ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-12-24 20:55:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ nông thôn

Báo Cà Mau (CMO) Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở, vốn vay sản xuất… Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như nhận thức cho phụ nữ nông thôn vẫn còn không ít hạn chế.

Theo báo cáo của UBND xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, hiện toàn xã có 398 hộ nghèo, trong đó có 47 hộ dân tộc Khmer. Kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế chính là những rào cản lớn nhất trong hành trình rút ngắn khoảng cách cho phụ nữ nông thôn và thành thị.

Đời sống còn khó khăn 

Chị Nguyễn Mỹ Niên, ấp Chà Là, xã Trần Phán thuộc diện hộ nghèo. Những năm trước đây, đời sống gia đình chị vô cùng khó khăn vì đất sản xuất ít, gia đình chị phải tham gia lao động ở địa phương như bốc vác hàng hoá… Năm 2015, nhờ vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho người nghèo, chị Niên đầu tư chăn nuôi heo, tận dụng thêm khoảng đất trước nhà để trồng rau màu. Nhờ cần cù chịu khó buôn bán và chăn nuôi, đến nay cuộc sống gia đình chị dần ổn định hơn, năm 2017 chị được thoát nghèo.

Trồng rau màu cũng là mô hình kinh tế quen thuộc của nhiều chị em phụ nữ nông thôn.

Tuy chỉ thuộc mức sống trung bình nhưng với nhiều chị em phụ nữ vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn tại Chà Là, chị Niên là một điển hình về sự cần cù chịu khó, có ý chí làm ăn.

Chị Niên cho biết: “Mình không được học hành, đất sản xuất không nhiều nên cả vợ chồng phải cố gắng làm để không là gánh nặng cho xã hội. Hy vọng địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo cho chị em phụ nữ vùng nông thôn có cơ sở làm ăn phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, cải thiện đời sống”.      

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Phán Nguyễn Thuý Khoa, đa số phụ nữ chỉ lao động nhỏ tại nhà chứ chưa ổn định. Thêm vào đó, những hộ nghèo chủ yếu là không hoặc ít đất sản xuất, chất lượng việc làm còn thấp, nhiều chị em phải tham gia lao động sản xuất vất vả. Việc tiếp cận với những phương tiện truyền thông còn hạn chế nên rất thiếu thông tin.

Để tạo thêm cơ hội việc làm cho chị em phụ nữ, những năm qua, Hội LHPN xã Trần Phán phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ, trong đó tập trung vào nghề truyền thống là dạy may. Tuy nhiên, do điều kiện cũng như nhu cầu địa phương nên hầu hết chị em phụ nữ sau khi học xong vẫn chưa phát huy được nghề đã học để cải thiện kinh tế gia đình, nếu có cũng chỉ một số ít tham gia lao động ở các tỉnh ngoài.

Phổ biến pháp luật đến chị em phụ nữ 

Để phụ nữ nông thôn nâng cao nhận thức và hiểu biết hơn về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xã Trần Phán đã thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật. Sinh hoạt theo 25 chuyên đề riêng, câu lạc bộ góp phần không nhỏ trong việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật dành cho phụ nữ như bảo hiểm xã hội, hôn nhân gia đình, lao động…

Chị Nguyễn Thuý Khoa cho biết: “Bằng hình thức tuyên truyền qua các tờ rơi, lồng ghép qua các câu chuyện, chúng tôi mong rằng phụ nữ nông thôn sẽ ngày càng cải thiện hơn đời sống tinh thần, có thêm động lực để tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật sẽ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bà Nguyễn Thị Hương, ấp Bờ Đập, xã Trần Phán cải thiện kinh tế gia đình nhờ nuôi dê.

Cô Trần Thị Lệ, ấp Chà Là, bộc bạch: “Phụ nữ vùng nông thôn cũng như bất cứ nơi đâu cần được đảm bảo các quyền lợi riêng, chính đáng của mình. Do đó, ngoài sự cố gắng nâng cao hiểu biết, chúng tôi rất mong sự chung tay nhiều hơn nữa của các cấp, ngành”.

