng khi còn quá nhỏ nên chưa kịp lập gia đình, chưa được một ngày hạnh phúc".

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tường thắp hương mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau.  Ảnh: MINH TẤN

Má lại nhìn xa xăm: "Nó hy sinh trên tay má. Má nhớ có lần má đang đập lúa trong sân thì nó đi công tác ngang nhà nên ghé qua thăm má, lần đó má chỉ kịp lấy đưa cho nó chiếc khăn choàng tắm là nó vội vã đi liền vì sợ không kịp giờ hẹn với đồng đội…Lần cuối cùng má gặp nó vào một đêm trăng sáng, lúc đó má đang đào hầm chữ L để cho mấy đứa nhỏ tránh đạn ở tuốt trên đầu đất thì có người chạy lên cho hay thằng Năm bị trúng đạn trên đường đi công tác với đồng đội, má liền quăng cây vá, chạy theo hướng người đó chỉ, tới nơi thì anh con đã đuối sức. Má chỉ biết nhào tới ôm anh con vào lòng rồi ngất đi lúc nào không hay, cho đến khi nghe tiếng anh Năm con nói: Con khát nước quá má ơi. Lúc đó má tỉnh lại liền. Nửa đêm ở giữa cánh đồng, nước đâu mà có. Theo bản năng của người mẹ, má la lên trong tuyệt vọng. Thời may, có người nghe được và cho một trái chanh, má nặn vào miệng anh con, anh con nuốt được chút ít rồi lặng đi. Vì vết thương quá nặng nên khi đưa được đến trạm xá thì anh con đã hy sinh. Một thời gian dài tiếng gọi của thằng Năm cứ văng vẳng bên tai má mỗi khi má vừa chợp mắt".

Tôi hiểu, có nỗi đau nào hơn khi một người mẹ trong vòng chưa đầy 3 tháng mà mất 3 đứa con, chồng thì đi công tác xa (ông Đoàn Thanh Vị lúc đó đang làm Bí thư Huyện uỷ Thới Bình). Nhưng vì lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ và muốn có được ngày hoà bình độc lập, nên bà nén đau thương đứng dậy, tần tảo làm ruộng, chằm nón để nuôi các con, cho chồng an tâm đi làm cách mạng...

Má kể, có một chuyện mà có lẽ suốt cuộc đời này không bao giờ quên được, cứ trăn trở suốt mấy chục năm qua. Đó là chuyện 2 người em bà con đã “cứu” mạng cho ba má. Lúc đó ông Đoàn Thanh Vị (đang làm Bí thư Huyện uỷ Thới Bình) nằm trong sổ bìa đen của địch nên bị lính ráo riết tìm kiếm. Một hôm lính đổ dù xuống Cây Bàng - Khánh An, tìm ông Ba Vị để giết.

"Khi khám xét hầm của vợ chồng người em, hỏi tên gì, xui xẻo là nó cũng tên Vị và thứ ba, nên chúng nó đã bắn liền hai vợ chồng tại chỗ. Trên đường rút quân, người ta nghe chúng nó nói đã giết được Ba Vị rồi. Vậy là gia đình hàng xóm cứ tưởng vợ chồng má chết nên chạy tới nhà hỏi thăm thì mới biết nó đã giết nhầm hai vợ chồng người em", má nghẹn ngào.

Nhà của má ở Phường 8, TP Cà Mau. Ngôi nhà nằm sâu bên trong, cách con lộ lớn khá xa nên rất yên tĩnh. Út Bình trồng thêm nhiều cây má thích nên quanh năm mát rượi. Những đêm sáng trăng, má hay ra phía trước ngồi kể chuyện đánh giặc cho con, cháu nghe. Má nói, năm nào cũng vậy, đến ngày 27/7 là có nhiều đoàn đến thăm, ai cũng quan tâm, thăm hỏi đủ điều. Dù biết rằng con cái hy sinh là nỗi đau của tất cả những ai làm mẹ, nhưng nghĩ lại, con mình hy sinh cho đất nước thì đâu có gì phải buồn. Bây giờ đất nước độc lập rồi, những người có công cũng được Nhà nước quan tâm, chăm sóc chu đáo, má không mong muốn gì hơn.

Má khoe: “Chắc trời không nỡ lấy hết của má, nên bù lại cho má những đứa con còn lại đứa nào cũng có hiếu. Mỗi khi trái gió trở trời, hay lúc má cần gì là anh chị em nó tụ về đầy đủ, lo cho má không thiếu món nào. Còn hiện tại hằng ngày đã có vợ chồng Út Bình. Vợ chồng nó hiếu thảo lắm, chưa bao giờ làm má buồn".

Nói đến đây, đôi mắt má bỗng sáng rực lên. Không giấu được niềm vui, má kể: "Hôm vợ Út Bình chở má đi dự lễ công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, nó lo cho má từng chút một nên ai cũng trầm trồ khen "con gái có hiếu với má quá", thấy vậy má mới đính chính lại "nó là con dâu út của tôi", lúc đó mọi người mới vỡ lẽ, có ai đó còn nói: thời buổi này khó kiếm được con dâu có hiếu vậy”. Câu chuyện với má về những ký ức và hiện tại cứ như dòng chảy không ngừng. Con Út Bình nằm võng đọc bài thơ gì đó nghe buồn não nuột:

Trời hôm nay mưa buồn rười rượi
Con tiễn ba về lại đất U Minh
Nơi con rạch Ông Sâu chứa bao kỷ niệm
Ba chống xuồng theo cách mạng năm nào
Nổng Ông Sâu ơi sao tha thiết quá
Tiếng ầu ơ thuở ấy lời ru
Đã theo ba những năm kháng chiến
Nay ba về với đất mẹ yêu thương...

Má bảo, đó là bài thơ của Út Bình viết trong ngày tiễn ba nó lần cuối về với đất mẹ cách đây 2 năm (được Nhạc sĩ Ngọc Để phổ nhạc). "Lần nào nghe con nó đọc, má cũng khóc. Mấy chục năm rồi, năm nào tới ngày 27/7 cũng có ổng bên cạnh nhắc lại chuyện ngày xưa, rồi an ủi nên cũng đỡ nhớ mấy đứa nhỏ, năm nay ổng đã đi xa rồi...". Nói đến đây, má đứng lên, chầm chậm đến bàn thờ thắp nhang cho chồng, rồi nói: "Ông về ăn cơm với các con nghe ông”.

Đằng sau, tiếng con Út Bình vẫn còn đọc bài thơ nghe buồn rười rượi:
Vĩnh biệt người, người con đất Dớn
Của Khai Hoang, Rạch Giáng, Dinh Điền
Cái Tàu thoảng thơm mùa dâu chín
Quyện hương tràm trong buổi tiễn đưa

Ngoài kia hình như trời cũng thấu hiểu được nỗi buồn của má nên cũng bắt đầu sụt sùi rơi hạt. Chiếc loa phường lại vang lên “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”./.

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tường năm nay đã 87 tuổi. Mẹ có 3 người con hy sinh (2 người con ruột và 1 người con rể) và là vợ của ông Đoàn Thanh Vị, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Minh Hải, mẹ của ông là bà Phan Thị Trà cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Bút ký của Khởi Huỳnh

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.