(CMO) Mùa xuân, trời thật đẹp. Qua Tết, tháng ăn chơi bắt đầu chưa được bao lâu thì dịch “cô Vy” ập đến. Một con vi trùng mang cái tên của phụ nữ, tuy nhỏ bé mà thật ghê gớm, nó khuynh đảo cả thế giới này. Mọi hoạt động của đời sống bị đình trệ, sản xuất đóng băng, cho đến nhu cầu cơ bản nhất của con người là … thở mà cũng chẳng được tự do, tự tại. Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, người với người không được phép ở gần nhau, mà phải đứng cách xa ít nhất 2 m tại các nơi công cộng.
Chưa ai tính toán được thiệt hại kinh tế mà “cô Vy” gây ra cho thế giới này là bao nhiêu, nhưng thiệt hại về tinh thần quả là không nhỏ. Cưới xin, hiếu hỉ, ma chay… “toang” hết. Chúng ta thật “may mắn” khi chứng kiến những cảnh tượng mà không biết nên khóc hay nên cười trong thời dịch bệnh, ví dụ như chuyện… cúng Thanh minh Online. Nếu bác Ba Phi sống ở thời điểm này, tôi cũng không tin là ông có thể tưởng tượng ra những câu chuyện lạ đời như vậy.
Phụ nữ thì khổ là rõ rồi. Thời buổi khó khăn, tiền nong eo hẹp thì chuyện làm sao vừa lo chu toàn nhà cửa, vừa có thể… đi shopping, làm đẹp là bài toán nan giải. Cánh đàn ông như chúng tôi cũng có những nỗi khổ rất riêng. Không được tụ tập cà phê, tiệc tùng, ngay cả mấy món “ruột” như tập gym, bi-da, massage, vũ trường cũng bị cấm tiệt.
Bên ngoài hết chỗ tung tăng, về nhà cũng chẳng có gì giải trí. Mùa này lẽ ra đã diễn ra các giải Masrers 1.000 trên sân đất nện, chuẩn bị cho Roland Garros, nhưng tennis đã dẹp hết rồi còn đâu. Giải Mỹ mở rộng diễn ra tận cuối năm mà bây giờ người ta còn chưa biết có tổ chức hay không? “Đàn ông không banh nỉ thì cũng banh da”, các giải bóng đá châu Âu sôi động ở giữa và cuối tuần bị ngừng vô thời hạn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Euro 2020 được tổ chức… năm 2021. Đá banh là cái gì, khi Olympic và Paralympic mà còn bị dời cả năm sau kia kìa!
Tranh thủ những ngày dịch bệnh bớt căng thẳng, tôi hay chạy về quê để né cái không khí ngột ngạt, tìm chút bình yên, trong trẻo nơi ruộng vườn. Về đó thì lại thấy kênh rạch cạn khô, mặt ruộng nứt nẻ, cứng như đá. Rạ trên đồng đốt đã lâu, tro bay sạch hết mà không biết khi nào có mưa xuống để cày bừa. Đám giỗ ông nội tôi, năm nào cũng bày vài mâm, anh em dòng họ tập trung về nói cười rôm rả, năm nay thì không tổ chức. Con cháu trong nhà đến đốt nhang, nói ba điều bốn chuyện rồi ai về nhà nấy.
Mấy bữa trước, đang nằm võng hóng gió thì mấy đứa cháu gái chạy lại kéo tôi bắt đi … đá banh với chúng. Nhà có trái banh da của thằng con tôi đem cho tụi nó mấy tháng trước. Con gái ở quê có vẻ hiếu động và mạnh dạn hơn “ngoài chợ”.
3 chị em nó chia 2 phe, bắt tôi ở phe với con bé “Lủng” và… làm thủ môn. 2 cái gôn làm bằng cây trúc vụn, cắm cách nhau khoảng 10 m dưới… lòng con kênh trước nhà. Tôi còn giữ tấm hình chụp hồi giữa tháng 4/2015, ngay chỗ tụi nó đang đá banh, khi đó nước còn sâu ít nhất một sải tay, còn năm 2020 này lòng sông đã trở thành sân banh cho mấy đứa nhỏ trong những ngày nghỉ học ở nhà tránh dịch.