Chị Lâm Thị Hai, ấp Tân Hoà, xã Trần Phán là hội viên nghèo đồng bào dân tộc, cho biết: “Cuộc sống phụ nữ vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận pháp luật với chúng tôi thật sự rất hạn chế".

Cuộc sống phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Ngoài gìn giữ, vun vén cho hạnh phúc gia đình, phụ nữ ngày nay còn được tham gia vào các công tác xã hội khác. Do đó, nâng cao nhận thức, rút ngắn khoảng cách giữa phụ nữ nông thôn và thành thị, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số cần được quan tâm nhiều hơn nữa./.

Kim Chi 

Giảm sức người, tăng hiệu quả

Những năm qua, các công ty, xí nghiệp và nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất ở nhiều lĩnh vực, nhằm giải phóng sức lao động ở công việc nặng nhọc, ảnh hưởng sức khoẻ. Ðây cũng là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Chăm chút vụ dưa

Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau đang tất bật chăm sóc ruộng dưa hấu để kịp cung ứng cho thị trường Tết. Xã Lý Văn Lâm được mệnh danh là "thủ phủ" dưa hấu trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị phục vụ thị trường Tết năm nay, nông dân trong xã trồng hơn 80 ha dưa hấu, bắt đầu xuống giống vào khoảng đầu tháng 10 âm lịch. Thời điểm đầu, thời tiết khá thuận lợi, cây phát triển tốt. Tuy nhiên, những ngày qua do mưa nhiều và không khí lạnh, nông dân phải tập trung thoát nước, tránh ngập úng và phòng bệnh cho dưa hấu.

Sử dụng hàng Việt - Nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng

Sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành đã giúp Cuộc vận động (CVÐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là CVÐ) ngày càng lan toả mạnh mẽ.

Tâm huyết với nghề làm bánh phồng

Có hơn 20 năm gắn bó với công việc chế biến và kinh doanh bánh phồng tôm, hộ bà Dương Thị Quyết (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình chế biến, để đưa nhiều sản phẩm chất lượng đến với khách hàng.

Giải pháp tài chính hay “bẫy nợ” tiềm ẩn?

Thẻ tín dụng hiện nay trở thành công cụ tài chính phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự gia tăng sử dụng thẻ tín dụng cũng kéo theo những mối nguy không thể xem nhẹ.

Ðảng viên điển hình phát triển kinh tế

Gia đình ông Trần Quốc Hưng, 49 tuổi, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ là điển hình trong phát triển kinh tế từ trồng hoa màu theo Nghị quyết số 03 của Huyện uỷ Phú Tân về việc "Phát động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tận dụng sân, vườn, bờ liếp và bờ bao vuông tôm để trồng cây trái, hoa màu tăng thu nhập”.

Mùa gặt thuê trên đất lúa – tôm

Thời điểm này, các cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, đang vào mùa chín rộ, người dân tranh thủ thuê nhân công gặt lúa. Ðây là dịp để những người gặt lúa thuê bắt đầu công việc mưu sinh theo thời vụ, có thêm thu nhập.

Khô cá bổi vào vụ Tết

Thời điểm này, tại làng nghề làm khô cá bổi ở ấp Ðá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nhộn nhịp không khí sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Vốn tín dụng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã và đang chung tay thực hiện hiệu quả Nghị định số 28/2022/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (Chương trình). Về vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi cụ thể cùng ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh.

Thay đổi tư duy sản xuất

Huyện Năm Căn có thế mạnh nuôi thuỷ sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn nuôi tôm quảng canh truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; cùng với đó, loại hình nuôi này đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên năng suất không cao. Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất cho người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, UBND xã Ðất Mới tổ chức lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng cảnh cải tiến (QCCT).