Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với học sinh, thầy Phan Thanh Thứ, giáo viên Trường THPT Thới Bình, gặt hái được nhiều thành tích trong công tác, đặc biệt là công tác chủ nhiệm lớp. Liên tục nhiều năm liền, thầy Phan Thanh Thứ đều được hội đồng chủ nhiệm Trường THPT Thới Bình, học sinh bình chọn là giáo viên chủ nhiệm xuất sắc.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với học sinh, thầy Phan Thanh Thứ, giáo viên Trường THPT Thới Bình, gặt hái được nhiều thành tích trong công tác, đặc biệt là công tác chủ nhiệm lớp. Liên tục nhiều năm liền, thầy Phan Thanh Thứ đều được hội đồng chủ nhiệm Trường THPT Thới Bình, học sinh bình chọn là giáo viên chủ nhiệm xuất sắc.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu nhận lớp chủ nhiệm, thầy tiến hành điều tra về tình hình học tập, ước mơ, suy nghĩ dự định tương lai của học sinh, cũng như hoàn cảnh gia đình của các em thông qua nhiều kênh thông tin như: giáo viên chủ nhiệm năm trước, hồ sơ học bạ, giáo viên bộ môn, phiếu điều tra… Trên cơ sở đó, phân loại ra các đối tượng học sinh “cá biệt” về: hoàn cảnh, học tập (học lực kém, thiếu ý thức học tập), đạo đức…
Hình thành nhóm học tập, giúp học sinh vươn lên trong học tập. |
Ðối với mỗi học sinh “cá biệt” cần có biện pháp giáo dục phù hợp mới mang lại hiệu quả cao. Ðể giúp học sinh cá biệt về hoàn cảnh xoá bỏ tự ti, vươn lên trong học tập, cuộc sống, thầy Thứ cho biết: “Trước hết, giáo viên cần điều tra tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình của các em. Trên cơ sở đó, động viên, khuyến khích các em phải biết cố gắng vươn lên trong học tập, thông qua những buổi trò chuyện, nêu những tấm gương vượt khó, học giỏi, thành đạt trong cuộc sống... Cùng với tập thể lớp gần gũi để các em xoá bỏ được tâm lý mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh gia đình, từ đó nỗ lực, cố gắng vươn lên, hoà nhập với tập thể. Phối hợp với các tổ chức Ðoàn thanh niên xét học bổng nghèo vượt khó; kiến nghị Hội phụ huynh học sinh có hình thức giúp đỡ đối với các học sinh này...”.
Thầy Thứ chia sẻ thêm: Giúp đỡ học sinh có học lực yếu kém, ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học… là những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm cần liên hệ với giáo viên bộ môn nắm bắt chất lượng thông qua bài khảo sát đầu năm, trên cơ sở đó rà soát, lập danh sách cụ thể những học sinh có học lực yếu, kém, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, rồi phân loại theo các tiêu chí: hổng kiến thức căn bản, lười học, tiếp thu bài chậm, điều kiện gia đình khó khăn… Phối hợp với giáo viên bộ môn, giúp đỡ các em củng cố kiến thức, vươn lên trong học tập. Hằng tháng, thống kê tình hình học tập của các em báo cáo cụ thể về gia đình để có hướng phối hợp giáo dục.
Trong công tác chủ nhiệm, giáo dục học sinh “cá biệt” về đạo đức là khó hơn cả, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có cái “tâm”, sự tận tuỵ, nhiệt tình. Bởi đây là đối tượng thường xuyên vi phạm nội quy trường, lớp; học tập không nghiêm túc; thậm chí gây gổ đánh nhau… làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền nếp chung của nhà trường và chất lượng giáo dục. Ðể “cảm hoá” được đối tượng học sinh này, theo thầy Thứ, giáo viên cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh sống, gia đình học sinh, các mối quan hệ xã hội của các em... Thường xuyên gần gũi, quan tâm, chia sẻ, động viên học sinh học tập, có thái độ thân thiện tạo cho các em một “chỗ dựa” để có thể sẻ chia những khó khăn, vướng mắc trong học tập, cuộc sống. Thực tế cho thấy, những học sinh “cá biệt” phần lớn đều bị thu phục bởi cái tâm, cái tình của người thầy.
Khi các em có những biểu hiện tiến bộ, dù chậm, hay những việc làm tốt giáo viên cần động viên, khuyến khích kịp thời. Ðây sẽ là động lực rất lớn cho các em thêm niềm tin vươn lên trong học tập, cuộc sống. Theo thầy Thứ, khen học trò là cả nghệ thuật, nếu khen đúng người, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ rất hiệu quả. Do đó, giáo viên phải biết điểm mạnh của học sinh yếu và có khen thưởng, động viên, khích lệ giúp các em tự tin hơn về bản thân, cũng như cho học sinh khác cơ hội nhìn thấy điểm tốt của bạn để không xa lánh bạn và có cái nhìn thiện cảm về bạn./.
Bài và ảnh: Mạnh Thắng