“Vào… ooooo!!!!”. Tiếng ai đó reo lên làm tôi bừng tỉnh. Con Lủng chạy lại đấm vô vai tôi vì cái tội mất tập trung, bị đội bên kia ghi bàn. Tôi cười giả lả, hứa sẽ tập trung hơn, nhưng nó vẫn còn tức tối. Thật ra, tôi đang mải ngắm những cánh đồng ở phía xa. Nơi đó, lúc tôi trạc tuổi mấy đứa con gái da đen nhẻm, tóc rối bù đang giành banh kịch liệt, la ó um sùm kia là những buổi đá banh trên mặt ruộng. Cái thời ấy, thật biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, mà tôi nhớ nhất là những ngày “đá banh hội”, đúng là “vui như hội” khi mà người ta còn thiếu thốn rất nhiều ở cái khoản vui chơi, giải trí.
Một dòng kênh phơi đáy ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. (Ảnh minh hoạ: Nhân Kiệt) |
Đầu những năm 1990, ở các xã lân cận nơi tôi ở như Khánh Xuân, Khánh Dũng, Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (nay chỉ còn xã Khánh Lộc được giữ tên sau nhiều lần tách nhập, 2 xã kia là Khánh Hưng và Trần Hợi bây giờ), cách vài cây số thì có một sân banh. Hồi xưa, dân quê tôi chỉ gọi là “đá banh” chứ không ai kêu bằng “đá bóng”. Hồi đó trai tráng lớn lên ở tại xứ làm ruộng, cưới vợ sanh con, chứ không đi tản mác mưu sinh như bây giờ. Cách chỗ tôi đang đứng giữ gôn chừng trăm thước là mảnh ruộng của chế Hai Liên, là một trong những "sân banh" khá nổi tiếng hồi đó.
Không biết dân đá banh bây giờ mê môn này đến cỡ nào, nhưng với bọn tôi, mỗi chiều nghe tiếng “binh! binh!” ngoài sân banh là nôn hết gan ruột. Bữa cơm nào cũng ăn vội vội, vàng vàng rồi vọt lẹ ra sân. Lắm lúc muốn đá banh là phải trốn người lớn, giả bộ đi ra sau vườn rồi lội qua con kênh mà tụi nhỏ đang làm sân banh, đá hăng máu đây để nhập hội.
Không phải người lớn cấm đoán chuyện con cái chơi thể thao, nhưng chuyện lén lút của tụi tôi hồi đó cũng có lý do của nó. Số là khi ra sân, lúc chưa đủ người để chia phe đá, mấy anh lớn thường giết thời gian bằng cách… cáp độ “uýnh lộn”. Họ tăm tia, chọn những thằng trạc trạc nhau rồi nói khích cho tụi nhỏ đánh lộn để “coi cho vui”. Bữa nào ngoài sân banh cũng có một vài trận “thí võ đài”, 1 trận không phải 2, mà có khi là 3 -4 đứa. Khán giả thì vỗ tay, hò hét rào rào để tán thưởng, còn bày đặt giả bộ cá độ nữa chứ. Tao “gà” này, mày “gà” kia, thua phải chung chầu cà phê hay gì gì đó. Được cái là đánh nhau xơ cờ vậy chứ buông ra là bỏ, không có chuyện giận hờn. Có khi bữa trước “uýnh” thua tức quá, bữa sau ra sớm hẹn nhau “uýnh” lại. Nói đánh nhau thì có vẻ cường điệu, chứ mấy trò đó tôi thấy cũng giống như các trận đấu vật bây giờ, cũng là một kiểu rèn luyện thân thể, một kiểu quan niệm về sự “nam tính” thời đó, hay bào chữa là trò chơi đầy “tinh thần thượng võ” cũng chả sao!
