ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 07:17:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Một đời tận tâm

Báo Cà Mau (CMO) Ngót 55 năm gắn bó với y học cổ truyền đối với Lương y Năm Tho là một hành trình dài. Ở đó, bà gửi trọn cả thời thanh xuân, niềm đam mê và khát khao cống hiến không ngừng.

Từng vị thuốc nam, từng nhịp mạch đập từ lâu dường như đã len lỏi và thấm sâu vào máu của vị lương y, để đến hiện tại dù đã bước vào tuổi 75, bà vẫn chưa có ý định ngơi nghỉ mà lúc nào cũng tất bật với việc dạy dỗ con cháu trong gia đình, quan tâm giúp đỡ hàng xóm, nhiệt tình với các hoạt động ở địa phương và hơn hết là vẫn nặng lòng với công tác y học cổ truyền tại ngôi chùa Hưng Vân (Ấp 3, xã Tắc Vân, TP. Cà Mau), nơi bà đã đặt nhiều tâm huyết từ thuở tóc xanh cho đến khi bạc trắng mái đầu.

Nuôi ước mơ chữa bệnh cứu người 

"Mẹ ơi, con không muốn đi học may, con chỉ thích đi làm phước thôi", đó là câu nói cửa miệng của cô bé ngày xưa, vì thế sau những giờ học chữ ở trường, học nghề may theo định hướng của cha mẹ, bà lại tìm vui bên việc phụng sự công quả, làm tàu hũ bán để có tiền giúp ngôi chùa quê hoạt động, cũng như từng bước tìm hiểu, học hỏi về thuốc nam. Hình ảnh của các vị lương y bận rộn bên những cây thuốc, cần mẫn bắt mạch, bốc thuốc... trong đôi mắt bà đẹp lắm. Vậy rồi niềm khao khát trở thành y sĩ có thể chữa bệnh cứu người ngày một lớn dần.

Niềm nở, cởi mở và coi bệnh nhân như chính người thân của mình là cách mà Lương y Năm Tho hướng đến trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Khi niềm đam mê đủ chín, tròn 19 tuổi, bà quyết định theo học nhãn khoa tại chùa Hưng Quảng (Phường 5, TP. Cà Mau) và sau 6 tháng đã nắm vững những kiến thức cơ bản cũng như ngày càng thành thạo các thao tác trong việc chữa trị các bệnh lý về mắt như: cắt mây thịt, cườm trong... được nhiều bệnh nhân tin tưởng tìm đến. Từ nền tảng này, với suy nghĩ: Nhãn khoa và y học cổ truyền có mối liên hệ mật thiết với nhau, cần phải mở rộng kiến thức, hiểu được nhiều bệnh để chữa trị giúp đỡ nhiều người hơn, bà bắt tay vào "tầm sư" để học thuốc nam một cách bài bản.

Kiến thức vô tận của y học cổ truyền như có sức hấp dẫn khiến cô gái trẻ ngày ấy ra sức học hỏi, lĩnh hội những bài học quý giá của thầy mình - Huấn viên Y khoa Võ Văn Thái (cố trụ trì Hưng Vân Tự) mà chưa bao giờ biết đủ. Vốn có năng khiếu và trí thông minh lại được sự truyền dạy tận tình của thầy, chỉ khoảng 5 năm bà đã nắm vững các kiến thức được học, cái tên Y sĩ Năm Tho cũng từ đây dần được nhiều người công nhận và quý trọng không chỉ bởi tài năng trong điều trị, mà còn là thái độ mềm mỏng, ân cần. 

"Đời y sĩ là phải vậy, lúc nào cũng muốn người ta vui vẻ để đón chào cuộc sống. Những người đến chùa điều trị đều nghèo. Trách nhiệm của mình không chỉ là chẩn đoán bệnh, kê thuốc là đủ mà phải nhẹ nhàng khuyên, động viên tinh thần và cảm thông với người bệnh", Lương y Năm Tho bộc bạch.

Ngôi chùa nghiễm nhiên trở thành mái nhà thứ hai của bà suốt mấy mươi năm qua. Như con ong cần mẫn mong muốn đem đến những giọt mật thuần khiết, Lương y Năm Tho gắn bó với nghề thầy thuốc bằng trọn chữ tâm mà không hề mảy may chuyện giàu - nghèo, được - mất. Bởi bà quan niệm: Thầy thuốc không phải là nghề để cầu vinh mà phải hoàn thành tốt sứ mệnh chữa bệnh cứu người.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với y học cổ truyền

"Khi quyết định dấn thân vào con đường này, tất nhiên mình phải hy sinh đời sống gia đình để lo cho mọi người. Ông xã cũng là lương y nên hết lòng ủng hộ, động viên, rồi hai vợ chồng cùng nhau đem hết khả năng của mình để chữa trị, xoa dịu những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho mọi người. Đến khi ổng qua đời, tôi tự hứa với lòng phải bước tiếp đến khi nào không còn sức nữa mới thôi", Lương y Năm Tho tâm sự với giọng nói chắc nịch.

