ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:28:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngán ngẩm vụ lúa hè thu

Báo Cà Mau (CMO) Những cơn mưa đầu năm 2017 như trút nước khiến 1.200 ha lúa vụ 3 của nông dân huyện Trần Văn Thời thất trắng. Bước sang vụ lúa hè thu này, nông dân cũng chỉ biết trông chờ vào thời tiết. Nhiều hộ sạ đến 2–3 lần, nhưng cây lúa vẫn không chống chọi nổi với thiên nhiên khắc nghiệt. Lỗ chồng lỗ, nợ chồng nợ, nông dân vùng sản xuất lúa nức tiếng một thời đang phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm tiếp hay chuyển đổi?

Đầu năm nay, mưa trái mùa làm vụ đậu xanh trên đất ruộng của bà con huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại hơn 650 ha. Thấy trong ruộng còn nhiều nước, không muốn bỏ đất trống nên người dân tự phát làm lúa vụ 3. Kết thúc vụ lúa này, số hộ huề vốn đếm trên đầu ngón tay, còn lại, người nào làm nhiều lỗ nhiều, làm ít lỗ ít.

Thiên tai lại thêm “nhân tai”

Ông Huỳnh Chí Tâm, ấp Kinh Hãng A, xã Khánh Hưng nhớ lại, mặc dù chính quyền địa phương có khuyến cáo không nên sạ lúa vụ 3 do thời tiết thất thường, dễ phát sinh dịch bệnh, đồng thời làm ảnh hưởng đến việc cày ải chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Thế nhưng khi đó người dân đã sạ được gần 2 tuần. Thấy lúa phát triển tốt, nên nhiều hộ sau đó đồng loạt xuống giống sản xuất lúa vụ 3.

Thời tiết thất thường dễ xảy ra dịch bệnh trên lúa nhưng không được ngành chuyên môn hỗ trợ nhiệt tình, nông dân lo ngai ngái.

Ông Huỳnh Chí Tâm ngán ngẩm: “Hai chục năm làm ruộng, đây là năm đầu tiên tháng hạn mà mưa ngập ruộng như vậy. Mấy năm trước sống nhờ mùa đậu xanh, năm nay trời mưa nên thất trắng mà bỏ đất trống thì uổng, nên tôi mới xuống giống vụ 3. Mạ lên cỡ gang tay rồi mới khuyến cáo không cho làm. Bà con đổ tiền giống, phân thuốc xuống ruộng rồi sao nỡ bỏ”.

Cây lúa vụ 3 được hơn 40 ngày, mưa nhiều cộng với nắng gắt làm cho mặt ruộng nóng lên, lúa không phát triển. Không chủ động được đường xả nước nên 659 ha lúa vụ 3 của 376 hộ dân xã Khánh Hưng bị thiệt hại nặng nề, năng suất chỉ từ 2,5–3 tấn/ha. Còn hơn 70 ha là thất trắng hoàn toàn.

Ông Hồ Chí Hiếu, ấp Công Nghiệp A, xã Khánh Hưng ngậm ngùi: “40 công làm lúa vụ 3 thất trắng, lỗ hơn 40 triệu đồng. Lúa cỡ 1 tháng đã xanh mướt, bà con trong ấp thấy vậy nên sạ theo. Ai cũng bỏ công, bỏ tiền vô lúa vụ 3, tới thu hoạch một công cao nhất chừng 10 giạ. Do mưa lớn quá nhưng không có đắp bờ bao, nước ngập mặt ruộng mà không có đường xổ nước”.

Những năm qua, tỉnh đầu tư xây dựng và sữa chữa nhiều công trình thủy lợi với kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, những công trình này vẫn chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong đợi. Một nghịch lý là khi vùng ngọt hóa Trần Văn Thời được khép kín thì việc sản xuất của nông dân một số xã ven cống, ven đập thủy lợi lại càng khó khăn hơn. Mùa mưa, nhiều vùng lúa bị nhiễm phèn, nhu cầu cần xây cống tháo nước rửa phèn, cải tạo đất lại không được thực hiện. Trong khi nhiều cống được xây dựng lãng phí, nằm hờ hững, làm cản trở lưu thông dòng chảy, phèn ứ đọng, nên việc xử lý và cải tạo đất gặp rất nhiều khó khăn.