Khi có đủ người, chúng tôi bắt đầu chia phe ra đá banh với nhau. Thời đó làm gì có giày, cứ chân không mà chạy. Còn làm sao phân biệt được cầu thủ “bên mình” hay “bên nó”, cách làm phổ biến nhất là phe mặc áo, phe cởi trần, banh thì cũ xì, đứt chỉ tùm lum. Đá lâu ngày lòi cái “bít-xi” ra đỏ hoét, cả hội phải xúm lại hè hụi nhét vô, đá tiếp. Cứ thế, cuộc rượt đuổi với trái banh kéo dài cho đến tối mịt thì kết thúc. Kể ra cũng… hơi buồn, độ tuổi 12-13 như tôi lúc đó vào sân cũng chỉ cho đủ “quân số”, mấy khi đụng được trái banh. Chúng tôi được an ủi là lúc mấy anh đá xong, 5-7 thằng trạc tuổi nhau mượn banh chia phe đá riêng với nhau, hoặc "chặt phạt đền", ai thua thì thụt dầu.
Giải bóng đá quốc tế đầu tiên tôi được xem là World Cup 1994, trước đó thì đá banh vẫn ở thời kỳ… mông muội. Trong lúc khan hiếm hội hè, giải trí thì đá banh hội là “món đặc sản”, được nhiều người chờ đợi nhất. Thường thì mùa hạn, mỗi sân (chỉ nói những sân lớn, đủ chuẩn, nhiều người chơi) chỉ đá banh hội 1 lần. Hồi đó, tôi viết chữ đẹp nên thường được các anh lớn giao cho viết thư mời mỗi dịp đá banh hội. Mỗi giải có chừng 10 đội, từ các ấp, xóm, xã lân cận tham gia. Giải thưởng thường là chiếc cúp cho đội vô địch (cũng oách lắm chứ), vài trái banh da và một ít tiền mặt. Kinh phí do các đội tham gia góp vào.
Khi kế hoạch giải được lên chi tiết, đội chủ sân bắt đầu công việc chuẩn bị tổ chức. Không biết các trận Chung kết Champions League được các chủ sân giành quyền đăng cai chuẩn bị công phu cỡ nào, chứ đội chủ “sân Hai Liên” hồi đó là cả một quá trình làm việc rất tích cực. Mặt sân nhẵn thín thì khỏi lo rồi, các anh chỉ việc đi kiếm vôi mà rải thành đường biên và vòng cấm địa. Khung thành xiêu vẹo thường ngày được thay bằng các cây tre đực già, có xà ngang hẳn hoi. Góc sân cũng có cờ hiệu, nhìn rất… chuyên nghiệp.
Phía ngoài, các bờ bao xung quanh sân banh cũng được phát dọn sạch sẽ dành cho khán giả và đội ngũ… bán hàng rong. Trong khâu tổ chức giải banh hội, tụi nhỏ như tôi thường được phân công làm nhiệm vụ… lượm banh. Tội nghiệp, có thằng phải “trực” ở phía… bên sông, leo ngọn cây ngồi cả buổi, ngóng cổ xem các trận đấu và lượm những quả banh mà mấy cầu thủ trong sân sút quá mạnh, văng sang.
Ngày giải banh hội diễn ra, cả một khoảng sân rộng 2-3 công đất rộn ràng như hội. Cổ động viên mang theo nồi niêu, xoong chảo cổ vũ ì xèo. Nếu đội banh là các thầy trong trường học thì cổ động viên còn mang theo trống đội. Rồi kèn… lá dừa, ống thụt. Mấy cái này âm thanh nhỏ, nhưng nhờ số đông cũng không kém phần huyên náo.
