19 năm khoác áo lính, 14 năm hình ảnh anh quân y Phạm Văn Hích (Đồn Biên phòng Sông Đốc) trở nên thân thuộc, gắn bó với người dân thị trấn Sông Đốc. Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, biển động hay bình yên, khi nhận thông tin có ngư dân bệnh cần cấp cứu anh lại tất tả lên tàu ra biển. Với anh, “bộ đội không có giờ”, bởi ngư dân gặp nạn thì người có mặt sớm nhất để cứu hộ, cứu nạn trên biển chính là bộ đội biên phòng.
19 năm khoác áo lính, 14 năm hình ảnh anh quân y Phạm Văn Hích (Đồn Biên phòng Sông Đốc) trở nên thân thuộc, gắn bó với người dân thị trấn Sông Đốc. Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, biển động hay bình yên, khi nhận thông tin có ngư dân bệnh cần cấp cứu anh lại tất tả lên tàu ra biển. Với anh, “bộ đội không có giờ”, bởi ngư dân gặp nạn thì người có mặt sớm nhất để cứu hộ, cứu nạn trên biển chính là bộ đội biên phòng.
Hết lòng vì nhân dân
Những ngày cuối tháng 12, sau khi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho đơn vị, Trung uý Phạm Văn Hích, quân y Đồn Biên phòng Sông Đốc, cùng với cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực đi tiêm ngừa sởi/ rubella cho các em học sinh Trường Tiểu học 1 Sông Đốc. Đây là một trong những công việc thường ngày của anh nếu trên biển không có ngư dân bị bệnh cần cấp cứu.
Hình ảnh anh quân y Phạm Văn Hích (Đồn Biên phòng Sông Đốc) trở nên thân thuộc với người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. |
Trung uý Phạm Văn Hích chia sẻ: “Nhờ được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng, Ban Quân y quan tâm tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ mà tôi càng làm tốt nhiệm vụ. Bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi để chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt hơn”.
Anh kể, năm 2003 xảy ra sự việc 9 ngư dân tàu Kiên Giang bị ngộ độc cá nóc. Khi nhận được tin, anh lên tàu ra biển nhưng khi đến nơi đã có 1 ngư dân tử vong, 5 ngư dân khác đang nguy kịch. 1 ngày, 2 đêm, anh cùng đồng đội truyền dịch, chích thuốc, cho uống thuốc giải độc và nhanh chóng chuyển 8 ngư dân về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Trần Văn Thời. Nhờ được sơ cứu ban đầu kịp thời nên sau 1 tuần 8 ngư dân hoàn toàn bình phục.
Cách đây 2 năm, thị trấn Sông Đốc là một trong những điểm nóng của các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, thậm chí cả bệnh sởi. Thời điểm dịch bệnh xảy ra là lúc anh và cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Đốc lại oằn mình chống dịch. Vừa đi phun thuốc dập dịch, quân y Phạm Văn Hích lại cùng anh em bên y tế tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Những nỗ lực ấy đã có được kết quả đáng khích lệ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thị trấn Sông Đốc chỉ xảy ra hơn 10 ca bệnh sốt xuất huyết. Với những đóng góp của mình, năm 2012, Trung uý Phạm Văn Hích vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh về “công tác cứu hộ, cứu nạn”.
Thiếu tá Võ Văn Dúl, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc, chia sẻ: Đảng uỷ Đồn Biên phòng Sông Đốc luôn xác định công tác quân, dân y kết hợp phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng biển đối với các cán bộ quân y Đồn Biên phòng không đơn thuần là một hoạt động xã hội, mà từ những việc làm có ý nghĩa này, tình cảm quân, dân ngày thêm gắn bó. Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng còn trích một phần lương để khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 245 người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Blouse trắng gắn bó với xã khó khăn
Địa bàn rộng, dân cư đông nên so với các xã khác Tân Thuận có đến 2 trạm y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và cả nguồn nhân lực được “chia hơi” giữa Trạm Y tế xã Tân Thuận và Phân trạm Lưu Hoa Thanh. Khó khăn là vậy nhưng bằng lòng yêu nghề, vượt khó nên dù “nước lớn tràn bờ, nước ròng cạn bãi”, Tân Thuận vẫn là nơi gắn bó của Bác sĩ Nguyễn Minh Thuỳ (Trưởng Trạm Y tế xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi).