10 công ruộng của ông Ba Vị đã sạ lần thứ 2.

Khánh Hưng vốn là một xã có diện tích trồng lúa lớn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 22%. Trong đó, 6 ấp có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa/năm, trong khi điều kiện tự nhiên để sản xuất lại gặp nhiều khó khăn.

Dù là vùng bị nhiễm phèn nhiều năm, nhưng không ai tư vấn cách xử lý. Nông dân thì chỉ còn cách xem ti vi, rồi truyền tai nhau cách bón phân, vãi thuốc dựa vào thời tiết. “Phèn đến nỗi tháng hạn mưa xuống mà ốc bươu vàng còn chết. Do làm lúa vụ 3 nên trà lúa vụ hè thu được hơn 1 tháng bị ngộ độc hữu cơ và nhiễm phèn, thúi rễ; nắng lên là xì phèn, cây lúa nào sống nỗi. Tháng 7 rồi mà tôi sạ lần này lần thứ 3 mà còn chưa chắc chắn”, ông Nguyễn Văn Hận, ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng trăn trở.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng Lê Thanh Nhì cho biết, do nông dân phải thu hoạch lúa vụ 3 nên việc cải tạo đất trễ hơn so với mọi năm. Đã gần cuối mùa vụ hè thu nhưng nhiều ruộng lúa chỉ mới 40–50 ngày. Hiện toàn xã có hơn 160 ha đất bị nhiễm phèn. Trong nhiều cuộc tiêp xúc cử tri, một số người thì muốn chuyển đổi sang nuôi tôm, trồng keo lai, trồng chuối; hoặc Nhà nước đầu tư vốn để xổ nước, đắp bờ bao, cải tạo lại đất ruộng. Đồng thời, phải linh hoạt hệ thống thủy lợi, đóng, mở cống theo thời tiết chứ không nên tuân theo lịch khuôn mẫu. Hiện chính quyền địa phương sẽ xem xét và trình ý kiến để đưa ra giải pháp cho bà con”.

Cá đồng: Khó làm, dễ mất

Sản xuất lúa 2 vụ gặp khó, diện tích cá đồng thì ngày càng bị thu hẹp. Cuộc sống của nông dân càng chật vật với miếng cơm, manh áo. Tình trạng khai thác không theo mùa, tận diệt, trộm cá bằng xiệc điện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi cá đồng. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan cũng khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.

Ông Hồ Văn Trường, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc chăm sóc đồng ruộng gần 70 ngày tuổi của mình.

Ông Đặng Hoàng Minh, ấp Đòn Dong, xã Khánh Lộc phân trần: “Chừng 10 năm trước thì cá đồng nhiều lắm, rẻ rề, vậy mà mỗi năm thu hoạch cũng trên 30 triệu đồng. Năm này thu hoạch thì chừa cá giống cho năm sau. Còn bây giờ, trộm xiệc điện, cá con chết hết. Chính quyền cũng có tuyên truyền vận động bà con khôi phục cá đồng. 10 công ruộng tôi thả hơn 5.000 con cá giống, cũng hơn 10 triệu đồng. Thả cá xuống ruộng, ngày nào cũng đi canh, đi giữ, mà trộm xiệc một lần là cá lớn, cá con đều chết hết”.

Cá đồng ngày một khan hiếm nên giá bán rất cao. Cá lóc, cá trê hơn 100.000 đồng/kg, cá rô 70.000–80.000 đồng/kg. Vào thời điểm cận Tết, giá cá tăng thêm từ 30.000–50.000 đồng/kg. Vậy mà giờ đây, người dân không còn mặn mà với con cá đồng nữa. Còn nuôi cá công nghiệp thì cần có nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi thời gian gần đây, cá bổi rớt giá thê thảm. “Nhắc tới cá bổi mắc ngán. Bán xong vụ cá bổi lỗ gần 10 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Mấy cái ao tôi chuyển qua thả cá trê, cá bống tượng, chứ đeo theo con cá bổi thì không sống nổi”, ông Đặng Hoàng Dũng, ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc ngán ngẩm.

