ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-6-25 10:34:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngày giải phóng Cà Mau

Báo Cà Mau

Buổi sáng hôm đó, trời trong vắt. Ðồng rạ trải khô. Gió mỗi lúc thổi mạnh.

Vừa đặt chân lên Bắc Cà Mau, bao nhiêu bỡ ngỡ thoạt đầu đến với tôi về đất và người nơi đây: một vùng chiến sự ác liệt bị bom đạn giặc cày xới tan hoang, duy chỉ con người còn bám trụ. Và khi chưa liên hệ được với Ban Chỉ huy tiền phương (Ban Chỉ huy chiến dịch ngoài mặt trận), tôi phải tự mình “xung phong” vào biên chế của đội vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh để kịp hoạt động.

Thấy chúng tôi đang ngồi tụm năm tụm bảy dưới bóng cây còng cổ thụ tại ngã ba xóm Ô Rô, bà con mỗi lúc kéo đến một đông. Gương mặt mỗi người vừa không giấu được sự lo lắng vừa pha lẫn niềm vui. Chúng tôi mở lớn Radio cho bà con nghe, cùng theo dõi thời sự, chiến cuộc trong nước. Ðến khoảng 10 giờ ngày 30/4/1975, qua máy Radio, bỗng xuất hiện trên sóng Ðài Phát thanh Sài Gòn tiếng nói của Dương Văn Minh, Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn mới chấp chánh thay Tổng thống Trần Văn Hương chưa đầy một tuần, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và kêu gọi binh lính hãy buông súng.

Ðội vũ trang tuyên truyền khi đó lập tức hành quân. Tôi tách ra khỏi đội vì cũng vừa bắt được liên lạc với Ban Chỉ huy tiền phương chiến dịch. Chính tại Ban Chỉ huy tiền phương, tôi được cung cấp kịp thời và đầy đủ tin tức chiến sự. Tình thế tuy vậy nhưng vẫn còn gay go. Là bởi quân Việt Nam Cộng hoà (VNCH) ở Sài Gòn bị ta đập tan, Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng. Song, các đồn bót trong tỉnh Cà Mau, mà đặc biệt là bọn chỉ huy đầu não Tiểu khu An Xuyên (chỉ huy cấp tỉnh của chính quyền VNCH) còn trì hoãn.

Tại Ban Chỉ huy tiền phương chiến dịch, dưới mái lều dã chiến, tôi mở vội ba lô lấy ra cuốn sổ tay ngồi ghi chép... Từ 20-30/4/1975: các huyện Thới Bình, Châu Thành, Duyên Hải (bao gồm Ðầm Dơi và Ngọc Hiển ngày nay) quân ta liên tục tấn công địch, loại khỏi vòng chiến đấu 131 tên, bắt sống 20 tên, đánh rã 1 trung đội phòng vệ dân sự, tiêu diệt bức hàng, bức rút 6 đồn bót, có 1 phân chi khu, bắn chìm và cháy 5 tàu sắt, phá huỷ 3 khẩu pháo (có 1 khẩu 155 ly) và 1 kho đạn. Ðêm 30/4, sau khi nhận được lệnh, từ phía Bắc thị xã, một bộ phận của Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 2 bao vây bức rút phân chi khu lộ tẻ Tân Thành và đồn Cầu Số 2, chốt Tiểu đoàn 537. Phía Ðông, 2 tiểu đoàn 3 và 5 bao vây bức rút đồn Ao Kho.

Cùng đêm, Ban Chỉ huy tiền phương ra lệnh cho lực lượng vũ trang từ 4 hướng đưa quân ập vào áp sát thị xã với tư thế sẵn sàng tiến công tiêu diệt địch. Bằng máy PRC25, Ban Chỉ huy tiền phương kêu gọi tên Ðại tá Tỉnh trưởng Nhan Nhật Chương phải buông súng đầu hàng. Lúc đầu, tên đại tá tỉnh trưởng giằng co không chịu chấp nhận, nhưng sau đó, trước sức tấn công áp đảo bằng 3 mũi giáp công (vũ trang, chính trị, binh vận) của ta, tên tỉnh trưởng không còn cách nào khác buộc phải chấp nhận... Và hắn hứa qua máy PRC25 là đúng 7 giờ sáng 1/5 sẽ gặp ta để giao nộp vũ khí.

