ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-4-25 12:53:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ sĩ Bảo Anh: "Quê hương là nhịp thở con tim"

Báo Cà Mau (CMO) Vắng bóng trên sân khấu cải lương cũng như kịch nói một thời gian khá dài, thậm chí thế hệ khán giả trẻ sau này biết đến Nghệ sĩ Bảo Anh thường chỉ qua những vai diễn tâm lý xã hội giàu chiều sâu trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình. Rồi năm 2012, ông bất ngờ xuất hiện lại trên sân khấu trong chương trình "Tạ ơn đời" của NSND Kim Cương với vở kịch "Trà Hoa Nữ" (tác giả Hoàng Dũng).

Vẫn sự phong độ, lãng tử và nét diễn sang trọng của chàng kép đẹp năm nào, Nghệ sĩ Bảo Anh đã hoá thân thật trọn vẹn vai diễn Hoàng Anh Tuấn cùng với "kỳ nữ" (NSND Kim Cương) vai Y Lan. Dù thanh xuân đã qua đi và trên sân khấu đôi nghệ sĩ hợp diễn với nhau bằng hoài niệm nhưng đã mang đến cho khán giả rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Sau lần tái ngộ đó, dẫu biết rằng sự mong đợi của khán giả đối với người nghệ sĩ vang bóng một thời còn rất lớn, song, Nghệ sĩ Bảo Anh hầu như không tái xuất trên sân khấu lần nào nữa.

Hỏi ông: "Đến bao giờ khán giả sẽ tiếp tục được mãn nhãn với Nghệ sĩ Bảo Anh như lần hội ngộ quý giá ấy?". Ông mỉm cười: "Cũng nhớ sân khấu lắm chớ! Nhưng thôi, đã đến lúc dừng lại để giữ mãi một hình ảnh đẹp đối với công chúng rồi".

Câu trả lời gọn lỏn nhưng cũng đầy sự khẳng khái đối với nghệ thuật. Thật ra, ông ca còn rất hay, sức diễn cũng còn tràn trề, ngọn lửa nhiệt huyết vẫn còn đầy, nhưng theo lý giải của ông, người nghệ sĩ ngoài việc ca hay, diễn giỏi còn đòi hỏi phải có lực để có thể thẩm thấu được nhân vật. Mà theo số tuổi thì lực cũng dần vơi đi nên đành chấp nhận và như thế sẽ không phụ lòng yêu mến của công chúng dành cho ông suốt gần 45 năm qua.

Xuất phát điểm là nghệ sĩ văn công của tỉnh Cà Mau, sau ngày giải phóng, cái tên Bảo Anh lại thành danh ở Sài Gòn với những nghệ sĩ tên tuổi thuộc hàng sao lúc bấy giờ như: NSND Kim Cương, NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Minh Vương, NSƯT Mỹ Châu, Phượng Liên, Thương Tín, Vân Hùng... Và các đoàn hát từng đi qua, từ Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau đến Sài Gòn 2, Trần Hữu Trang, Phước Chung, Kim Cương... cũng giống như những bến đỗ đã lưu lại nhiều dấu ấn khó phai.

Nghệ sĩ Bảo Anh.

Sân khấu với ông là thánh đường nên bất cứ diễn nơi nào cũng là sự đắm chìm trong thăng hoa và sáng tạo. Nếu như ở Đoàn 2 - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, với vở "Chuyện cổ Bát Tràng" (tác giả Hà Triều) khi được hợp diễn cùng cô đào tài danh Phượng Liên đã làm cho tên tuổi của ông có chỗ đứng trong làng sân khấu cải lương thì sang Đoàn kịch nói Kim Cương, cùng chung sân khấu với “Kỳ nữ Kim Cương” đối với ông là một khoảng thời gian học thuật để làm cho nét diễn của chàng kép đẹp thêm trau chuốt. Đó là các vai diễn mà khi nhắc đến người ta không thể quên một vua Tô Chiêm (kịch "Nai đen rừng Đế Thích"), Hiếu (kịch "Bông hồng cài áo"), Tuấn ("Trà Hoa Nữ")... Để rồi sau đó, với sự thành công của vai Ba Cam trong phim "Con nhà nghèo" (chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Đạo diễn Hồ Ngọc Xum) đã một bước đưa ông đến với điện ảnh và dễ dàng chiếm trọn trái tim khán giả bằng những kinh nghiệm dày dặn trong nghề.

"Con còn trẻ hãy cố gắng làm nghề thật tốt, chứ sau này lớn tuổi có cố muốn đứng trên sân khấu như má bây giờ thì khán giả cũng không coi mình đâu con", câu nói của NSND Bảy Nam lúc sinh thời được ông ghi nhớ và làm kim chỉ nam trong suốt hành trình dài gắn bó với nghệ thuật. Ở đó luôn có sự phấn đấu không ngừng để làm mới mình, không cho phép hời hợt dù bất cứ vai diễn ở thể loại nào.

Đối với Nghệ sĩ Bảo Anh, nếu như thanh xuân đi qua gắn với sân khấu, với những vai diễn ấn tượng và luôn được sống trong sự đón nhận, tình yêu mến của công chúng thì khi tuổi đời dần luống, đã đến lúc gói ghém lại thành những kỷ niệm thật đẹp. Khi nhận thấy đã làm tròn trách nhiệm với nghệ thuật, với gia đình thì từ lâu ông lại nhắc nhủ mình phải có trách nhiệm đối với quê hương, chính vì thế mà những chuyến đi về giữa Sài Gòn - Cà Mau trong những năm gần đây như thường xuyên hơn, ấm áp hơn.

