(CMO) Tôi may mắn được lớn lên và tưới mát tâm hồn bên dòng sông quê thanh bình, bên những cánh đồng quanh năm lộng gió. Ký ức tuổi thơ đẹp đẽ trong ngần bởi tiếng chim hót vui trên những đồng lúa vàng óng ánh vào mùa gặt.
Thời ấy, khi còn là cô bé tóc cột hai chùm, tôi đã biết về nghề nông từ đôi tay chai sần của mẹ, từ chiếc lưng rám nắng nồng mồ hôi mặn của ba. Khi ấy nghề nông phải làm thủ công, từ khâu chuẩn bị đất, vãi mạ đến cấy, giặm, rồi bón phân, tát nước, gặt lúa. Nọc cấy, vòng gặt là những thứ không thể thiếu của nhà nông.
Niềm vui vào mùa thu hoạch của nhà nông. |
Đã hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, ông Ba Lâu (Lê Văn Lâu, ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) vẫn hào hứng khi nhớ lại những mùa gặt xa xưa: “Lúc đó, mỗi mùa gặt về là vui như tết, nhộn nhịp cả xóm. Nhà nhà làm vần công nhau. Ban ngày gặt lúa, ban đêm tập trung người đập lúa, người giũ rơm. Vui nhất là những đêm sáng trăng, mọi người vừa đốt rơm, vừa làm, vừa nói chuyện râm ran tới tận đêm khuya”.
Lão nông Trịnh Hoàng Hiệp, ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, hồi nhớ: “Lúa gặt vô rồi, chất thành một nhả lúa trên sân, một cặp trâu đi vòng vòng giẫm lên bó lúa cho nổi rơm lên, đạp tới sáng là rồi một nhả khoảng 1,5 thiên (thiên: 1 ngàn) bó lúa, tương đương 1,5 ha lúa bây giờ. Sau đó bắt đầu lấy rơm ra, một ngụn lúa hiện ra trước mắt. Trong lòng hớn hở vì đó là công sức sau vụ mùa đầy mệt nhọc của nông dân”.
Nhưng có lẽ vui nhất là tụi con nít trong xóm, chúng tụ tập trên những đống rơm còn thơm mùi rạ mới. Trong trí óc bé con của tụi nhỏ, đống rơm như cây nấm khổng lồ, bọn chúng vô tư nô đùa nhào lộn rồi làm hang trong ấy, đến khi cả người ngứa ngáy và mẹ doạ cho vài cây roi mây vào đít mới thôi.
Tắm rửa sạch sẽ, tóc vuốt dầu dừa bóng loáng, chúng lại đem chiếu ra sân trải để nằm ngắm trăng, đếm sao rồi nghe ông bà kể về những câu chuyện cổ tích. Trăng ở làng quê chưa điện, chưa đường như cao hơn, xa hơn và lung linh hơn bây giờ.
Thoắt đó mà nhanh, nghề nông giờ nhiều nơi hiện đại hoá bằng máy gặt đập liên hợp thay cho những vòng gặt. Năng suất tăng lên, nông dân cũng bớt nhọc nhằn.
Rồi bọn tôi xa nhà, bỏ lại con trâu, bờ ruộng, dòng sông ấu thơ để chân ướt chân ráo vào giảng đường đại học. Được rong ruổi trên những cung đường mới mẻ, nhưng chỉ cần lướt ngang những cánh đồng sau mùa thu hoạch, bất giác nghe mùi khói đốt đồng, nỗi nhớ nhà, nhớ quê lại trào dâng da diết. Và ký ức năm nào nằm mơ trăng, hít đầy lồng ngực hương rạ mới chờ thành quả cốm dẹp ì ạch tiếng chày, tiếng cối của bà, của mẹ hiện về. Năm nào mẹ cũng dành vài công đất cấy nếp để tết có bánh tét, cốm dẹp, bánh phồng. Giờ đây, cũng có dịp ngồi thưởng thức món cốm dẹp, bánh phồng nhưng trong sâu thẳm vị ngọt vẫn như thiếu một điều gì. Có lẽ đó là vị tết quê năm nào mà không dễ gì tìm lại được./.
Hồng Nhung