Ban Chỉ huy tiền phương lúc đó họp khẩn cấp và đi đến quyết định: địch đang lúc hoang mang phân hoá cao độ. Ðể chúng không còn kịp thời trì hoãn, đối phó, Ban Chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng vũ trang từ 4 hướng tiếp tục vây ép thị xã. Nếu chúng không chịu đầu hàng thì chúng ta sẽ nhất loạt tiến công tiêu diệt hoàn toàn.

12 giờ đêm 30/4, các cánh quân của ta đã thọc sâu vào đánh chiếm một số vị trí quan trọng của địch và siết chặt vòng vây thị xã, cách trung tâm chỉ huy tiểu khu tỉnh lỵ không đầy 1.000 m.

Sáng 1/5/1975, mới 6 giờ 30 phút, chưa tới giờ hẹn nhưng đã thấy từ trong nội ô thị xã có một xe Jeep chở 3 sĩ quan VNCH từ từ chạy ra theo tuyến đường lộ rải đá kinh xáng Phụng Hiệp. Còn dưới sông kinh xáng lúc đó, xôn xao không biết bao nhiêu đò dọc, xuồng máy, xuồng chèo: tất cả đều chở khẳm lính VNCH với nhiều sắc phục khác nhau nhưng đều đã quăng bỏ hết súng ống, giày vớ, đang trên đường từ thị xã Cà Mau chạy ra các vùng giải phóng, hăm hở trở về xứ sở và theo đó không biết bao nhiêu cái nón sắt được quăng bỏ trôi dạt trên sóng nước.

Hàng vạn quần chúng từ nông thôn kéo về thị xã Cà Mau mừng ngày hội lớn của dân tộc. Ảnh tư liệu VÕ AN KHÁNH

Hàng vạn quần chúng từ nông thôn kéo về thị xã Cà Mau mừng ngày hội lớn của dân tộc. Ảnh tư liệu VÕ AN KHÁNH

Về phía ta, Ban Chỉ huy tiền phương cử 2 đồng chí lãnh đạo quân sự đại diện trực tiếp gặp chúng. Ðó là đồng chí Tám Khanh (Tống Kỳ Hiệp), trong Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh; đồng chí Huỳnh My (Bùi Hữu My), Tỉnh đội trưởng; khi ấy tôi và đồng chí phóng viên quay phim của cơ quan điện ảnh Tây Nam Bộ (không rõ tên) được may mắn chứng kiến cuộc “gặp mặt” mang tính lịch sử có một không hai ấy diễn ra tại nhà chú Hai Nhung bên bờ kinh xáng Phụng Hiệp. 3 sĩ quan VNCH gồm có: Trung tá Niệm, Chỉ huy phó Tiểu khu An Xuyên (tỉnh lỵ) nhưng lúc đó hắn tự xưng là kiêm chỉ huy trưởng tiểu khu; người thứ hai là Trung tá Thương; người thứ ba Trung uý Ngọc.

Ðồng chí Huỳnh My hỏi:

- Ngài đại tá tỉnh trưởng các anh đâu?

Trung tá Niệm đầu hơi cúi, trả lời:

- Dạ... dạ... Thưa thủ trưởng (Niệm gọi đồng chí Huỳnh My và Tám Khanh bằng thủ trưởng), đại tá tụi em... chờ tiếp thủ trưởng ở trỏng (ý Niệm nói trong Dinh tỉnh trưởng của đại tá).

Ðồng chí Tám Khanh chặn lời ngay:

- Ðến giờ phút này mà các anh không thành thật. Tôi nói trước cho phía các anh biết, nếu đại tá các anh không chịu ra hàng và giao nộp vũ khí thì tôi sẽ ra lệnh bắt ngay tức khắc.

Trung tá Niệm vẫn cúi mặt, ngồi im lặng không nói.

Bất ngờ ngay lúc này, từ phía Sân bay Cà Mau có chiếc đầm già L19 bay vọt lên. Ðồng chí Tám Khanh liền chỉ tay nói:

- Ðó. Tôi nói cho các anh biết. Ngài đại tá của các anh ngoan cố quá, đã “chuồn” đi rồi đó, bỏ trốn rồi đó!

