ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:32:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngày xưa có những con đường…

Báo Cà Mau (CMO) 1. Hồi đó, có lần buổi trưa má làm bánh bột luộc, sai đem đi cho nhà chú. Nhà chú ở tuốt bên kia sông, phải qua cây cầu khỉ và đi thêm một đỗi.

Cũng nói thêm là, hồi đó con nít ở quê có gì mà ăn, má thường xay bột, phơi khô để dành, lâu lâu đem ra luộc, vậy là thành món bánh. Chỉ là bột vo tròn, dùng tay ép dẹp xuống, bỏ vào nồi nước sôi, đợi bột chín nổi lên rồi vớt ra để nguội, trộn dừa, chan chút nước mắm, vậy mà đàn con ăn hào hứng, vui như nhà có tiệc. 

Những con đường lầy lội ngày xưa giờ được bê tông hoá khang trang, sạch đẹp.

Má nói, nhà chú có nhiều dừa nên chỉ cho bánh, dừa chú tự bẻ, nạo trộn vào. Khi đó cũng độ tháng Ba, nước sông mặn đậm đến có bong bóng, nắng và gió nhiều như bây giờ. Đang đi qua cuối cầu, bất chợt gió mạnh, thanh tay vịn lắt lay, con nhỏ chới với, mất thăng bằng rồi té nhào xuống nước. May là mé bờ nên chỉ có chân bị dính sình và quần ướt, dơ một khúc. Nhưng mà thau bánh thì hỡi ơi... chỉ còn không đầy một nửa. Phải làm sao đây? Đem cái thau với mấy miếng bánh về nói rớt thì có khi bị ăn đòn vì cái tội “không cẩn thận”. Còn đi cho tiếp, hổng lẽ cho có mấy miếng bánh, rồi ai ăn, ai nhịn? Mà như vậy cũng không hợp lý, nhà chú đông, có khi nào má cho ít như vầy?

Chợt nhìn thấy dòng nước chảy cuốn hết cặn đục đi, đám bánh nằm lồ lộ trắng phau bên dưới, con nhỏ tôi loé lên ý nghĩ: Vớt bánh lên và… đi cho tiếp. Vậy là hành vi “mờ ám” này được thực hiện. Hồi đó hổng biết nhà chú ăn bánh có phát hiện gì không. Cũng hồi hộp chờ đợi, nhưng không nghe bị… mắng vốn. “Bí mật” này, giờ... mới khai. 

2. Thằng em sống, học tập và đi làm ở Sài Gòn cả chục năm. Hôm đó về quê, bạn bè lâu ngày tụ họp, cũng có chút “nước chưn”, hắn từ nội ô TP Cà Mau chạy xe về nhà. Thay vì qua cầu Huỳnh Thúc Kháng, rẽ đường bệnh viện tỉnh, chạy chưa tới 10 cây số là đến nhà, hắn chạy thẳng đường Hoà Thành. Lộ làng “bê tông hoá” xe cứ bon bon. Chạy gần tiếng đồng hồ, hổng thấy tới, biết mình lạc đường, hắn dừng xe, “định vị”. Thua. Không biết đang ở chỗ nào. Đã 11, 12 giờ đêm, đường sá vắng hoe, nhà nhà chìm vào giấc ngủ, biết hỏi thăm ai bây giờ? May mà rà rà xe một đoạn vẫn còn nhà có ánh đèn, hắn đánh liều... kêu cửa. Cũng may chủ nhà còn thức (hay do hắn kêu giật mình thức gì đó), họ rất nhiệt tình chỉ đường.

Hắn về kể cho cả nhà nghe và cảm thán là nhờ có người tốt bụng. Nhỏ em chọc: Chắc tại nửa đêm, người ta sợ... cướp nên chỉ quách cho xong. Hắn phân trần, hồi hắn đi, ở miệt đó đâu có đường sá gì, tại bây giờ đổi thay quá, lộ bê tông rẽ ngang rẽ dọc mới ra... nông nổi. Cả nhà ghẹo: Đi năm đàng bảy đỗi không lạc, lại lạc giữa quê nhà.

3. Phải thừa nhận rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới quả là một cuộc cách mạng lớn ở nông thôn. Mặc dù trong quá trình thực hiện, đây đó cũng có chuyện này chuyện khác, nhưng nhờ đại cách mạng này mà làng quê đã thật sự khoác lên mình chiếc áo mới. Có người nói, đất nước giải phóng gần 50 năm, như vậy là chậm. Ai nói gì kệ họ, nhưng với tôi, làm được như vậy quả là một kỳ tích. 

Nhỏ bạn tôi định cư ở nước ngoài, Tết năm trước về quê, cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nó bảo, “ở bển” cũng có nghe, nhưng trong đầu vẫn lởn vởn “những con đường đau khổ” của ngày nào. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cái vất vả của những con đường quê “ngày hai buổi đến trường”... ăn sâu vào trí não những đứa trẻ như chúng tôi. 

