(CMO) Càng sống và trải nghiệm đủ trên đời, điều khiến người ta nhớ và tiếc nuối nhiều nhất không phải là của cải vật chất, mà đó chính là những ký ức đầm ấm bên gia đình, người thân. Mỗi năm, khi nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết, tôi lại nhớ da diết hình ảnh ngoại bên nồi bánh tét. Sau này, khi sống xa ngoại hơn nửa vòng trái đất, nỗi nhớ quê, nhớ ngoại và ký ức những ngày Tết bên ngoại khiến mắt tôi cay sè, y hệt như khoảnh khắc ngồi ôm gối canh nồi bánh tét đang sôi, buồn ngủ cay cả mắt nhưng vẫn cố thức tới khi bánh chín để được hít hà mùi bánh thơm phức hoà với hơi nóng bốc lên từ cái nồi to đùng. Ðôi mắt hiền từ của ngoại lúc đó, cùng với tiếng reo hò mừng rỡ của lũ trẻ chúng tôi đã làm bừng sáng cả buổi bình minh ngày giáp Tết…
Mang hương vị quê hương đến cộng đồng người Việt
Vài tuần trước Tết, cộng đồng người Việt tại Mỹ lại háo hức đặt bánh chưng, bánh tét cũng như chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh mứt và sắm sửa áo dài đón xuân. Thông thường, để có được những cặp bánh ngon, đúng chuẩn, mọi người phải tranh thủ đặt bánh tận Cali hoặc Houston, Texas, là những nơi có nhiều người Việt sinh sống, bởi không phải ai cũng có điều kiện tự gói bánh tại nhà. Riêng gia đình cô chú Huệ Nguyễn và Liên Hương ở Jacksonville, Florida, đã hơn bốn mùa xuân trên đất Mỹ, năm nào nhà cô chú cũng tràn ngập không khí Tết bên nồi bánh chưng, bánh tét.
Với hơn 50 năm làm bánh chưng từ công thức gia truyền của ông bà ở Ninh Bình, gia đình cô chú Huệ - Hương đã mang hương vị quê hương qua tận Mỹ để hàng năm cộng đồng người Việt có cơ hội thưởng thức vị bánh chưng đặc trưng của miền Bắc. Mỗi năm cô chú đều tham gia Hội chợ Tết của cộng đồng người Việt ở Jacksonville, Florida và gian hàng bánh chưng, bánh tét của cô chú luôn được mọi người yêu thích. Chú Huệ Nguyễn tâm sự: “Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng khi đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới gợi lại trong tôi biết bao bồi hồi cảm xúc, những kỷ niệm xa xưa lại ùa về, biết bao cái để nhớ nhung của thời thơ ấu, mộng mơ và nhiều ao ước. Giờ đây, khi sống giữa xã hội xa lạ, những giá trị truyền thống dân tộc cũng dần nhạt nhoà nhưng tôi vẫn nhớ khoảnh khắc giao thừa hồi đó, nhà nhà rộn ràng đón Tết, đêm giao thừa nhà nào cũng chuẩn bị nồi bánh chưng, bánh tét, mâm cơm cúng ông bà...”.
Cô chú Huệ - Hương đang chăm chút gói bánh tét. |
Đứa cháu nhỏ của cô chú Huệ - Hương cũng rất thích thú với bánh chưng, bánh tét ông bà làm ra. |
Mặc dù còn rất trẻ nhưng Phương Trà và ông xã là người Nhật ở Awazu Onsen (Nhật) đã tổ chức chương trình gói bánh chưng, bánh tét đầy ý nghĩa cho cộng đồng người Việt trong những ngày gần Tết. Phương Trà hào hứng chia sẻ: “Mấy năm trước tôi ở nhà thuê nên chưa có điều kiện nấu bánh chưng ngày Tết, mua ngoài chợ thì bánh không ngon. Ở Nhật, muốn nấu bánh chưng bằng củi cũng khó vì củi ở siêu thị rất đắt đỏ và đa số các bạn sống nhà thuê nên không làm được. Vợ chồng tôi may mắn vì ở ngay khu vực có nhiều xưởng gỗ nên xin được gỗ thải của họ, mặt khác, nhà lại nằm ở bìa rừng, phía sau là lô đất trống nên thuận tiện cho việc dùng bếp củi, không làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Năm nay tôi nảy ra ý tưởng tạo cơ hội cho các bạn sống xa nhà muốn trải nghiệm tự gói bánh chưng, bánh tét cho đỡ nhớ nhà và cũng là dịp ôn lại truyền thống văn hoá Việt Nam”.