Hơn nửa thế kỷ đồng hành với mái chùa quê, lắm lúc khó khăn bủa vây nhưng vẫn không làm vơi đi tình yêu và trách nhiệm của một lương y quyết gắn trọn đời mình với sự nghiệp y học cổ truyền. Nhớ lại ngày đó, hầu như phần lớn thời gian của ông bà đều dành cho hội, đơn giản bởi ở đó có biết bao con người đang cần sự xoa dịu nỗi đau bệnh tật.

Cuộc sống khổ đến nỗi lắm lúc không có gạo để nấu cơm, nhưng ông bà quyết không mượn gạo của giáo hội, không muốn ảnh hưởng đến việc chung mà nấu cháo cho con ăn đắp đổi qua ngày. Thiếu trước hụt sau, nhưng bà quyết không than dù chỉ một lời, vẫn ngày ngày đều đặn đến với những bệnh nhân cần sự giúp đỡ. Chùa nghèo, đồ ăn phải đi xin từ các sạp đồ tươi buổi chiều mang về, nhường cho cô bác lựa hết rồi còn dư lại gì mới dám xin đem về cho con ăn. Sau giờ tất bật ở phòng thuốc, bà lại cặm cụi làm đậu hũ cải thiện kinh tế. Lò đậu hũ gắn bó với gia đình ngót chục năm để có tiền lo cho 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Không giấu được xúc động khi nhớ về ngày cũ, giọng bà tự hào: "Thằng Hai, thằng Tư, thằng Năm lần lượt nối nghiệp mẹ trở thành y sĩ, tiếp tục đi theo con đường y học cổ truyền. Còn thằng Út chuyên đi xin rau ở các chợ về cho chùa năm nào giờ là bác sĩ nhi khoa. Mới đây, đứa cháu nội cũng nối tiếp gia đình theo nghề thuốc. Vất vả đã qua, những điều này chỉ còn là kỷ niệm một thời gian khó, nhưng nhìn lại rất tự hào khi gia đình, con cháu đều đi theo niềm đam mê ngày xưa". 

Với ý nghĩ còn sức còn cống hiến, nâng cao chuyên môn để phụng sự tốt hơn cho giáo hội cũng như làm gương cho con cháu và thế hệ đi sau về tầm quan trọng của việc học đối với một lương y, 5 năm trước, khi đã vào tuổi xưa nay hiếm, bà quyết định tiếp tục học thêm 2 năm về y học cổ truyền tại Hưng Minh Tự (TP. Hồ Chí Minh). Những chuyến đi về Cà Mau - TP. Hồ Chí Minh suốt 2 năm dài chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi tuổi cao, mà ngược lại luôn được bà chăm chút học hỏi nghiêm túc. 

Ba thế hệ cùng chung một dòng chảy nghề nghiệp nên những lúc ngồi lại cùng nhau, những câu chuyện về y đức, bài học đối nhân xử thế của người thầy thuốc đều được bà nhắc nhở dạy dỗ con cháu và hơn hết là đối với các lương y tại hội quán.

Nhiều năm liền giữ vai trò quản lý phòng thuốc, ngày ngày cứ 6 giờ 30 sáng, bà lại có mặt mở cửa, chuẩn bị bánh trái rồi đón tiếp bệnh nhân đến bốc thuốc châm cứu. Dáng vẻ của người lương y phúc hậu, niềm nở với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, không ngại vất vả cùng mọi người chặt thuốc nam, bốc thuốc, bắt mạch trị bệnh đã quá quen thuộc khiến bất cứ ai đến thăm đều mang lòng cảm mến./.

 Phúc Hoàng - Nhật Minh

Lương y Năm Tho tên thật là Ngô Thị Tho, sinh năm 1943, quê gốc ở Định Thành, Giá Rai, Bạc Liêu. Trong suốt 55 năm gắn bó với lĩnh vực nhãn khoa và y học cổ truyền, bà nhận được rất nhiều bằng khen của xã, thành phố và tỉnh. Năm 2017, bà vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tắc Vân Trần Thị Thu Hà tấm tắc: "Không những là một lương y giỏi nghề, tận tâm với bệnh nhân, cô Năm Tho còn thường xuyên giúp đỡ các hoàn cảnh bất hạnh, đi đầu trong việc đóng góp các nguồn quỹ an sinh xã hội... Cô là một trong những hội viên gương mẫu ở địa phương, 5 năm liền đạt chứng nhận Tuổi cao gương sáng. 

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.