Hồi đó, nhà tôi cũng dời đổi chỗ mấy lần. Đường đến trường có khi tầm 4-5 cây số, xa nhất cũng không quá 10 cây. Vậy mà với chúng tôi sao nhọc nhằn, xa xôi vời vợi. Mùa hạn, có đoạn đi tắt ngoài đồng, có đoạn đi theo lộ làng. Hồi đó người ta nuôi nhiều trâu để lấy sức cày ruộng, kéo lúa. Đi ngoài đồng thường gặp mấy con trâu thả rông. Cứ thấy nó từ xa nghinh mặt ngay mình là... chạy xanh máu mặt. Đi theo lộ làng thì gặp cảnh nhiều đoạn nước mặn, gió chướng, phèn trắng dầy lên. Hồi đó toàn đi học chưn không, gặp phèn ẩm ướt cứ quện một lớp như… mang giầy. Nếu gặp một đám mưa đầu mùa thì cái lớp đó càng quến dầy thêm, đi không muốn nổi. 

Mùa mưa, con đường cũng lắm gian nan. Những đoạn do không có lộ làng phải đi tắt ngoài đồng thì nước sâu, bờ đứt, có chỗ phải vẹt lúa mà đi. Những bụi lúa mùa cao quá đầu người, cứ đứa trước lạc đứa sau, gọi nhau í ới. Còn chuyện đỉa đeo thì quá bình thường (chứ không phải thấy rồi sợ la ai ái như trẻ con bây giờ. Đúng là cuộc sống dạy con người ta phải thích nghi). Còn lộ làng thì ngoài sình lầy, có những đoạn đường đứt do trâu lội, sâu ơi là sâu, lơ bơ là hụt chưn té nhào xuống nước. Hình ảnh con trai quần cột cổ, con gái thì quần xăn… tới háng, mình mẩy ướt lem nhem là chuyện thường ngày của đám học trò ở quê thời đó. Tập vở, có lẽ là “tài sản” được bảo vệ kỹ nhất, tuy vậy dù có bỏ trong bọc xà bông Viso (dùng hết, tận dụng bọc) nịt cọng dây thun ngang, vẫn ít nhiều không tránh khỏi bị ướt. 

Nhưng ám ảnh nhất với đám trẻ chúng tôi, có lẽ vẫn là mấy đoạn đường người dân cột heo hoặc thả rông. Chúng ủi lên thành từng vùng, phân heo cứ vung vãi lẫn lộn vào trong đất. Mỗi lần tới những đoạn này là phải lấy “hết mức can đảm” ra xài. Nắng thì còn bụm mũi, nhón chưn chạy, mưa thì phải “kiên cường”... giẫm đạp lên đó mà vượt qua. "Vượt ải" xong, dù đi kiếm nước kỳ rửa quá trời, cái chưn vẫn cứ nghe nhồn nhột, thiếu điều…. muốn chặt bỏ. 

4. Xã Hoà Tân, Hoà Thành, Định Bình là các nơi tuổi thơ tôi một thời gắn bó, giờ đây lộ làng đã khang trang. Định Bình đã là xã nông thôn mới. Hoà Tân, Hoà Thành cũng đang hoàn thành những tiêu chí cuối. Người dân quê tôi đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm. Kênh được khơi thông, sông được múc sâu để lấy đất làm đường và dẫn nước phục vụ sản xuất. Cây cối, cảnh vật ven đường cũng khác xưa. Cái cây cầu khỉ ngày nào tôi đi cho bánh bị rớt giờ thay bằng cầu bê tông. Những “con đường đau khổ” ngày xưa giờ không còn dấu tích. Tất cả được bê tông hoá sạch sẽ, khang trang. Trẻ em đến trường tung tăng trên những chiếc xe đạp. Đường được “quy hoạch” ngay hàng thẳng lối, nhiều con lộ mới, lộ rẽ ra đời. Vì vậy mà mấy lần về quê, bà con mời đám tiệc hay ngẫu hứng đi “tìm lại con đường xưa”, tôi bị lạc lung tung - chứ nói chi thằng em ở tận Sài Gòn cả chục năm không lai vãng tới. 

Không chỉ quê tôi vùng ven thành phố, mấy lần đi công tác ở tít Hàng Vịnh (Năm Căn), Thanh Tùng (Đầm Dơi), Khánh Lâm, Khánh Hội (U Minh)... tôi hết sức ngỡ ngàng vì ở những nơi xa xôi hẻo lánh mà lộ làng đều được xây dựng khang trang. Đường sá thông thoáng, xe chạy bon bon… Thực phẩm, hàng gia dụng được đèo trên xe gắn máy bán dập dìu. Thương lái tới lui mua gom tôm cua của bà con nhộn nhịp. Sáng sáng dỡ lú, đổ đục chỉ cần để cái thùng phía trước là lái biết có cái để bán và ghé vô. Phải thừa nhận rằng, ở đâu có lộ làng là ở đó thoáng đãng, nhà cửa xây dựng kiên cố, đời sống người dân khởi sắc...  

Vì vậy mà có những cụ già, khi con đường trước nhà mình được được làm xong, đã sung sướng thốt lên: Có chết cũng vui lòng nhắm mắt. 

Những câu chuyện về những con đường gian khó một thời dường như đã lùi vào... cổ tích. Để rồi, khi nào đó ngồi kể lại cho con cháu nghe, có lẽ phải bắt đầu bằng câu: Ngày xửa ngày xưa, có những con đường...

Huyền Anh

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.