Vườn thuốc nam là một trong những thành quả mà Bác sĩ Ngô Minh Thuỳ và đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình khắc phục chuyện ngập nước ở xã ven biển như Tân Thuận. |
Nước lớn tràn bờ và nước ròng cạn bãi, từ Trạm Y tế Tân Thuận đến Phân trạm Lưu Hoa Thanh (hơn 10 km và qua 1 chuyến phà) nên Trưởng trạm Nguyễn Minh Thuỳ phải mất hơn 30 phút chạy xe. Hiện nay, Phân trạm Lưu Hoa Thanh chỉ còn y sĩ và nữ hộ sinh (bác sĩ phó trưởng trạm đã bỏ việc hơn tháng nay) nên chuyện đi lại của anh càng nhiều và càng vất vả hơn.
Anh bảo, UBND huyện đầu tư hơn 200 triệu đồng nên Phân trạm Lưu Hoa Thanh đã khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho hơn 1.000 hộ dân, nhất là dân nghèo ven biển. Dù chuyện đi lại có vất vả bao nhiêu, anh em y, bác sĩ cũng cố gắng khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Và cũng bởi nguyên nhân nữa là nếu đi qua Đông Hải, Bạc Liêu khám, chữa bệnh thì người dân phải tốn tiền.
Năm 2014, với sự nỗ lực của ngành y tế Cà Mau, toàn tỉnh đạt 8,4 bác sĩ/10.000 dân; 100% ấp, khóm có nhân viên y tế hoạt động; 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ. Bên cạnh đó, 23,59 giường bệnh/10.000 dân; 86,13% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (trung bình cả nước là 55%). |
Từ mỗi năm chỉ có khoảng 11.000-12.000 lượt người đến khám, chữa bệnh (năm 2011), thì 11 tháng năm 2014, Trạm Y tế xã Tân Thuận và Phân trạm Lưu Hoa Thanh đã tiếp nhận điều trị cho trên 23.000 lượt người.
Bị bệnh viêm gan và rối loạn tiền đình, nhà xa huyện hơn 1 tiếng đồng hồ đi xuồng, bà Lê Thị Tuyết, 57 tuổi (ấp Hoà Hải, xã Tân Thuận) yên tâm, tin tưởng đội ngũ y, bác sĩ trạm y tế xã. Bà Tuyết phân trần: “Chuyện đi lại khó khăn, tốn kém nên 5 ngày là tôi mang bảo hiểm y tế qua trạm khám bệnh, lấy thuốc uống. Ở nơi xa xôi, hẻo lánh như vầy, nếu không có trạm y tế gần nhà chắc sức khoẻ của tôi không được như hôm nay”. Thấu hiểu được vất vả của người bệnh khi không có trạm y tế, vợ chồng bà hiến hơn 1.500 m2 đất để xây dựng trạm y tế. Rồi biết chuyện đi lại khó khăn của Bác sĩ Thuỳ khi nhà xa trạm, vợ chồng bà cũng cho mượn đất cất nhà.
Từ cái tâm của một người thầy thuốc, rồi cảm mến tấm lòng mộc mạc, chân tình của người dân nghèo ven biển, sau khi kết thúc 4 năm chuyên tu, năm 2011, Bác sĩ Nguyễn Minh Thuỳ quyết định gắn bó với Trạm Y tế xã Tân Thuận (năm 2003-2007 anh là y sĩ của trạm). Trong tâm niệm của mình, anh luôn nghĩ dù công tác ở đâu, điều kiện có khó khăn như thế nào thì người thầy thuốc phải là một “lương y như từ mẫu”./.
Bài và ảnh: Thanh Phương