Chuyện kể rằng, khi tên tuổi còn ở thời kỳ vàng son, Nghệ sĩ Bảo Anh được rất nhiều khán giả ái mộ và hơn hết là sự săn đón của báo chí. Có lần, một phóng viên ở Sài Gòn tìm đến đặt câu hỏi phỏng vấn với ông: "Tuổi thơ của Nghệ sĩ Bảo Anh ngày đó như thế nào?". Ông trả lời: "Đó là một tuổi thơ cực kỳ đẹp bên cạnh những người dân quê chân chất cực kỳ biết điều với nhau...".

Cả câu hỏi và câu trả lời đó được ông tâm đắc và nhớ hoài. Trong suốt dòng nhớ về kỷ niệm ông luôn nói nhiều, cảm xúc nhiều về hai chữ "biết điều" của nơi ông sinh ra và lớn lên (Khánh Lâm - U Minh). Tình quê hương đằm thắm được ông dẫn dắt khéo léo qua những ký ức thật đẹp, đôi khi đó chỉ là mớ rau, con cá chuyền tay nhau lúc thắt ngặt, tối lửa tắt đèn của hàng xóm, là lời chào thân ái của dân quê...

Những điều bình dị như thế đã theo chân người nghệ sĩ trong suốt quãng thời gian dài. "Bây giờ về lại có thể cảnh cũ không còn như xưa, con người đã đổi thay nhưng cái dư âm của tình làng nghĩa xóm vẫn còn đẹp lắm. Về Cà Mau là thấy lòng bình yên, mà dù cho có đi muôn phương cũng không mơ tìm lại được, nó cứ gần gũi như nhịp thở của mình vậy", ông nhẹ nhàng tự tình.

Hiện tại là Phó chủ nhiệm CLB Văn Công giải phóng tỉnh Cà Mau, Nghệ sĩ Bảo Anh luôn dành nhiều sự quan tâm đối với đồng nghiệp của tỉnh nhà, nơi ông cùng đồng đội đồng cam cộng khổ mang tiếng hát át tiếng bom và hơn hết đó còn là cái nôi đầu tiên đưa cái tên Bảo Anh đến với sân khấu, với công chúng. Nhìn cách tận tình quan tâm thăm hỏi đồng nghiệp, giúp đỡ về mặt vật chất cho gia đình các nghệ sĩ khó khăn rồi lại cùng với mọi người tất bật khâu chuẩn bị, tổ chức ngày họp mặt truyền thống mỗi năm của Đoàn Văn công... mới biết chính vì sự sống đẹp, biết trước biết sau mà ông luôn được lòng hết thảy giới nghệ sĩ, nhất là tại quê hương.

Nói về người em, người đồng chí một thời của mình, NSƯT Huỳnh Hảnh, nguyên Phó trưởng Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau, tâm đắc: "Bảo Anh là một nghệ sĩ đầy trách nhiệm với anh em đồng nghiệp, hơn hết là với CLB Văn công giải phóng cho đến hiện tại. Dù chỉ tham gia đoàn một thời gian ngắn nhưng lúc nào cũng nhớ và coi đó như gia đình của mình”.

Bây giờ, thỉnh thoảng khi nhận được lời mời từ bạn bè hay khán giả ái mộ, ông sẵn sàng đến ca góp vui. Những câu vọng cổ được cất lên không hề đặt vào đó vấn đề vật chất mà chỉ có đầy ắp tấm lòng và sự đồng điệu.

"Càng nổi tiếng con người ta càng phải biết khiêm tốn. Đôi khi danh hiệu không làm nên giá trị của người nghệ sĩ, trước khi định hình nghề phải định hình được bản thân. Để sau tất cả, cái tình mới là cái ở lại của người nghệ sĩ khi đã rời xa sân khấu...", Nghệ sĩ Bảo Anh chia sẻ bằng ánh mắt bừng sáng, thần thái đầy lạc quan của tuổi về chiều và tôi thấy ở ông một anh Ba Nghĩa ở chốn đồng quê như chợt hiện về./.

Trần Hoàng Phúc 

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Ðồng bào Khmer đón Tết no ấm

Những ngày qua, đồng bào dân tộc tại xóm Khmer Lớn, Ấp 6, xã Khánh Hoà tất bật trang hoàng nhà cửa, làm cỏ hai bên đường, tập trung tại salatel dọn dẹp vệ sinh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt

Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tâm huyết bảo tồn chữ viết dân tộc

Với tâm niệm không để ngôn ngữ và chữ viết dân tộc mình bị mai một, nhiều thầy giáo, các vị sư dân tộc Khmer đã âm thầm cống hiến công sức, trí tuệ, truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết Khmer cho lớp trẻ. Qua đây, ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thăng hoa cùng nhiếp ảnh

Chàng trai trẻ Cà Mau toả sáng trong giới thời trang

Sinh ra và lớn lên ở huyện U Minh, trong một gia đình khá khó khăn, Huỳnh Ngọc Huấn từ nhỏ đã quyết tâm học tập để mang đến cuộc sống tốt hơn cho cha mẹ. Ðam mê ngành học thời trang, nhưng hiểu điều kiện gia đình không đủ lực để hỗ trợ mình, bởi quá trình học ngành này rất tốn kém, Huấn chuyển sang thi ngành thiết kế nội thất của Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Cần Thơ). Huấn kể: “Tôi thi đậu vào trường. Cha mẹ nghe tin con trai đậu đại học thì mừng hơn bắt được vàng, khoe khắp nơi. Nhưng niềm đam mê lại thúc giục tôi rẽ sang lối đi khác”.