Mùa banh hội cũng là mùa ăn nên làm ra của các mẹ, các chị, em gái. Trong giải, xung quanh sân mọc lên hàng tá lều, chòi tạm để bán đồ ăn thức uống cho cầu thủ và khán giả. Món ăn được bán phổ biến nhất hồi đó là bánh dừa, bánh ú, xôi nếp đậu trộn dừa nạo, bánh chuối chiên, bánh chuối hấp nước cốt dừa, bánh nắn lá rau mơ. Ngoài ra còn phải kể đến chè đậu xanh, đậu trắng; chè trôi nước, bánh mì thịt. Giải khát thì có sương sáo nước đường, bánh lọt lá dứa, cà rem, nước ngọt, đá bào, đá chanh. Cô em họ (giờ tuổi ngấp nghé 60), nhà ngay tầm mắt tôi đang đứng giữ gôn đây, mỗi mùa đá banh hội là kiếm được một khoản kha khá nhờ bán đồ ăn, thức uống. Có những người biết có banh hội, sẵn sàng đội thúng bánh, thùng nước đi bộ vài cây số để tới sân bán kiếm chút tiền. Mấy chú cà rem cũng không cần quảy thùng đi suốt ngày, chỉ cần tới sân, trụ lại nguyên ngày thì hàng cũng hết veo. Đá banh hội vui và hay ho vậy đó.
Một giải banh hội thường kéo dài nhiều nhất là 3 ngày, sau đó thì mọi việc trở lại như cũ. Các anh lớn vẫn sáng, trưa làm việc nhà, đồng áng, chiều chiều ra sân, chờ các chủ sân khác mời thì đi đá. Nhưng giải thì không nhiều vì khâu tổ chức công phu, không phải nơi đâu cũng “dám” làm. Rồi tiền nong, thời đó lấy đâu ra các nhà tài trợ như bây giờ. Cứ vậy, có banh hội là rất quý, người người kéo nhau đi coi cho bằng được.
Những sân banh nhộn nhịp ngày xưa rơi vào quên lãng. Nông thôn sát nách thành thị, có quá nhiều thứ cám dỗ khác ngoài những món giải trí… lỗi thời như thế. Sân cỏ nhân tạo mọc lên vô số, nhưng có vẻ cũng không có nhiều người chơi, bởi những không gian ảo, buồn thay đang chiếm dần ưu thế so với sự tương giao trong đời thực. Rồi dịch bệnh. Thật lạ lùng bởi thể thao là phương cách rèn sức khoẻ, mà người ta cũng không thể sử dụng nó một cách thoải mái vì con vi-rút “cô Vy”.
Hồi thời tôi bằng tuổi mấy đứa cháu đang đá banh kia, vật chất tuy nghèo, phương tiện giải trí không đa dạng, muôn màu như bây giờ, nhưng chưa hề nghe có chuyện “bệnh bậy”. Anh em nhà tôi hầu như chẳng ai được chích ngừa, nhưng người nào cũng mạnh sân sẩn, chẳng biết mặt mũi bác sĩ ra sao. Còn nay, anh em lâu ngày không gặp, muốn qua lại cũng phải chờ qua thời gian “cách ly xã hội". Những cuộc gọi video, tuy thấy mặt nhau đấy, nhưng nó sao cứ giả giả, vô hồn.
“Vào… o… o!!!!”. Tôi lại giật bắn bởi tiếng reo từ phe bên kia. Con Lủng đấm tôi thùi thụi vì giữ gôn mà cứ như người mất hồn. Nó quạu. Tôi xuống nước nhỏ, năn nỉ “lỗi tại cậu!”. Để lần sau về, cậu sẽ đền cho con trái banh mới, bộ quần áo cầu thủ thật đẹp và… một bịch khẩu trang để đeo khi tới trường.
Một cơn gió nhẹ bất chợt thoảng qua, cuốn vài cánh phượng lìa cành từ đâu bay tới. Tháng Năm đã kế bên rồi, phượng ven đường đua nhau nở. Lẽ ra giờ này tụi nhóc sắp nghỉ hè, nhưng cả học kỳ 2 vẫn còn gần như y nguyên. Chắc tụi nó cũng nhớ cô giáo lắm, nhưng ngày trở lại trường vẫn còn bỏ ngỏ, bởi ai cũng ngán con “cô Vy”./.
Cà Mau, 21/4/2020
Ký của Tuấn Ngọc