ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 11:25:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngành Công an bứt phá 3 nhiệm vụ lớn - Bài 2: Toàn tâm, toàn lực cấp căn cước công dân

Báo Cà Mau (CMO) Tận dụng lực lượng, phương tiện, phát huy hết công suất, không kể ngày hay đêm, ngày nghỉ hay lễ, Tết, gần 7 tháng qua, lực lượng làm nhiệm vụ cấp căn cước công dân (CCCD) trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã nỗ lực làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất song song với nhiệm vụ đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Hết việc, không hết giờ

Toàn tỉnh Cà Mau có 977.882 lượt công dân đủ điều kiện cấp CCCD trong 2 đợt theo chỉ tiêu Bộ Công an đề ra. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tinh thần “Hết lòng vì Nhân dân phục vụ”, cùng phương châm “Hết việc không hết giờ”, Công an tỉnh Cà Mau xuất sắc “ghi điểm” với cấp trên khi mang về thành tích cao trong công tác cấp CCCD cho người dân trên địa bàn.

Thiếu tá Ðặng Công Bằng, Ðội phó Ðội Hướng dẫn quản lý cư trú, cấp quản lý chứng minh Nhân dân, CCCD (Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh), cho biết, ngay thời điểm triển khai cấp CCCD, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người; số lượng chứng minh Nhân dân còn thời hạn sử dụng trong dân khá cao; một số trường hợp thiếu thủ tục theo quy định như chưa có thông tin ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, số người vắng mặt tại địa phương do đi làm ăn xa khá lớn… Ðây là một trong những trở ngại và nguyên nhân làm hạn chế kết quả đạt được trong quá trình cấp CCCD cho bà con. "Song, với nỗ lực quyết tâm, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ, sự phối hợp nhiệt tình của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và tuỳ điều kiện, mỗi địa phương đã vận dụng biện pháp phù hợp để đạt kết quả cao nhất có thể”, Thiếu tá Bằng cho biết thêm.

Gần 21 giờ đêm 25/6, chúng tôi có mặt tại điểm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD Công viên Hùng Vương, Phường 5, TP Cà Mau. Lượng người đến làm CCCD khá đông, nên được bố trí ngồi giữ khoảng cách để đảm bảo phòng chống dịch bệnh; riêng cán bộ, chiến sĩ làm việc miệt mài, cật lực, bình quân mỗi ngày đơn vị này cấp CCCD cho 600-800 lượt công dân, đặc biệt anh em làm việc xuyên đêm, với quyết tâm hết người đến làm CCCD mới xong việc.

Lực lượng làm nhiệm vụ xuyên đêm cấp CCCD. (Ảnh chụp tại Công viên Hùng Vương, Phường 5, TP Cà Mau).

Bà Nguyễn Thị Dân, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Ban ngày tôi mua bán ở chợ, do đó tôi tranh thủ buổi tối sang đây làm CCCD. Mọi người đến rất đông, lại phải thực hiện theo quy định phòng chống dịch bệnh, cán bộ làm nhiệm vụ rất vất vả, nhiệt tình, chúng tôi hoan nghênh tinh thần ấy”.

Từ đầu tháng 1 đến khoảng giữa tháng 7 vừa qua, điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là hình ảnh chiến sĩ công an tham gia các tổ lưu động cấp CCCD xuống tận trụ sở sinh hoạt các khóm, ấp, trường học, địa bàn đông dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân làm CCCD theo quy định. Trong chiến dịch cấp CCCD lần này, Công an tỉnh đã bố trí 20 bộ trang thiết bị chuyên dụng cấp CCCD, chia thành 20 tổ cấp CCCD lưu động, mỗi tổ 15-20 cán bộ, chiến sĩ, lần lượt về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con làm CCCD.

Theo đó, tổ cấp CCCD lưu động chia làm 3 ca trực/ngày, không giới hạn thời gian, làm việc đến khi nào không còn dân đến làm CCCD mới thôi. Với sự nỗ lực, quyết tâm cấp CCCD, tính đến ngày 30/6, Cà Mau xuất sắc đạt 95,5% trong tổng số chỉ tiêu 723.000 người (của đợt 1). Ðợt 2 (tính từ ngày 1-30/7), Bộ Công an tiếp tục giao thêm chỉ tiêu cho tỉnh Cà Mau là 245.882 lượt người. Cộng dồn kết quả của 2 đợt cấp CCCD, đến thời điểm 12/7 (khi Bộ Công an có chủ trương dừng hoạt động cấp CCCD, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp), tỉnh Cà Mau thực hiện đạt 75% trong tổng số 977.882 lượt công dân.

Vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thượng tá Ðặng Kim Loan, Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết, với quyết tâm làm hết khả năng để đạt chỉ tiêu cao nhất có thể trong chiến lược cấp CCCD, ban đầu khi mới bắt tay thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu Bộ Công an đề ra mỗi đơn vị cấp 600 hồ sơ/ngày. Tuy nhiên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau khuyến khích, đôn đốc mỗi đơn vị nỗ lực cấp 700 hồ sơ/ngày. Ban đầu từ việc người dân tìm đến địa điểm cấp CCCD, tới giai đoạn nước rút, lực lượng làm nhiệm vụ xuống tận địa bàn ấp, khóm đông dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân làm CCCD.

Huyện Ngọc Hiển, địa phương mang đặc trưng vùng sông nước Cà Mau, với trên 80.000 nhân khẩu, chủ yếu đi lại bằng đường thuỷ, gây khó khăn nhất định cho địa phương trong quá trình cấp CCCD.

Trung tá Mã Thanh Huyên, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Ngọc Hiển, cho biết, chỉ tiêu cấp CCCD tỉnh đề ra cho huyện Ngọc Hiển là 60.847 công dân, tuy nhiên, theo rà soát có đến 14.930 nhân khẩu vắng mặt tại địa phương (trong đó có 3.551 đi là ăn xa, còn lại không liên lạc được). Với điều kiện thực tế khó khăn như trên, Công an huyện đã đề ra kế hoạch thực hiện: Ưu tiên triển khai cấp CCCD cho địa bàn có đông dân cư, dễ làm trước; kế đến bố trí phương tiện, máy móc xuống tận địa bàn ấp cấp CCCD, kết hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể rà soát, bố trí nhiều phương tiện đưa, rước hỗ trợ người cao tuổi, hộ thiếu phương tiện đi lại đến điểm cấp CCCD.  

Là đơn vị dẫn đầu so với các huyện, thành phố trong tỉnh trong chiến dịch cấp CCCD, huyện Trần Văn Thời đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hay để đạt thành tích cao nhất. Có mặt tại điểm cấp CCCD trụ sở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, dù đông nhưng số người được bố trí phù hợp, giữ khoảng cách, bà con phấn khởi, hài lòng.

Vừa nỗ lực cấp CCCD, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại trụ sở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời).

Ông Ngô Trung Tình (Khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời), cho biết: “Tôi nhận thấy cách bố trí, sắp xếp của cán bộ, chiến sĩ rất khoa học. Tôi được gọi để hẹn lịch làm CCCD nên rất thuận lợi, nhanh chóng, trong vòng 20 phút, đặc biệt hoan nghênh việc bố trí, tuân thủ 5K, sát khuẩn, giữ khoảng cách cho người đến làm CCCD, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Thượng tá Kiều Minh Ðược, Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cán bộ, chiến sĩ đảm trách nhiệm vụ này làm việc trên tinh thần hướng đến hoàn thành công việc và các chỉ tiêu đề ra, không kể đến ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ hay ban đêm".

Ðể việc cấp CCCD thuận lợi, không quá tải, hiệu quả, phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Trần Văn Thời phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong dân nâng cao ý thức tự nguyện đi làm CCCD; gửi giấy mời công dân đến theo khung giờ phù hợp; rút ngắn thời gian làm thẻ từ 7 phút/thẻ xuống còn 3 phút/thẻ. Khi lượng người đến làm CCCD ít, đơn vị bố trí máy và lực lượng xuống tận ấp, khóm, khu đông dân cư… Cách làm ấy giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra.

Với kết quả đạt được, Công an huyện Trần Văn Thời vinh dự là 1 trong 11 tập thể của cả nước được Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích trong thực hiện chiến dịch cấp CCCD. Ngoài ra, để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tham gia cấp CCCD, Trưởng Công an huyện đề nghị Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng 1 tập thể, 3 cá nhân; Chủ tịch UBND huyện khen thưởng 18 cá nhân về thành tích xuất sắc trong thực hiện chiến dịch./.

 

Loan Phương

BÀI CUỐI: CHIẾN CÔNG TRONG ÐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.