(CMO) Cuối tháng 5, đầu tháng 6 hằng năm (bắt đầu mùa mưa) là khoảng thời gian những hộ dân sống ở khu vực ven sông, ven biển luôn trong tình trạng phập phồng lo sợ bởi đã bước vào mùa sạt lở.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở khu vực xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn thường xuyên đối mặt với sạt lở ngày một nghiêm trọng. |
Con số thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh về tình trạng sạt lở ven sông, ven biển cũng như những thiệt hại do thiên tai gây ra khiến nhiều người phải giật mình. Kể từ ngày 18-23/5/2018, trên địa bàn 2 huyện Đầm Dơi và Năm Căn xảy ra 13 vụ sạt lở đất với chiều dài 326 m, làm thiệt hại 8 căn nhà, sụp 103 m lộ nông thôn, ước thiệt hại 471 triệu đồng.
Liên tục lở
Đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, nhận định, sạt lở đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là ở các huyện ven biển như: Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng và đe doạ tính mạng của Nhân dân trong khu vực.
Hàng loạt các vụ sạt lở trong vòng 1 tuần là minh chứng sát thực nhất cho nhận định trên của ông Tùng. Cụ thể, ngày 18/5, trên địa bàn ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng xảy ra 2 vụ sạt lở, chiều dài 20 m, ước thiệt hại 11 triệu đồng; ngày 19 lại tiếp tục diễn ra 2 vụ sạt lở ở ấp Tân Long A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi và ven kinh Xóm Mới, xã Đất Mới, huyện Năm Căn; cao điểm là vào ngày 21/5 xảy ra tới 8 vụ sạt lở đất trên địa bàn 2 huyện Năm Căn và Đầm Dơi. Mới đây, vào ngày 23/5, tại khu dân cư Hiệp Bình, ấp Tân Bình, xã Tân Đức xảy ra 1 vụ sạt lở đất ven sông chiều dài khoảng 40 m, làm hư hỏng 7 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Còn nhớ, khoảng thời gian này của năm 2017, trên địa bàn 2 huyện này sạt lở ven sông cũng diễn ra liên tục. Mở màn là vụ sạt lở ngày 16/5/2017, ven sông Cửa Lớn, tại địa bàn ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, làm thiệt hại khoảng 520 triệu đồng; kế đó, vào đêm 29/5/2017, ven kinh Tắc Năm Căn, thuộc Khóm 8, thị trấn Năm Căn xảy ra vụ sạt lở đất với chiều dài khoảng 80 m, làm hư hại nhà và tài sản của 16 hộ dân, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; ngày 31/5/2017, tại khu vực ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi sạt lở đất ven sông với chiều dài 32 m, rộng 29,7 m, ảnh hưởng 5 hộ dân, làm hư hỏng 6 căn nhà, thiệt hại ước tính khoảng 215 triệu đồng…
Theo khảo sát thực tế, toàn tỉnh có 27 vị trí sạt lở ven sông, tổng chiều dài 37.935 m; trong đó, 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài 4.890 m, khoảng 1.047 hộ dân sinh sống, buôn bán và sản xuất trong khu vực. Ông Tùng cho biết, nguy hiểm nhất là xảy ra sạt lở vào ban đêm, lúc nước triều kiệt, là thời gian các hộ dân đang ngủ say. Các khu vực sạt lở này cần phải được di dời khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Địa phương hụt hơi
Hàng ngàn hộ dân khu vực thị trấn Rạch Gốc, sinh sống ven sông, cửa biển sẽ bị ảnh hưởng nếu không được xây dựng kè chống sạt lở kịp thời. |
Qua thống kê, trên địa bàn huyện Năm Căn có 620 hộ cần được di dời khẩn cấp; trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 3.780 hộ, huyện Đầm Dơi 4.250 hộ cần được di dời vào khu tái định cư. Theo Đề án quy hoạch di dân tái định cư điều chỉnh và các dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện được ở giai đoạn trước, giai đoạn 2016-2020 và lộ trình tới năm 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời những hộ ở nơi có nguy cơ thiên tai cao (vùng sông ven biển, ven sông) vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới. Tuy nhiên, có thể nói đây là khoản kinh phí vượt ngoài khả năng của tỉnh.
Ở một phương diện khác, tỉnh đang cần nguồn vốn đầu tư khoảng 1.541,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở trong thời gian tới. Nhu cầu là vậy nhưng xem ra nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, khả năng của tỉnh không thể nào đáp ứng được. Ngay cả dự án kè khu vực thị trấn Năm Căn đã có cách đây 3 năm và được liệt vào những công trình bức xúc, nhưng đến nay chưa có kinh phí đầu tư xây dựng.
Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết, ngoài xây dựng kè, địa phương cần có khu dân cư để di dời dân, nhưng tất cả đều quá sức trong điều kiện ngân sách hiện nay của địa phương, cần có sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương.
Ngân sách vô cùng khó khăn, trong khi sạt lở bờ biển từ Đông sang Tây ngày một nghiêm trọng, khó lường. Bờ biển Tây hiện có trên 57 km bị sạt lở, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ đê; bờ biển Đông cũng chẳng kém khi đã có 48 km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Đặc biệt trong số này, đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đang khiến chính quyền địa phương và người dân vô cùng lo lắng.
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, khu vực này có chiều dài sạt lở khoảng 3 km với tốc độ lở cực kỳ nguy hiểm, mỗi năm lấn sâu vào từ 50-60 m. Nếu không được xây dựng kè sớm, thị trấn Rạch Gốc với gần 8.000 dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể phải di dời thị trấn.
Theo diễn biến những năm gần đây, tình trạng sạt lở ven sông, ven biển thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9. Do đó, người dân cần cảnh giác để bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân và gia đình, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao./.
Nguyễn Phú