Trung tá Niệm hơi tái mặt, vẻ bối rối, nốt ruồi đen sì bằng hột tiêu bên gò má trái của Niệm như teo nhỏ lại. Một lúc sau Niệm mới mở miệng nói mấy câu lắp bắp rồi khom người xuống ký ngay vào văn bản đầu hàng. Còn Trung tá Thương, mặt tái mét đứng co ro từ đầu đến cuối không nói được lời nào. Trung uý Ngọc lăng xăng đi tới đi lui quanh bàn và không đợi chủ nhà rót nước mời khách, hắn tự cầm bình tích rót nước trà vào ly rồi bưng mời “phía ta” từng người một. Sau hết, Ngọc ân cần mời tôi một ly và còn kề tai tôi, nói nịnh: “Thưa anh, nghe hoà bình em mừng còn hơn chết đi sống lại. Em còn bà mẹ già cùng 1 vợ 2 con ở Mỹ Tho mà gần 3 năm chưa lần được về gặp mặt”.

Sự việc không ngờ diễn ra nhanh quá. Tôi ngồi hí hoáy ghi chép, nghe hắn nói tới đây cũng gật đầu tỏ vẻ “thông cảm”.

Sau khi ký xong văn bản đầu hàng, Niệm đứng dậy mời đồng chí Tám Khanh, Huỳnh My cùng hắn lên xe (ngồi phía sau), tôi và đồng chí quay phim ngồi băng ghế trước. Trung uý Ngọc bóp còi, hú ga, lái chiếc Jeep chạy cà tưng trên lộ đá thẳng về nội ô thị xã Cà Mau...

Lúc này đã gần 7 giờ sáng 1/5/1975. Xe đang chạy, chợt thấy bên hông xe Jeep có treo lá cờ “3 que”, đồng chí Huỳnh My liền vói tay giựt xé quăng lá cờ xuống đất và treo ngay lên lá cờ chiến thắng của quân ta (cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam), lá cờ do tôi bỏ vào ba lô mang theo sẵn. Khi vào tới nội ô, chiếc Jeep chở chúng tôi bắt đầu chạy chậm lại; xe lăn bánh đến đâu, bà con từ già đến trẻ trong các dãy nhà đều chạy đứng hai bên đường vẫy tay, vẫy cờ cách mạng chào đón. Tức khắc một rừng cờ, rừng người mọc lên dài theo các dãy phố, ngả đường xe qua.

Qua khỏi Cầu Quay, xe Trung tá Niệm chở chúng tôi tiến thẳng về Dinh tỉnh phó, nơi ăn nghỉ và từng chỉ huy các cuộc hành quân càn quét đẫm máu vừa qua của hắn và đồng bọn. Tất cả đều ngồi xuống giữa bộ “ghế bành” sang trọng được đặt giữa phòng làm việc của Dinh tỉnh phó. Như rối trí, thoạt tiên Niệm giới thiệu ngay về đời tư của hắn bằng giọng mềm như nước với đồng chí Huỳnh My và Tám Khanh đang ngồi gần. Và trước khi đưa chúng tôi sang trụ sở tiểu khu và Dinh tỉnh trưởng, Niệm còn nói thêm vài câu với đồng chí Huỳnh My như “trút cạn” nỗi lòng:

- Nói thiệt với anh, suốt ngày qua tôi mất ăn mất ngủ. Bây giờ được gặp các anh tôi mới thật sự yên tâm, biết mình còn sống.

Ðồng chí Huỳnh My day mặt sang Niệm, nói thẳng:

- Nhờ thua sớm. Mạng mấy anh còn lớn à. Chớ nếu không...

Bởi lẽ không đợi đến lúc Trung tá Niệm, kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu An Xuyên chịu ký vào văn bản đầu hàng vô điều kiện, mà ngay từ 1 giờ đêm 1/5, các mũi tiến công của ta đã tiến thẳng vào đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu trọng yếu của giặc trong thị xã. Ðó là: Trại Cao Thắng, Ty Cảnh sát, Ðài Truyền thanh, căn cứ hải quân, sân bay... kết hợp với phong trào quần chúng nổi dậy buộc địch phải đầu hàng từng khu vực. Ðến sáng 1/5, quân ta đã làm chủ toàn bộ thị xã Cà Mau. Lá cờ chiến thắng tung bay phấp phới trên nóc nhà toà hành chính, Dinh tỉnh trưởng nguỵ. Từ 11 giờ trở về chiều cho đến hết ngày hôm sau địch vẫn còn tiếp tục ra trình diện, giao nộp vũ khí. Ta tiếp tục truy lùng tàn quân nguỵ, thu gom vũ khí, quân trang quân dụng.

Ðúng 5 giờ chiều 1/5/1975, tại ngã sáu Bạch Ðằng, thuộc trung tâm thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau), ta tổ chức cuộc mít tinh lớn ngoài trời mừng ngày đất nước toàn thắng, kết thúc mấy mươi năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc.