Gia đình Phương Trà (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn người Việt trong chương trình gói bánh chưng, bánh tét. |
Nồi bánh tét của gia đình Phương Trà tại Nhật. |
Những ký ức ngọt ngào bên nồi bánh tết
Không phải bỗng dưng mà mỗi khi nhớ đến Tết, người ta lại nhớ về nồi bánh chưng, bánh tét, bởi ở đó chứa cả một vùng ký ức mà khi đi càng xa, nó càng hiện ra mồn một. Chị Lan Anh (hiện đang sinh sống ở Hà Lan) chia sẻ: “Khi còn bé, tôi sống cùng mẹ, anh trai và em gái trong căn nhà nhỏ tại khu tập thể Bệnh viện C, Ðà Nẵng. Mỗi dịp cuối năm, ba tôi thường từ quê ra đón Tết cùng gia đình. Ba tôi gói bánh chưng, bánh tét ngon nhất quê và lần nào ba ra cũng mang rất nhiều bánh mới nấu để gia đình cúng giao thừa, cũng như để dành mời khách đến thăm nhà. Riêng tôi luôn nhớ lần chúng tôi gói bánh chưng trên căn gác nhỏ nhà tôi cùng với bảy anh bộ đội. Tôi yêu lính lắm, vì ba tôi, cậu, dì, anh trai đều tham gia quân ngũ. Hôm ấy, sau khi gói và chờ nấu bánh ngoài sân chung của khu tập thể, anh Hai tôi và các anh thay nhau đàn, còn tôi hát. Chúng tôi đàn hát đến hơn một giờ sáng thì tôi đi ngủ, các anh bộ đội ngồi canh nồi bánh cho tới sáng. Họ vớt bánh, xếp ngay ngắn, chèn bánh, dọn bếp gọn gàng và trở về doanh trại khi tôi còn chưa thức dậy. Ðiều tôi nhớ nhất, đó là những gương mặt hôm ấy. Ðến mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ từng giọng nói, tiếng cười, đến tác phong đạo đức và tình cảm của các anh bộ đội”.
Chị Lan Anh (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) cùng cộng đồng người Việt tại Hà Lan ngày Tết. |
Chị Thuỷ Trần, ở Atlanta Georgia (Mỹ), bồi hồi xúc động khi nhớ về kỷ niệm bên nồi bánh tét với ba mẹ, anh chị em khi còn sống ở Cần Thơ: “Thời đó nhà tôi nghèo lắm! Mỗi Tết, khi gói bánh, mẹ tôi phải cố gắng gói ghém thịt và đậu sao cho vừa đủ tám miệng ăn. Mẹ tôi lúc nào cũng dành ăn bánh tét chuối và nhường anh chị em tôi những đòn bánh mặn, vì mẹ biết tụi tui thích ăn thịt mỡ với đậu xanh. Thuở đó chúng tôi vô tư vô lự, thấy mẹ nhường thì ăn say sưa mà không biết rằng cuộc đời sau này chỉ mong được có mẹ trên đời để nói với mẹ rằng, mẹ ơi, bánh tét mẹ gói ngon nhất trần đời...”.
Và cũng đúng như chị Lan Anh chia sẻ: “Sau này, khi tôi lớn lên, ra đời tự lập và đi khắp nơi nhưng tôi không bao giờ quên khoảnh khắc giao thừa của tuổi thơ, khi mọi thứ còn thiếu thốn. Có lẽ bởi đó là khoảng thời gian chúng tôi có cha có mẹ, khi mà ý nghĩa sự đoàn tụ với tôi cao hơn hết thảy mọi thứ vật chất trên đời...”.
Thế đấy! Càng sống lâu người ta sẽ nghiệm ra rằng, không gì quý bằng tình thân và sự đoàn viên trong ba ngày Tết. Cũng như giờ đây, giữa cái lạnh của mùa đông xứ người, chỉ cần nhắm mắt lại, tôi có thể thấy nụ cười của ngoại, thấy những đòn bánh tét căng tròn treo vắt vẻo trong chạn bếp. Mỗi lần cắt một khoanh nhỏ là mùi nếp, mùi thịt, mùi đậu, mùi của quê hương cứ quyện vào nhau làm sáng bừng cả một trời tuổi thơ trong vắt…/.
YK Ðỗ (từ FLORIDA, Mỹ)