Để khôi phục và mở rộng diện tích cá đồng trên ruộng lúa, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Dự án lúa – cá đồng được triển khai thực hiện từ năm 2009 với 14.000 ha. Bình quân, mỗi năm cho thu hoạch trên 100 kg/ha. Tuy nhiên, đến nay, việc duy trì thả cá đồng đang dần bị thu hẹp. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn cá đồng trên ruộng lúa của mình. Đồng thời, ngăn chặn khai thác, đánh bắt cá đồng sai quy định. Kiên quyết xử lý hành vi xiệc điện, trộm bắt cá đồng, mua bán cá non với hình thức tịch thu, hoặc xử phạt hành chính”.

Dù là lúa hay cá đồng, nếu chính quyền cùng với nông dân chủ động, linh hoạt trong tính toán, nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhau trong sản xuất thì vùng được mệnh danh là cái nôi nông nghiệp như huyện Trần Văn Thời sẽ không đứng trước những thử thách như hiện nay.

Phóng sự của Trịnh Thảo

Nhìn đồng lúa gần 70 ngày xanh mướt, ông Hồ Văn Trường, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc vừa mừng vừa lo: “Năm nay chuột quá nhiều, cắn phá dữ. Lúc thu hoạch vụ đông xuân tới giờ tôi kiếm được cả chục triệu đồng tiền bán chuột. Năm ngoái tôi bao bờ xung quanh ruộng, thả khoảng 5.000 con cá đồng giống, tới Tết thu hoạch giá cao nên bán cũng gần 100 triệu đồng, mà phải đi canh dữ lắm. Năm nay tôi thả 10.000 con. Nếu thuận lợi thì cũng gỡ gạc được chi phí cho vụ lúa. Vụ lúa năm nay nếu tiếp tục mưa nhiều thì có nguy cơ bị ngập úng. 12 công ruộng, huề được tiền giống, phân thuốc là mừng rồi”

 

“Nhà nước thì có chủ trương trữ nước giữ rừng. Trời mưa ngập ruộng mà không cho mở cống để xổ nước, phải đợi đúng lịch mới mở. Vụ đông xuân mưa trái mùa, đi gặt mà nước dưới ruộng lên gần tới đầu gối, máy cắt không được. Phèn tích tụ dưới ruộng mỗi năm càng nhiều, không xổ nước nên bà con không cày ải được, tới mưa xuống là lúa bị nhiễm phèn chết. Không cày được nên cỏ dại lên, xịt thuốc diệt cỏ hai ba lần mới sạ được. Rồi phải vãi phân khử phèn. Tốn đủ thứ chi phí. Trong khi chỉ cần hệ thống cống linh hoạt theo thời tiết, mưa thì xổ nước, nắng thì đóng lại cho dân cày xới, rửa phèn. Còn đằng này cứ tuân theo lịch cấp trên đặt ra, hoạt động không linh hoạt cho nông dân sản xuất thì xây cống làm gì. Ruộng không khô nước, rễ lúa không ăn sâu, tới tháng 7, tháng 8 thu hoạch bị mưa giông là lúa đổ sập nữa”, anh Nguyễn Minh Dương, Phó trưởng ấp Công Nghiệp A, xã Khánh Hưng bức xúc.

 

“Phóng viên nhà báo năm nào cũng xuống quay phim, cán bộ nông nghiệp thì đi khảo sát mà có thấy thay đổi gì đâu. Cô có giận thì tui chịu. Chứ tôi hỏi cô, vùng đất ven lộ này ứ phèn nhiều năm rồi, năm nay thì mưa trái mùa mà không có cống tháo nước ra vô, vậy là lúa chết. Đầu vụ hè thu tới giờ sạ hai lần, mua giống, phân thuốc rải vô như đổ sông đổ biển. Cuối vụ một công đất thu hoạch có 2–3 giạ, nông dân lấy gì sống? Càng làm lúa càng nợ, chỉ có nước đi Bình Dương làm trả nợ”, ông Trần Văn Vị (Ba Vị), ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc bức xúc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.