Cuộc mít tinh có gần 10 ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thị xã Cà Mau nô nức kéo đến dự. Sau khi kết thúc bài diễn văn quan trọng do đồng chí Tám Khanh, Chủ tịch Uỷ ban Quân quản đọc, nối tiếp là những tràng vỗ tay dài, thật dài và cùng vang lên lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mừng ngày đất nước sạch bóng quân thù, đất nước hoàn toàn độc lập - tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội!

 

Ký của Phan Anh Tuấn

 

Phát thanh viên - Nghề của chúng tôi

Chỉ 5 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập tại Vườn hoa Ba Ðình Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin đầu tiên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, khẳng định nền độc lập tự do của một dân tộc, một đất nước đã có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới. Cũng thời điểm ấy đã khai sinh một nghề mới, đó là nghề “nói trên sóng”, mà chuyên môn gọi là xướng ngôn viên (ngày nay thống nhất gọi phát thanh viên).

CTV - Dấu ấn riêng

Ngày 18/8/2007, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau (CTV) tổ chức họp mặt Kỷ niệm 30 năm phát sóng phát thanh (19/8/1977-19/8/2007) và 20 năm phát sóng truyền hình (19/8/1987-19/8/2007). Trong chương trình văn nghệ chào mừng, thí sinh Quan Thanh Thuỷ, giải Nhất tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Cà Mau lần thứ 7-2007 hát bài “Về Ðất Mũi” (Nhạc sĩ Hoàng Hợp - thơ Lê Chí). Lời thơ đó của Lê Chí tới bây giờ vẫn còn nhắc nhở chúng ta: “Ơi! Ðất Mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Ðều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng. Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn...”.

Làm báo Tết ngày ấy

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tuyên huấn Trung ương III phụ trách công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tuyên huấn - báo chí - tuyên truyền từ Ðà Nẵng trở vào phía Nam. Năm 1978-1979, trường này mở lớp báo chí trung hạn. Tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) có số học viên đông nhất, hơn 20 người. Cuối năm 1979, lớp bế giảng, chúng tôi về bổ sung cho Báo và Ðài Phát thanh Minh Hải (hồi đó tỉnh chưa có truyền hình).

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài cuối: Báo chí thời công nghệ số

Trong dòng chảy sôi động của Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo chí Cà Mau đã và đang khẳng định vai trò là tiếng nói tin cậy của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Nếu như báo chí cách mạng trong những giai đoạn lịch sử trước đây là “chiến”, thì thời đại ngày nay, sức mạnh thông tin của báo chí là tri thức. Nghĩa là báo chí phải chuyển sang cung cấp tri thức.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam - Bài 2: Những nhà báo trung dũng

Báo chí cách mạng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu ghi nhận sự dũng cảm, mưu trí, kiên gan, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bao thế hệ nhà báo trong mưa bom bão đạn để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của “người lính đi đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cả trong thời chiến và thời bình. Nhiều người trong số họ đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

Vẻ vang báo chí cách mạng địa đầu phương Nam

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo chí Cách mạng Cà Mau và Bạc Liêu không thể tách rời với lịch sử Ðảng bộ tỉnh của 2 địa phương - đó là khẳng định của Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Nhìn về quá khứ, “cây đại thụ” của làng báo Cà Mau - Bạc Liêu, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, trên vùng đất ở thời kỳ làng nước còn hoang sơ, con người thưa thớt, song công việc làm báo nơi địa đầu phương Nam cũng đã được nhen nhóm, từng bước hình thành hoạt động báo chí chống kẻ thù cướp nước và bán nước.“Từ buổi bình minh cách mạng và trải qua các chặng đường đấu tranh, Báo chí Cách mạng Cà Mau - Bạc Liêu luôn hiện diện, sát cánh cùng Ðảng bộ và Nhân dân, trở thành lực lượng xung kích chiến đấu quên mình, vì mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng”, Nhà báo lão thành Phạm Văn Tri khẳng định.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Nhìn về tương lai đầy triển vọng

Những giải pháp và phương hướng từ ngành nông nghiệp liên tục được đề xuất, triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Bài toán cân não

Câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp Cà Mau không chỉ là hành trình số hoá những ao tôm, thửa ruộng, mà là quá trình “số hoá tư duy”, điều này không dễ dàng, khi thói quen canh tác thủ công, truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân bao đời.

Số hoá để phát triển nông nghiệp bền vững

Theo “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tích cực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong số hoá nông nghiệp và môi trường. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.